Bài viết được thực hiện bởi Bác sĩ Lê Duy Cường - Đơn nguyên sinh hóa - Khoa Xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Chuyển hóa gây độc của methanol có trong rượu có thể xuất hiện chậm. Khi bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc rượu, bệnh nhân cần được chỉ định xét nghiệm đồng thời cả ethanol và methanol.
1. Methanol là gì?
Rượu từ lâu đã là một thức uống quen thuộc, gắn liền với đời sống văn hóa người Việt Nam nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng tác hại của rượu vô cùng ghê gớm. Đặc biệt trong thời gian qua, tình trạng lạm dụng rượu và ngộ độc rượu có xu hướng tăng nhanh và phức tạp. Mỗi năm vẫn còn nhiều ca phải nhập viện, thậm chí tử vong vì ngộ độc rượu. Trong rượu không chỉ có ethanol mà còn có thể chứa một lượng nhất định methanol, aldehyde, và các chất độc hại khác, gây độc mạnh hơn ethanol, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ máy tuần hoàn, hô hấp và thần kinh của con người. Một nghiên cứu trong nước đã chỉ ra rượu trắng chưng cất thủ công không có mẫu rượu nào vượt chỉ tiêu hàm lượng methanol quy định. Nhưng tất cả các mẫu rượu trắng pha chế đều vượt chỉ tiêu hàm lượng quy định. Tuy nhiên các ca ngộ độc methanol gần đây được ghi nhận thì đa phần bệnh nhân sử dụng rượu được pha chế từ cồn công nghiệp hoặc rượu giả không có nguồn gốc xuất xứ có lẫn methanol với hàm lượng cao, cá biệt có bệnh nhân nghiện rượu tự ý mua cồn sát trùng về pha để uống dẫn đến ngộ độc methanol.
Methanol - thường được gọi là cồn công nghiệp - là alcohol đơn giản nhất có công thức CH3OH. Trong rượu chưng cất, methanol có nguồn gốc từ sự phân giải các đại phân tử trong quá trình lên men như hemicellulose, pectin, lignin và xylan. Chủ yếu là sự phân giải pectin bởi pectin methylesterase. Methanol là một chất được sinh ra trong quá trình lên men, bản thân methanol ít độc nhưng các chất chuyển hóa của nó lại rất độc. Khi vào cơ thể, methanol được chuyển hóa bởi Alcohol dehydrogenase - một enzyme chuyển hóa rượu tại gan, tạo ra formaldehyde (độc gấp 33 lần methanol) gây ra các triệu chứng lâm sàng. Formaldehyde sau đó nhanh chóng chuyển hóa thành formic acid (độc gấp 6 lần methanol) bởi formaldehyde dehydrogenase, ức chế cytochrome oxidase trong thần kinh thị giác làm xáo trộn dẫn truyền sợi trục. Ngoài ra, formic acid còn liên quan đến mức độ toan máu và mức độ gia tăng khoảng trống anion. Cuối cùng, formic acid được chuyển hóa thành CO2 và nước. Methanol ảnh hưởng chủ yếu lên hệ thần kinh trung ương với các triệu chứng say rượu, ngủ gà, sững sờ, co giật hay hôn mê. Hàm lượng methanol vượt quá chỉ tiêu cho phép có thể dẫn đến ngộ độc cho người sử dụng. Tiêu chuẩn Việt nam (TCVN 7043:2013) quy định hàm lượng methanol có trong 1L ethanol 100 độ không lớn hơn 2000 mg.
2. Những đối tượng nào có nguy cơ ngộ độc methanol?
Từ đầu năm 2017 đến nay số vụ ngộ độc methanol đã tăng đột biến. Nhiều trường do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, các nạn nhân phần lớn lại là người nghèo, sinh viên, người trẻ tuổi chưa đủ nhận thức.
Bên cạnh đó, khách du lịch cũng là nhóm đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt là trong các kỳ nghỉ khi lượng lớn rượu bia được tiêu thụ cùng với thói quen uống rượu nhiều, không kiểm soát.
Khả năng chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời cũng là một yếu tố quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của ngộ độc methanol.
3. Biểu hiện khi ngộ độc Methanol?
Các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng và bệnh nhân có uống ethanol hay không (nếu có triệu chứng xuất hiện chậm hơn).
Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bỏ qua hoặc trẻ nhỏ không được phát hiện. Biểu hiện thường gặp là:
- Thần kinh: methanol là chất ức chế thần kinh trung ương, tương tự ngộ độc ethanol nhưng ở mức độ nhẹ hơn, gây an thần và vô cảm. Bệnh nhân khi đến viện thường còn tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có thể gặp các triệu chứng: quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.
- Mắt: Lúc đầu nhìn bình thường, sau đó 12 -24 giờ nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, thu hẹp thị trường, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm...). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng hoặc giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu. Soi đáy mắt thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc. Dấu hiệu thấy khi soi đáy mắt không tương quan với dấu hiệu nhìn của bệnh nhân nhưng thực sự tương quan với mức độ nặng của ngộ độc.
- Các di chứng thần kinh: rối loạn ý thức, hôn mê, hội chứng parkinson, thiết hụt nhận thức, viêm tủy cắt ngang, bệnh lý đa dây thần kinh, teo đĩa thị giác, giả liệt vận nhãn.
- Tim mạch: giãn mạch, tụt huyết áp và suy tim.
- Hô hấp: thở yếu, ngừng thở; thở nhanh, sâu nếu có nhiễm toan chuyển hóa.
- Tiêu hóa: viêm dạ dày xuất huyết, viêm tụy cấp biểu hiện đau thượng vị, nôn, ỉa chảy. Ngộ độc trung bình hoặc nặng có thể thay đổi chức năng gan.
- Thận: suy thận cấp, biểu hiện đái ít, vô niệu, nước tiểu đỏ hoặc sẫm màu nếu có tiêu cơ vân.
- Có thể đau lưng, thân mình, cứng gáy (giống xuất huyết màng não), cứng cơ, da có thể lạnh, vã mồ hôi.
4. Xét nghiệm định lượng methanol trong máu
Một lượng nhỏ dạng vết của methanol có trong dịch hoa quả tự nhiên, đây là nguồn methanol không gây độc vì có hàm lượng thấp. Methanol cũng là sản phẩm của quá trình lên men rượu, hàm lượng methanol trong quá trình lên men rượu cũng không gây độc.Khi trong rượu uống có cả ethanol và methanol thì chuyển hóa gây độc của methanol xuất hiện chậm hơn và biểu hiện nhiễm độc muộn, bệnh nhân và bác sĩ có thể chỉ chú ý đến ngộ độc kiểu ethanol lúc đầu và dễ bỏ sót giai đoạn ngộ độc thực sự về sau của methanol. Do đó, đối với tất cả các trường hợp có nghi ngờ ngộ độc rượu nói chung, cần phải chỉ định xét nghiệm đồng thời cả ethanol và methanol.
- Ngưỡng nồng độ độc của methanol máu > 20mg/dL, làm ít nhất 2 lần/ngày, xét nghiệm lúc vào viện, trước và sau lọc máu, khi kết thúc điều trị.
- Ngưỡng ngộ độc trầm trọng là > 50 mg/dL nồng độ > 150-200 mg/dL sẽ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Để được tư vấn và đặt lịch khám, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống phòng khám của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trên toàn quốc TẠI ĐÂY.