Hormon Aldosteron là một trong những loại hormone được sản xuất tại tuyến thượng thận, giữ chức năng duy trì nồng độ Natri và Kali máu ở mức độ bình thường nhằm tạo nên sự thăng bằng về thể tích máu cũng như huyết áp động mạch. Vì vậy, việc đo nồng độ Aldosteron trong máu cũng như nước tiểu là cực kỳ cần thiết, giúp theo dõi và phát hiện một số tình trạng bệnh lý bất thường.
1. Hormone Aldosterone
Hormone Aldosterone là một loại corticoid đảm nhiệm chức năng chuyển hóa muối và nước trong cơ thể, được tạo ra tại tuyến thượng thận, chính xác hơn là vỏ thượng thận. Để kiếm việc giải phóng ra hormone Aldosterone thì cần phải có sự điều hòa bởi hệ thống Renin – Angiotensin – Aldosterone. Sinh lý hệ Renin – Angiotensin – Aldosteron được giải thích như sau: Renin là enzyme thủy phân, do thận sản xuất và nhận nhiệm vụ điều hòa và kiểm soát hormone Aldosterone. Thận sẽ sản sinh ra enzyme Renin khi chỉ số huyết áp của cơ thể tụt, hoặc trong trường hợp nồng độ muối Natri Clorua bị suy giảm, sau đó Renin sẽ bắt đầu quá trình thủy phân protein Angiotensinogen trong máu, tạo ra Angiotensin I và chuyển hóa thành Angiotensin II thông qua enzyme chuyển hóa ACE. Angiotensin II là chất kích thích để sản xuất ra hormone Aldosteron làm tăng huyết áp và giữ cho nồng độ ion Kali và Natri máu ở mức ổn định. Hệ Renin – Angiotensin có thể có ở thận, tuyến thượng thận, tim, mạch máu, hệ thần kinh...
Hormone Aldosterone hoạt động làm tăng huyết áp và cân bằng Kali, Natri máu thông qua ống lượn xa và ống góp Nephron, xảy ra quá trình tái hấp thu ion Natri, Clo và song song với đó là việc tăng bài xuất ion Kali và Hydrogen. Hiệu quả của quá trình này đó là cơ thể sẽ tăng khả năng tích trữ nước cũng như thể tích dịch ngoại bào sẽ tăng lên, đảm bảo được nồng độ Natri và Kali máu bình thường, kiểm soát huyết áp của cơ thể.
Trên thực tế lâm sàng, đối với một số cơ thể người bệnh thường xảy ra tình trạng sản xuất quá nhiều hormone này gọi là Aldosteron tăng hoặc sản xuất quá ít nên cần phải thực hiện một số xét nghiệm để đo nồng độ Aldosteron và Renin có trong cơ thể để tìm ra nguyên nhân của tình trạng sinh lý không bình thường này. Những loại xét nghiệm này được thực hiện với cả máu và nước tiểu của người bệnh, có giá trị trong việc phát hiện và chẩn đoán một số bệnh lý như cường Aldosteron nguyên phát, cường Aldosteron thứ phát để có biện pháp điều trị phù hợp.
2. Đo nồng độ Aldosteron
Đo nồng độ Aldosteron và đo nồng độ Renin nhằm khảo sát sự sản xuất hormon Aldosteron ở tuyến thượng thận của người bệnh, tìm ra nguyên nhân dư hoặc thiếu loại hormone này trong cơ thể để chẩn đoán một số bệnh lý liên quan. Đối với đo nồng độ Aldosteron thì bệnh nhân thường được lấy mẫu máu hoặc mẫu nước tiểu để làm xét nghiệm trong 24 giờ, còn đo nồng độ Renin thì sẽ được lấy từ mẫu máu. Nếu nồng độ hormon Aldosteron trong cơ thể bệnh nhân cao thì có thể nghĩ đến bệnh lý thừa Aldosteron nguyên phát hay còn có tên khoa học là hội chứng Conn làm bệnh nhân bị tăng huyết áp. Sau khi đo nồng độ Aldosteron, nếu kết quả dương tính thì bệnh nhân sẽ được chỉ định thêm nghiệm pháp kích thích cũng như kìm hãm hormon Aldosteron để góp phần củng cố chẩn đoán.
Một điều quan trọng cần phải chú ý khi đo nồng độ Aldosteron hoặc Renin đó là cả 2 chất này đều có thể thay đổi trong ngày, giá trị cao nhất được thấy vào buổi sáng, có thể thay đổi ngay cả khi bệnh nhân có sự thay đổi về tư thế, căng thẳng hoặc bị ảnh hưởng bởi một số loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng. Vì vậy, khi làm xét nghiệm thì phải lưu ý đến những yếu tố này và thực hiện đúng quy trình để kết quả xét nghiệm được chuẩn xác nhất.
Chỉ định thực hiện đo nồng độ Aldosteron bao gồm:
- Bệnh nhân có chỉ số huyết áp cao, đặc biệt là những trường hợp có nồng độ Kali thấp
- Bệnh nhân bị huyết áp cao, nồng độ Kali bình thường nhưng sử dụng những thuốc điều trị huyết áp thì không đáp ứng hoặc bị tăng huyết áp từ sớm, bệnh nhân bị bệnh lý cường Aldosteron nguyên phát và cường Aldosteron thứ phát, thiếu hormon Aldosteron nguyên phát và thứ phát.
- Bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh lý suy tuyến thượng thận
Cách lấy mẫu bệnh phẩm để đo nồng độ Aldosteron trong máu và nước tiểu và bảo quản bệnh phẩm như sau:
- Đối với bệnh phẩm là máu, cần lấy máu tĩnh mạch khi bệnh nhân đứng thẳng hoặc nằm ngửa. Trước thời gian lấy máu xét nghiệm, bệnh nhân cần nghỉ ngơi 30 phút rồi nằm ngửa và bắt đầu lấy máu. Khi lấy máu ở tư thế đứng thì cho bệnh nhân đứng thắng, hoặc đi lại trong vòng 30 phút rồi ngồi xuống và lấy mẫu máu ngay lúc đó. Mẫu máu không được tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, có thể bảo quản trong vòng 24 giờ ở nhiệt độ không quá 25°C, lâu hơn thì trong khoảng 4 ngày với điều kiện nhiệt độ từ 2- 8°C, thậm chí có thể bảo quản trong 2 tháng khi nhiệt độ bảo quản đạt -20°C.
- Đối với mẫu bệnh phẩm là nước tiểu, bệnh nhân cần thực hiện lấy nước tiểu trong 24 giờ, đựng trong bình đã vô trùng có chứa Acid Acetic 50%. Bảo quản mẫu nước tiểu là ở nhiệt độ từ 20-25°C thì có thể giữ được trong 8 giờ, đối với nhiệt độ 2-8°C thì có thể bảo quản nước tiểu trong 24 giờ, nếu muốn bảo quản trong thời gian lâu hơn khoảng 2 tháng thì cần giữ nhiệt độ ở mức -20°C.
Đo nồng độ Aldosteron trong máu và nước tiểu là một xét nghiệm cần thiết trong việc khảo sát nồng độ hormone Aldosteron có trong cơ thể, có bị sản xuất quá mức hay thiếu hụt hay không, từ đó có cơ sở để chẩn đoán một số bệnh lý như cường Aldosteron thứ phát hay nguyên phát, thiếu hormon Aldosteron nguyên phát hay thứ phát hoặc một số bệnh lý liên quan đến tuyến thượng thận.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
XEM THÊM