Aldosteron là một corticoid chuyển hóa muối-nước được vỏ thượng thận bài xuất có tác dụng điều hòa huyết áp. Xét nghiệm Aldosteron trong máu có ý nghĩa quan trọng trong chẩn đoán nhiều bệnh lý liên quan đến gan, thận.
1. Xét nghiệm aldosteron trong máu là gì?
Trong cơ thể, hệ thống renin – angiotensin - aldosteron kiểm soát giải phóng Aldosteron. Giảm thể tích dịch ngoài tế bào gây giảm dòng máu tới thận và tình trạng này sẽ kích thích thận sản xuất và bài xuất renin. Renin tác động trên angiotensinogen để hình thành angiotensin I, chất này khi có mặt angiotensin – coverting enzym (ACE), được chuyển đổi thành angiotensin II. Angiotensin II kích thích vỏ thượng thận tăng sản xuất aldosteron.
Trong quá trình chuyển hóa của cơ thể, Aldosteron tham gia kiểm soát natri và kali. Aldosteron gây các tác động tại các ống lượn xa, tại đó nó gây tăng tái hấp thu natri và clo đồng thời gây tăng bài xuất kali và ion hydrogen.
Xét nghiệm aldosteron trong máu được thực hiện trên cả mẫu huyết tương và mẫu nước tiểu. Các thông tin thu được giúp ích cho chẩn đoán cường Aldosteron tiên phát (do tình trạng bất thường của vỏ thượng thận gây nên) và cường Aldosteron thứ phát (là tình trạng do tăng kích thích quá mức đối với vỏ thượng thận bởi một số chất như angiotensin hay ACTH gây nên).
2. Xét nghiệm aldosteron trong máu khi nào?
Bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn xét nghiệm aldosteron trong máu trong một số trường hợp sau:
- Để chẩn đoán tình trạng cường Aldosteron tiên phát hay thứ phát;
- Để đánh giá sản xuất Aldosteron thượng thận;
- Để chẩn đoán phân biệt các rối loạn nước và điện giải;
- Rối loạn nước và các chất điện giải trong cơ thể;
- Người trẻ tuổi bị tăng huyết áp;
- Hạ huyết áp tư thế đứng (có nghĩa là huyết áp bị giảm thấp khi bạn đứng dậy);
- Sản xuất quá nhiều aldosterone;
- Có các triệu chứng giảm hoạt động của tuyến thượng thận.
3. Ý nghĩa lâm sàng chỉ số Aldosteron
Ý nghĩa lâm sàng chỉ số Aldosteron sẽ phản ánh tình trạng sức khỏe của gan, thận và một số căn bệnh liên quan khác, cụ thể:
Giá trị bình thường:
- Huyết tương (tư thế đứng): 4 -31 ng/dL hay 111 – 860 pmol/L
- Huyết tương (tư thế nằm): < 16 ng/dL hay < 444 pmol/L
- Bài tiết qua nước tiểu: 6 – 25 μg/ngày hay 17 – 69 nmol/ngày.
- Huyết tương (tư thế ngồi/ 8 – 10h sáng): 4 – 31 ng/dL hay 111 – 860 pmol/L.
- Huyết tương (tư thế nằm/ 8 – 1h sáng): < 16 ng/dL hay < 444 pmol/L.
- Huyết tương (tư thế ngồi/ 4 – 6h chiều): 2 – 23 ng/dL hay 55,48-638,02 pmol/L.
- Bài tiết qua nước tiểu: 6 – 25 ́g/ngày hay 17 – 69 nmol/ngày.
Nồng độ Aldosteron trong máu có thể tăng do một số nguyên nhân sau:
- Tăng sản vỏ thượng thận;
- Các khối u biểu mô tuyến sản xuất aldosteron (aldosterone-producing adenoma);
- Xơ gan cổ trướng;
- Suy tim ứ huyết;
- Chảy máu;
- Tăng kali máu;
- Giảm natri máu;
- Giảm thể tích máu;
- Chế độ ăn ít natri;
- Tăng huyết áp ác tính;
- Hội chứng thận hư;
- Có thai;
- Cường aldosteron tiên phát (hội chứng Conn);
- Tình trạng stress.
Nếu nồng độ Aldosteron trong máu giảm có thể là dấu hiệu của một số vấn đề như:
- Bệnh Addison hay suy thượng thận tiên phát;
- Chế độ ăn nhiều natri;
- Tăng Natri máu;
- Giảm kali máu;
- Hội chứng mất muối;
- Nhiễm trùng huyết;
- Nhiễm độc thai nghén.
4. Lợi ích của xét nghiệm định lượng nồng độ Aldosteron
Lợi ích của xét nghiệm định lượng nồng độ Aldosteron bao gồm:
- Xét nghiệm cơ bản cho phép chẩn đoán xác định tình trạng cường aldosteron: khi nồng độ aldosteron huyết tương > 100ng/dL tình trạng cường cường aldosteron máu được xác nhận.
- Kết hợp với xác định hoạt độ renin huyết tương, xét nghiệm cho phép xác định tình trạng cường aldosteron này là tiên phát hay thứ phát: cường aldosteron tiên phát gây tăng nồng độ aldosteron huyết tương và hoạt độ renin huyết tương thấp.
5. Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm aldosteron trong máu
Tuy không phải là kỹ thuật xét nghiệm nghiêm ngặt nhưng kết quả có thể bị ảnh hưởng bởi một số điều sau nên bạn cần lưu ý:
- Kết quả xét nghiệm có thể bị thay đổi do chế độ ăn, hoạt động thể lực, uống cam thảo và do tư thế của bệnh nhân.
- Các thuốc có thể làm tăng nồng độ aldosteron máu là: Corticotropin, diazoxide, thuốc lợi tiểu, hydralazin hydroclorid, natri nitroprussid, thuốc ngừa thai, uống kali.
- Các thuốc có thể làm giảm nồng độ aldosteron là: Fludrocortison acetat, methyl dopa, các thuốc chống viêm không phải steroid, propranolol, steroid.
Xét nghiệm định lượng nồng độ Aldosteron trong máu rất quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh liên quan đến gan, thận, huyết áp. Bởi vậy, để có được kết quả chính xác nhất, nhanh nhất, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả, bạn nên xét nghiệm tại các trung tâm y tế uy tín.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn cao, đưa ra những chẩn đoán chính xác. Trang thiết bị hiện đại giúp bệnh nhân có được kết quả xét nghiệm nhanh nhất, độ chính xác cao. Điều này hỗ trợ một phần không nhỏ đến quá trình điều trị. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.