Bài viết được viết bởi các bác sĩ khoa Nội Ung Bướu, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Những thông tin các nhà nghiên cứu tìm thấy là một tín hiệu tốt cho thấy bổ sung vitamin D liều cao có hiệu quả, an toàn, không tốn kém và có thể tiếp cận được trên toàn cầu. Mặc dù nghiên cứu cũng có những hạn chế nhưng kết quả rất đáng khích lệ.
1. Bổ sung vitamin D liều cao – giải pháp cho người mắc ung thư đại trực tràng
Theo kết quả của một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA, việc thêm vitamin D liều cao vào hóa trị liệu tiêu chuẩn có thể cải thiện thời gian sống thêm (PFS) trên bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn di căn. Nhận định này được rút ra qua thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên pha 3 có tên SUNSHINE.
Từ tháng 3 năm 2012 đến tháng 11 năm 2016, tổng cộng có 139 bệnh nhân được thu nhận vào nghiên cứu. Tuổi trung bình 56 ; trong đó có 60 bệnh nhân nữ [43%]. Tất cả các bệnh nhân được hóa trị liệu phác đồ mFOLFOX6 kết hợp với bevacizumab, chu kỳ 2 tuần ( đây là phác đồ chuẩn cho những bệnh nhân ở giai đoạn này ). Số bệnh nhân này được chia ngẫu nhiên làm 2 nhóm, một nhóm được sử dụng thêm vitamin D liều cao ( 8.000 IU / ngày cho chu kỳ 1, sau đó duy trì 4.000 IU / ngày cho các chu kỳ tiếp theo., nhóm còn lại dùng vitamin D liều tiêu chuẩn ( 400IU / ngày trong tất cả các chu kỳ ).
Với thời gian theo dõi trung bình là 22,9 tháng, các nhà nghiên cứu nhận thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa 2 nhóm về tỷ lệ đáp ứng chung (ORR) (58% so với 63%) và tỷ lệ sống thêm toàn bộ trung bình ( 24,3 tháng so với 24,3 tháng)
Các tác dụng phụ phổ biến nhất từ độ 3 trở lên là giảm bạch cầu trung tính ( gặp 35%ở nhóm dùng liều cao so với 31% ở nhóm dùng liều chuẩn) và tăng huyết áp (13% cho nhóm liều cao so với 16% cho nhóm liều tiêu chuẩn). Trong khi đó tác dụng phụ tiêu chảy lại ít gặp hơn ở nhánh liều cao (1%) so với nhánh liều chuẩn (12%).
Các nhà nghiên cứu cho thấy thời gian sống thêm trung vị ( PFS) là 13 tháng ở nhóm hóa trị kết hợp vitamin D liều cao so với 11 tháng đối với nhóm còn lại. Tuy nhiên sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Nhưng khi phân tích đa biến các nhà nghiên cứu lại nhận thấy rằng chỉ số rủi ro HR là 0,64 đối với thời gian sống thêm trung vị (PFS) và tỷ lệ tử vong lại có ý nghĩa thống kê.
2. Ý nghĩa kết quả nghiên cứu
Theo bác sĩ Kimmie Ng, trưởng nhóm điều tra nghiên cứu, giám đốc nghiên cứu lâm sàng tại Viện Ung thư Dana-Farber, Trung tâm Ung thư đường tiêu hóa thì kết quả này không đáng ngạc nhiên, vì chúng phù hợp với dữ liệu tiền lâm sàng và dịch tễ học cho thấy có sự liên kết giữa nồng độ vitamin D trong máu cao sẽ cho kết quả điều trị cải thiện hơn ở bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng di căn.
Theo bác sĩ Daniel Monti , chủ tịch Khoa Y học Tích hợp và Khoa học dinh dưỡng tại Đại học Thomas Jefferson ở Philadelphia, cho biết mối quan hệ giữa vitamin D và ung thư đã được quan tâm trong vài năm, chủ yếu là dựa vào các nghiên cứu quan sát ban đầu cho thấy mức vitamin D trong máu thấp hay gặp trong quần thể ung thư.
Các nghiên cứu hiện tại vẫn đang được tiếp tục và cố gắng tìm thêm những bằng chứng về việc bổ sung liều thấp hay liều cao sẽ có ảnh hưởng khác biệt đến kết quả điều trị bệnh ung thư đại trực tràng di căn như thế nào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Cancer Network tháng 5/2019