Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi ThS.BS Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sau một cơn đột quỵ, người bệnh có thể có một số thay đổi về thể chất trong cách di chuyển, nói năng hoặc hoặc cả đi vệ sinh. Đồng thời, họ cũng có thể phải chấp nhận những thay đổi nhất định trong cảm xúc, tâm lý. Trầm cảm và lo lắng là rất thường gặp, bên cạnh đó còn có tức giận, thất vọng, lừ đừ, chậm chạp và cả khóc hoặc cười vô cớ. Hiểu biết về vấn đề thay đổi cảm xúc sau đột quỵ, cảm thông cho người bệnh là một trong những điều thiết yếu để giúp bệnh nhân sớm phục hồi sau đột quỵ.
Sau đây là những thay đổi cảm xúc sau đột quỵ thường gặp:
1. Trầm cảm
Thống kê tại các trung tâm, bệnh viện chuyên khoa đột quỵ cho thấy rất nhiều người bị trầm cảm tại một số thời điểm sau biến cố đột quỵ. Cột mốc ghi nhận thường là trong vòng một năm đầu tiên.
Người bệnh có thể cảm thấy buồn rầu, trống rỗng, cáu kỉnh, bất lực hoặc vô vọng. Đôi khi họ lại có biểu hiện là ngủ quá nhiều hoặc quá ít, chán ăn hay ăn nhiều liên tục, mất hứng thú với những thứ họ từng rất thích. Ngay cả những người thân của mình, bệnh nhân đột quỵ cũng thờ ơ, không còn quan tâm, suy nghĩ đến. Một số bệnh nhân khác lại than phiền về triệu chứng mệt mỏi, uể oải, yếu sức hoặc đau đầu và không đáp ứng với bất kỳ điều trị thông thường nào. Hơn thế nữa, không ít bệnh nhân từng có suy nghĩ hay đã từng thực hiện hành vi tự tử.
Các triệu chứng của trầm cảm ban đầu rất mờ nhạt, khó phát hiện. Một khi đã biểu hiện ra ngoài thì bệnh đã trở nên nặng nề. Lúc này, việc điều trị đôi khi gặp khá nhiều khó khăn, chậm phục hồi. Chính vì thế, khi chăm sóc người bị đột quỵ, các thành viên gia đình trong gia đình cần quan tâm đến người bệnh, sớm nhận thấy các dấu hiệu đầu tiên và báo với bác sĩ mỗi lần thăm khám định kỳ để được điều chỉnh kịp thời.
2. Lo âu
Rối loạn lo âu là luôn tồn tại trong suy nghĩ một cảm giác sợ hãi hoặc lo lắng, từ mức độ nhẹ, thoáng qua đến mức độ nặng nề. Khi lo âu diễn tiến nặng, tình trạng có thể khiến người bệnh cảm thấy bồn chồn, vật vã, bứt rứt hay hoảng loạn, không kiểm soát được hành vi. Thăm khám khám bệnh nhân đổ mồ hôi nhiều, tim đập nhanh, run chi, hơi thở nông, gấp gáp.
Cùng với trầm cảm, rối loạn lo âu sẽ càng dễ xảy ra hơn trên những đối tượng đã từng mắc tình trạng này trước thời điểm xảy ra cơn đột quỵ.
3. Không kiểm soát được cảm xúc
Sau biến cố đột quỵ, người bệnh có thể có những thay đổi đột ngột, không thể đoán trước trong khống chế cảm xúc của mình. Cụ thể là họ có những biểu hiện về mặt tình cảm, tâm lý không phù hợp với tình huống đang gặp phải. Người bệnh có thể cười khi gặp chuyện buồn và ngược lại sẽ khóc khi vui sướng.
Nguyên nhân của những xáo trộn này do rối loạn tâm lý cũng như những tổn thương thực thể trên vùng não cao cấp, điều khiển cảm xúc, hành vi ở động vật tiến hóa. Những thay đổi kể trên nhìn chung là phổ biến đối với những người sau đột quỵ. Tuy nhiên, đối với người thân của họ, điều này đôi khi lại khó có thể chấp nhận được.
