Vitamin C và bệnh lao

Việc kết hợp vitamin C và thuốc điều trị bệnh lao có thể rút ngắn thời gian điều trị. Kết quả được rút ra từ thử nghiệm trên chuột và mô nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã mở ra một hướng mới để giải quyết vấn đề khó khăn đối với điều trị bệnh lao đa kháng thuốc.

1. Khó khăn trong điều trị bệnh lao đa kháng thuốc

Bệnh lao do trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là một trong những bệnh lý nguy hiểm mang tính toàn cầu. Hầu hết các phác đồ điều trị bệnh lao thường kéo dài và phức tạp. Việc quản lý điều trị lao không tốt có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc ở bệnh nhân, vì vậy việc rút ngắn thời gian điều trị giúp cải thiện đáng kể hiệu quả và ngăn ngừa nguy cơ kháng thuốc.

Thời gian điều trị bệnh lao nhạy cảm với thuốc thường kéo dài trong 6 tháng và đòi hỏi phải sử dụng 4 loại thuốc mới có khả năng khỏi bệnh. Trường hợp lao đa kháng thuốc có thể xuất hiện ở những bệnh nhân ban đầu đáp ứng tốt với thuốc điều trị bệnh lao nhưng việc điều trị không được kiểm soát tốt. Tình trạng đa kháng thuốc của trực khuẩn lao thường gặp đối với hai loại thuốc điều trị bệnh lao hiện nay là isoniazid và rifampin. Các loại thuốc mới nhằm chống lại bệnh lao kháng thuốc đã được nghiên cứu và đang trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, tuy nhiên quá trình này mất rất nhiều thời gian và khả năng rút ngắn thời gian điều trị chưa được chứng minh.

Một thách thức khác trong điều trị bệnh lao là xác định các loại thuốc có khả năng loại bỏ được những vi khuẩn tồn tại dai dẳng, không thể bị tiêu diệt bởi thuốc hoặc các tác nhân miễn dịch. Điều này dẫn đến việc hình thành một ổ nhiễm M. tuberculosis tiềm ẩn và các đột biến kháng thuốc.


Các phác đồ điều trị bệnh lao thường kéo dài và phức tạp, có nguy cơ kháng thuốc cao
Các phác đồ điều trị bệnh lao thường kéo dài và phức tạp, có nguy cơ kháng thuốc cao

2. Tác dụng của vitamin C đối với trực khuẩn lao

Nồng độ cao của vitamin C có khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao M. tuberculosis nhạy cảm với thuốc và kháng thuốc.

Một nghiên cứu thực hiện trên những con chuột nhiễm vi khuẩn lao M. tuberculosis được điều trị với các thuốc chống lao, hoặc chỉ dùng vitamin C đơn lẻ, hoặc kết hợp đồng thời thuốc chống lao và vitamin C. Mật độ M. tuberculosis được đánh giá vào các thời điểm 4 và 6 tuần sau khi điều trị.

Kết quả cho thấy nếu chỉ dùng vitamin C thì không có tác dụng gì đối với trực khuẩn lao. Tuy nhiên, việc kết hợp vitamin C và các thuốc trị lao (isoniazid và rifampicin) đã làm giảm mật độ vi khuẩn lao nhanh hơn so với khi dùng 2 loại thuốc nói trên mà không có vitamin C. Ngoài ra, kết quả tương tự cũng xảy ra trên mô nuôi cấy bệnh học. Cụ thể, phương pháp điều trị kết hợp với vitamin C nói trên đã rút ngắn thời gian điều trị đi 7 ngày.

Do đó, một giả thuyết được đưa ra là, việc bổ sung vitamin C vào phác đồ trị liệu lao có thể rút ngắn thời gian điều trị, giúp giảm tỷ lệ kháng thuốc và tái phát bệnh. Nếu giả thuyết này được chứng minh là đúng, vitamin C có khả năng cải thiện quá trình điều trị bệnh lao.

Kết quả nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng vì quá trình điều trị bệnh lao bằng thuốc có thể kéo dài đến 6 tháng. Hơn nữa, nếu không kiểm soát tốt, mầm bệnh có khả năng phát triển tiềm ẩn, lan rộng, kháng lại các thuốc điều trị bệnh lao và rất khó chữa.


Nồng độ cao của vitamin C có khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao nhạy cảm với thuốc và kháng thuốc.
Nồng độ cao của vitamin C có khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao nhạy cảm với thuốc và kháng thuốc.

3. Bổ sung vitamin C đúng cách

Vitamin C (acid ascorbic) là một loại vitamin phổ biến và an toàn cho người sử dụng. Do vậy, rất tiềm năng để phát triển ra một hướng mới trong việc bào chế thuốc điều trị bệnh lao một cách hiệu quả, nhanh chóng và tiết kiệm.

Vai trò của vitamin C rất quan trọng trong cơ thể, chúng giúp bảo vệ tế bào và giữ cho chúng khỏe mạnh.

Vitamin C có hàm lượng cao trong các loại rau quả tươi và nước trái cây, bao gồm nước cam, chanh, quít, các loại rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, tiêu, khoai tây, rau cải, cà chua,... Vitamin C có thể được bổ sung bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt.

Tóm lại, ngoài những lợi ích cho làn da, thanh mát cơ thể, vitamin C còn được nghiên cứu là có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh lao và mở ra một hướng mới để giải quyết vấn đề khó khăn đối với điều trị bệnh lao đa kháng thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: pubmed.ncbi.nlm.nih.gov

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe