Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Võng mạc dịch kính là hai trong số các phần quan trọng của mắt người. Võng mạc và dịch kính có các đặc điểm khác nhau để đảm bảo các chức năng riêng biệt. Tổn thương võng mạc và dịch kính như bong võng mạc là các bất thường khá phổ biến, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
1. Võng mạc và một số tổn thương võng mạc
Võng mạc là cấu trúc mỏng, trong suốt, nhạy cảm với ánh sáng, nằm ở phía sau của mắt. Giác mạc và thủy tinh thể hội tụ ánh sáng vào võng mạc. Tại võng mạc, ánh sáng được chuyển đổi thành các tín hiệu thần kinh và gửi những tín hiệu này đến não để nhận dạng thị giác. Về cơ bản, võng mạc xử lý một hình ảnh từ chùm ánh sáng hội tụ và não là cơ quan quyết định hình ảnh đó là gì.
Khu vực trung tâm của võng mạc, được gọi là điểm vàng, chứa mật độ cao các tế bào cảm thụ ánh sáng nhạy cảm với màu sắc (cảm nhận ánh sáng). Những tế bào này, được gọi là tế bào hình nón, tạo ra hình ảnh thị giác sắc nét nhất và chịu trách nhiệm cho tầm nhìn trung tâm và màu sắc. Khu vực ngoại vi của võng mạc, bao quanh điểm vàng, chứa các tế bào cảm thụ ánh sáng được gọi là tế bào hình que, đáp ứng với cường độ ánh sáng thấp hơn nhưng không nhạy cảm với màu sắc. Chúng chịu trách nhiệm cho tầm nhìn ngoại vi và tầm nhìn vào ban đêm.
Võng mạc nằm gần dây thần kinh thị giác. Võng mạc xử lý thông tin được thu thập bởi các tế bào cảm thụ ánh sáng và gửi thông tin này đến não bộ qua dây thần kinh thị giác. Dây thần kinh thị giác và võng mạc được cung cấp máu một cách dồi dào bởi một hệ mạch máu phong phú. Một phần của nguồn cung cấp mạch máu này đến từ màng mạch, là lớp mạch máu nằm giữa võng mạc và lớp trắng bên ngoài của mắt được gọi là màng cứng. Động mạch võng mạc trung tâm (nguồn máu chính khác của võng mạc) đến võng mạc gần dây thần kinh thị giác và sau đó phân nhánh ra bên trong võng mạc. Máu chảy từ võng mạc vào các nhánh của tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Tĩnh mạch võng mạc trung tâm thoát ra khỏi mắt trong dây thần kinh thị giác.
Khi kiểm tra võng mạc của một người, bác sĩ sẽ nhỏ thuốc vào mắt để làm giãn đồng tử. Điều này cho phép quan sát thấy võng mạc một cách chi tiết hơn nhiều bằng phương pháp soi đáy mắt (chiếu ánh sáng qua ống kính lúp vào phía sau của mắt).
Do vai trò quan trọng của võng mạc đối với thị lực, tổn thương võng mạc có thể gây mù vĩnh viễn. Các tình trạng như bong võng mạc, trong đó võng mạc bị tách ra một cách bất thường khỏi vị trí bình thường của nó, có thể ngăn cản võng mạc tiếp nhận hoặc xử lý ánh sáng. Điều này ngăn cản não bộ tiếp nhận thông tin, do đó dẫn đến mù lòa. Các dạng rối loạn võng mạc thường được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ nhãn khoa. Bác sĩ nhãn khoa là một bác sĩ y khoa chuyên đánh giá và điều trị tất cả các loại rối loạn về mắt.
2. Dịch kính là gì?
Dịch kính hay còn gọi là pha lê thể, là bộ phận của mắt người lấp đầy khoảng trống ở trung tâm của mắt. Nó là cấu trúc lớn nhất bên trong mắt, tuy nhiên kiến thức của chúng ta về thành phần phân tử, tổ chức siêu phân tử và sinh lý học của dịch kính có lẽ vẫn còn nhiều hạn chế so với bất kỳ bộ phận nào khác của mắt.
Khi chúng ta còn trẻ, dịch kính chủ yếu là một chất gel lỏng. Khi chúng ta già đi và mắt cận thị, chất gel này sẽ dần trở nên lỏng hơn. Nghiên cứu gần đây đã gợi ý nhiều điểm tương đồng giữa dịch kính với các khớp trong cơ thể chúng ta (dịch kính tương tự như dịch khớp), hứa hẹn cơ hội để nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về loại gel độc đáo này bằng cách tìm hiểu thêm về các khớp trong cơ thể.
Mặt sau của dịch kính tiếp giáp với võng mạc và được gắn vào võng mạc ở những điểm cụ thể. Võng mạc là mô tiếp nhận ánh sáng nằm bên trong mắt. Dịch kính và võng mạc dính chặt nhất ở “cơ sở thủy tinh thể”. Nó nằm ở phần phía trước nhất của võng mạc, tức là khu vực ngay sau mống mắt. Trong hầu hết các trường hợp, võng mạc và dịch kính không tách rời nhau ngay cả sau khi bong dịch kính sau (PVD). Tại đây, đôi khi có thể xảy ra rách võng mạc, dẫn đến bong võng mạc và mù lòa.
Chức năng chính của dịch kính là giữ cho vùng trung tâm của mắt luôn trong suốt để ánh sáng có thể đến võng mạc và bắt đầu có thị lực. Gel và chất lỏng của nó cho phép oxy và chất dinh dưỡng chảy từ phía trước của mắt đến phía sau của mắt. Ở tuổi thanh niên, dịch kính là bộ phận giảm xóc trong quá trình cử động mắt, cử động đầu và các hoạt động gắng sức của cơ thể. Nó cũng giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ các bộ phận khác nhau của mắt. Ngày nay, dịch kính còn được xem như một bể chứa thuốc mà chúng ta tiêm vào mắt để điều trị các bệnh khác nhau liên quan đến điểm vàng và võng mạc. Ví dụ, bác sĩ nhãn khoa thường tiêm anti-VEGF và các loại steroid khác nhau để điều trị thoái hóa điểm vàng hoặc bệnh võng mạc đái tháo đường ở một số người bệnh.
Trong giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường, máu có thể xuất huyết vào dịch kính gây mất thị lực do ánh sáng bị cản trở về mặt vật lý và gây kích thích võng mạc. Một biến chứng phổ biến hơn của bệnh võng mạc đái tháo đường, được gọi là phù hoàng điểm, cũng liên quan đến dịch kính. Ở một bệnh nhân bị bệnh võng mạc đái tháo đường, các mạch võng mạc bình thường có xu hướng bị rò rỉ theo thời gian. Sự rò rỉ này có thể tích tụ trong hoàng điểm gây mất thị lực từ nhẹ đến nặng.
Các lỗ hoàng điểm và vết lõm là do dịch kính gây ra và những tình trạng này có thể được chữa khỏi bằng cách phẫu thuật cắt bỏ dịch kính. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng dịch kính đóng một vai trò trong thoái hóa điểm vàng ướt ở bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD). Nổi bong bóng hay còn gọi là đục dịch kính, thường xảy ra do sự thoái hóa của dịch kính và thường xảy ra sau khi bong dịch kính sau (PVD).
Chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn tiếp nhận và xử lý những trường hợp bệnh nhân đang gặp các vấn đề về mắt. Với hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm sẽ trực tiếp thăm khám và tư vấn cho về hướng điều trị tốt với tình trạng hiện tại. Mọi quy trình được thực hiện một cách bài bản, chuyên sâu, vì thế khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm về dịch vụ y tế tại Vinmec.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.