4. Các dạng thay đổi cảm xúc khác
- Sự thờ ơ: Người bệnh dửng dưng, lơ là, hoàn toàn không thể hiện bất kỳ sự quan tâm, cảm xúc nào đến mọi việc xung quanh. Họ cũng tỏ vẻ cho thấy không có động lực để làm bất cứ điều gì, ngay cả những sinh hoạt hằng ngày trên chính bản thân mình;
- Sự phẫn nộ: Đột quỵ là một biến cố thay đổi cuộc sống rất nhiều. Điều này khó có thể chấp nhận ngay từ đầu. Một số bệnh nhân sẽ biểu hiện tức giận, hung dữ, căm phẫn với tất cả mọi thứ xung quanh và ngay cả chính bản thân mình. Họ không tuân thủ điều trị, không thiết đến cả việc ăn uống, vệ sinh;
- Hành vi bốc đồng: Tổn thương tại não bộ khu vực điều khiển hành vi cũng như những bất ổn về mặt tâm lý, ám ảnh, hoang tưởng có thể khiến cho người bệnh hành động thiếu kiểm soát, gây nguy hại cho bản thân và người xung quanh.
5. Phục hồi sau đột quỵ như thế nào?
Giống như các tổn thương trên não sau đột quỵ cần điều trị để hồi phục, rối loạn cảm xúc cũng cần nhận sự quan tâm y tế đúng mức. Như một liệu pháp phục hồi sau đột quỵ, những rối loạn này có thể sẽ cải thiện rất tốt, đặc biệt nếu người bệnh được điều trị tích cực ngay từ đầu:
5.1. Phối hợp điều trị
Phục hồi sau đột quỵ không là đơn thuần phục hồi chức năng các cơ quan bị yếu liệt mà còn là điều trị dự phòng, điều trị nguyên nhân gây ra đột quỵ. Bên cạnh đó, nếu cảm xúc, tâm lý của người bệnh được quản lý tốt, hiệu quả kiểm soát đột quỵ tái phát trong tương tai cũng như hồi phục toàn vẹn hệ thống sẽ được nâng cao. Chính vì thế, công tác chăm sóc người bị đột quỵ cần có sự phối hợp nhiều mặt, giữa nhân viên y tế, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, người chăm sóc và cả các thành viên trong gia đình.
5.2. Sẵn sàng yêu cầu hỗ trợ
Người bệnh đột quỵ cũng như người chăm sóc bệnh nhân sau đột quỵ, đừng bao giờ nghĩ mình hoàn toàn cô đơn, không có ai chia sẻ và thấu cảm. Thay vào đó, khi gặp khó khăn, cần lời khuyên, sự hướng dẫn, hãy tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ.
Những người có thể hỗ trợ bạn là nhân viên y tế nói chung, những thân, người chăm sóc của các bệnh nhân khác và cả chính bệnh nhân khác. Khi bạn nói chuyện với những người này, họ sẽ truyền cho bạn kinh nghiệm, cách thức họ đã vượt qua như thế nào. Từ đó, bạn sẽ sớm giải tỏa được tâm lý cho chính mình và sáng suốt tìm được lời giải đáp.
Đối với chính bản thân người bệnh đột quỵ, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, nếu họ xây dựng được nhiều kết nối xã hội có thể giúp đỡ cho mình, sự trầm cảm và lo lắng sẽ giảm đi một cách đáng kể.
5.3. Điều trị thuốc
Trong một số trường hợp rối loạn cảm xúc cấp tính, khởi phát sớm hay biểu hiện tương đối nặng, việc sử dụng thuốc là cần thiết. Bác sĩ sẽ cân nhắc kê toa thuốc chống trầm cảm, giảm lo âu để điều chỉnh các rối loạn cảm xúc nêu trên.
Song song đó, việc điều trị cần giải thích rõ với bệnh nhân và người chăm sóc để có sự tuân thủ cao độ, tránh xảy ra lạm dụng thuốc, đề phòng xảy ra các tác dụng phụ.
