Xét nghiệm creatine phosphokinase là một xét nghiệm sinh hóa được tiến hành với mục đích chủ yếu là giúp chẩn đoán chấn thương cơ tim hay nhồi máu cơ tim.
1. Creatine phosphokinase (CPK) là gì?
Creatine phosphokinase (CPK) là một enzym chủ yếu thấy ở cơ tim, cơ vân và một lượng ít hơn ở mô não. Vai trò quan trọng của Creatine phosphokinase là kiểm soát dòng cung cấp năng lượng cho nhiều mô khác nhau trong cơ thể, đặc biệt ở mô cơ.
2. Vai trò của xét nghiệm CPK là gì?
Ý nghĩa xét nghiệm CPK là như thế nào chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Khi bị bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
CPK là một trong những enzyme tăng lên đầu tiên, trước cả transaminase và LDH. Từ giờ thứ 4 sau khi bị nhồi máu (4-8 giờ) hoạt độ enzyme CPK toàn phần điển hình sẽ tăng ngay, và tăng đến mức đỉnh từ giữa giờ thứ 12 đến 36 sau khi bị nhồi máu. Trong khoảng 2 – 3 ngày đầu hoạt độ CPK thường tăng cao và trở lại giá trị bình thường vào khoảng ngày thứ 4.
Khi đó, xét nghiệm creatine phosphokinase được chỉ định giúp hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng rối loạn cơ vân. Ba đồng phân enzyme của CPK thường được tiến hành kiểm tra hàm lượng trong xét nghiệm creatine phosphokinase là: CK-BB (CK1), CK-MB (CK2), CK-MM (CK3). Để hiểu rõ thời gian, mức độ và đưa ra phương án chữa trị hiệu quả cho bác sĩ thường dựa vào đặc tính chuyển hóa của các enzyme này.
3. Xét nghiệm creatine phosphokinase được chỉ định khi nào?
Xét nghiệm creatine phosphokinase được tiến hành để hỗ trợ chẩn đoán chấn thương cơ tim (nhồi máu cơ tim). Nếu kết quả xét nghiệm creatine phosphokinase cho thấy nồng độ enzyme cao nghĩa là có thể mô cơ vân, cơ tim hoặc mô não bạn đang bị tổn thương hoặc stress.
Xác định các enzyme CPK chuyên biệt có thể giúp bác sĩ xác định chính xác loại mô đang bị tổn thương. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm creatine phosphokinase khi cần chẩn đoán một số bệnh lý sau:
- Xét nghiệm creatine phosphokinase luôn được ưu tiên hàng đầu cho chẩn đoán nhồi máu cơ tim;
- Đánh giá các cơn đau ngực của bệnh nhân;
- Xác định mức độ tổn thương của các mô cơ;
- Xác định các tình trạng viêm đa cơ, và các bệnh về cơ khác;
- Xét nghiệm creatine phosphokinase cũng giúp phân biệt giữa tăng thân nhiệt ác tính và một số nhiễm trùng hậu phẫu.
4. Kết quả xét nghiệm creatine phosphokinase
4.1 Kết quả bình thường
Hàm lượng CPK toàn phần:
- Ở bệnh nhân nữ: 40 – 150 U/L hay 0,67 – 2,50 kat/L.
- Ở bệnh nhân nam: 38 – 174 U/L hay 0,63 – 2,90 kat/L.
CPK MB (CK2): < 10 U/L.
Điện di các đồng phân CPK cho kết quả:
- CPK BB (CK1) <1% (Trong điều kiện bình thường rất hiếm gặp).
- CPK MB (CK2) < 5%.
- CPK MM (CK3) > 94%.
4.2 Kết quả bất thường
- Tổng nồng độ CPK tăng: Bệnh lý hoặc các chấn thương đã làm ảnh hưởng đến cơ tim, cơ xương và não.
- Tăng nồng độ CK-BB (CK1) : Các bệnh lý đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương hoặc có thể do ung thư tuyến (đặc biệt lưu ý ngực và phổi), nhồi máu phổi cũng có thể được nghĩ đến khi kết quả xét nghiệm creatine phosphokinase cho thấy CK1 tăng.
- Tăng nồng độ CK-MB (CK2) : Bệnh nhân đang rơi vào tình trạng nhồi máu cơ tim cấp tính, hoặc vừa trải qua phẫu thuật phình động mạch tim; một số nguyên nhân khác là khử rung tim, sưng cơ tim, loạn nhịp tâm thất, thiếu máu cơ tim cục bộ.
- Tăng nồng độ CK-MM (CK3): Nếu xét nghiệm creatine phosphokinase cho thấy nồng độ CK3 tăng thì nguyên nhân có thể là hội chứng vùi lấp, chấn thương, tăng thân nhiệt ác tính, viêm cơ, điện cơ, tiêm bắp, bị co giật gần đây,..
5. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm creatine phosphokinase
Các yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm creatine phosphokinase là:
- Tiêm bắp;
- Tập thể dục quá sức hoặc vừa trải qua phẫu thuật;
- Nồng độ CPK có thể chênh lệch giữa nam và nữ, giữa những người có trọng lượng cơ thể khác nhau;
- Mang thai thời kỳ đầu cũng có khả năng làm giảm nồng độ CPK;
- Những chất kích thích như rượu, bia; các loại thuốc gây mê, thuốc chống đông máu hoặc chất kháng sinh có thể gây giảm nồng độ CPK.
6. Những lưu ý khi xét nghiệm creatine phosphokinase
Để kết quả xét nghiệm creatine phosphokinase chính xác nhất, bạn nên lưu ý một số điểm sau:
- Xét nghiệm creatine phosphokinase thực hiện trên huyết thanh trong máu nên bạn cũng không cần phải nhịn ăn trước khi nhân viên y tế tiến hành lấy máu làm xét nghiệm.
- Xét nghiệm thường được thực hiện mỗi ngày một lần trong ba ngày và sau đó mỗi tuần thực hiện một lần.
- Khi tiến hành lấy máu có thể nhân viên y tế sẽ chuyển vùng chọc tĩnh mạch, do vậy bạn nên hợp tác để tránh hiện tượng tán huyết.
- Ngoài ra, để không làm ảnh hưởng và hỗ trợ đánh kết quả xét nghiệm creatine phosphokinase tốt hơn bạn cũng nên ghi lại thời gian và ngày tháng thực hiện tiêm bắp cũng như thời gian lấy máu xét nghiệm.
Trên đây là những hiểu biết chung nhất về xét nghiệm creatine phosphokinase cũng như ý nghĩa xét nghiệm CPK và những lưu ý cho bệnh nhân khi được chỉ định làm xét nghiệm.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.