5.4. Tâm lý trị liệu
Những rối loạn cảm xúc, suy nghĩ, lo lắng chất chứa trong lòng có thể được giải quyết đơn giản bằng cách nói chuyện với các nhà trị liệu, nhà tâm lý học. Họ sẽ giúp bạn tìm hiểu chính bản thân mình và tìm ra hướng giải thoát.
5.5. Cố gắng duy trì sinh hoạt thông thường
Nếu mức độ di chứng sau đột quỵ không quá nặng nề, hãy tiếp tục duy trì cuộc sống như trước khi xảy ra biến cố ở giới hạn tối đa cho phép. Nếu người bệnh còn làm việc được, thực hiện các hoạt động mà họ yêu thích, các thú tiêu khiển, hãy khuyến khích họ tiếp tục những điều này, nhằm giúp họ tái hoạt nhập lại cuộc sống như trước kia.
Trong đó, tập thể dục cũng là một cách tuyệt vời để tăng cường tâm trạng, vừa giải phóng năng lượng dư thừa, vừa tăng cường sức khỏe tim mạch, sự dẻo dai cho cơ bắp. Tập luyện với một quả bóng cao su, một cây gậy, nẹp hoặc xe tập đi đều là những bước khởi đầu lý tưởng.
5.6. Luôn giữ tinh thần lạc quan
Hãy chấp nhận đột quỵ là một biến cố sức khỏe chứ không phải là một dấu chấm hết của cuộc đời.
Thay vì bi quan, chán nản, bạn hãy tự tập luyện suy nghĩ tích cực, lạc quan, yêu đời để cảm nhận mọi thứ nhẹ nhàng hơn. Khi bạn cảm thấy muốn khóc hoặc bật ra tiếng cười không thích hợp, hãy thử tập trung nghĩ về điều gì khác. Khi bạn cảm thấy lo âu, sợ hãi, tim đập nhanh, hãy bình tĩnh, hít thở sâu và chậm lại.
Bên cạnh đó, bạn hãy mạnh dạn, chủ động yêu cầu sự trợ giúp từ những người xung quanh. Chính nhờ như vậy, bạn sẽ thấy được cảm thông, sẻ chia và gánh nặng bệnh tật sẽ mau thuyên giảm hơn.
Tóm lại, thay đổi cảm xúc sau đột quỵ rất thường gặp và cũng được xem như những khiếm khuyết trên cơ thể. Công tác chăm sóc và phục hồi sau đột quỵ cũng cần chú trọng vấn đề này, giúp cho họ có khả năng phục hồi toàn diện, tái hòa nhập cùng cộng đồng.
Đột quỵ là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm và có thể để lại những di chứng lâu dài cả về thể chất lẫn tinh thần nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, việc tầm soát sớm đột quỵ là vô cùng cần thiết.
Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang sở hữu Hệ thống chụp MRI 3.0 Tesla được trang bị tối tân bởi hãng GE Healthcare (Mỹ) với chất lượng hình ảnh cao, cho phép đánh giá toàn diện, không bỏ sót tổn thương mà lại giảm được thời gian chụp. Công nghệ Silent giúp hạn chế gây ra tiếng ồn, tạo sự thoải mái và giảm căng thẳng cho khách hàng trong quá trình chụp, giúp cho việc thu hình đạt chất lượng tốt hơn và rút ngắn thời gian chụp.Với hệ thống MRI tối tân và áp dụng các phương pháp can thiệp mạch não hiện đại, đội ngũ chuyên gia chẩn đoán hình ảnh và thần kinh giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, Vinmec là địa chỉ khám, tầm soát nguy cơ đột quỵ uy tín được khách hàng tin cậy.
Trong thời gian qua; Vinmec đã cấp cứu, điều trị kịp thời thành công nhiều trường hợp đột quỵ, không để lại di chứng: Cứu sống người bệnh bị 2 lần đột quỵ não liên tiếp; Ứng cứu nữ du khách nước ngoài thoát khỏi “cửa tử” đột quỵ;...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: strokefoundation.org; stroke.org.uk