Parvovirus là một căn bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em và người trưởng thành. Mặc dù bệnh không đe dọa tới tính mạng nhưng nó có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng tới sức khỏe tổng thể của người mắc phải.
1. Tổng quan về Parvovirus
Nhiễm Parvovirus là một căn bệnh phổ biến ở trẻ em và nó có tính lây lan cao - đôi khi còn được gọi là “bệnh tát má” bởi những triệu chứng phát ban đặc biệt do bệnh gây ra. Nhiễm Parvovirus còn có tên gọi khác là “bệnh thứ năm”- một trong năm bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, với đặc điểm là xuất hiện các nốt mẩn đỏ sáng trên mặt. Bệnh thứ năm được gây ra bởi siêu vi trùng mang tên Parvovirus B19.
Parvovirus B19 là một căn bệnh chỉ lây nhiễm cho con người. Người bệnh có thể có một loạt các triệu chứng tùy thuộc vào độ tuổi và sức khỏe tổng thể. Khoảng hai trong số 10 người bị nhiễm virus này có thể không xuất hiện các triệu chứng cụ thể của bệnh. Những người khác có thể chỉ bị bệnh nhẹ hoặc phát ban.
Ở hầu hết trẻ em, nhiễm Parvovirus là nhẹ và ít cần đến điều trị. Tuy nhiên, ở một số người trưởng thành, bệnh có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Nhiễm Parvovirus ở phụ nữ mang thai có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho thai nhi. Ngoài ra, nó cũng nguy hiểm hơn đối với những người bị thiếu máu hoặc có hệ thống miễn dịch yếu.
2. Các triệu chứng của Parvovirus B19
Parvovirus B19 thường xuất hiện nhiều nhất vào cuối đông đầu xuân. Các triệu chứng của nhiễm Parvovirus phụ thuộc vào từng lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Cụ thể là:
Triệu chứng Parvovirus ở trẻ em:
Các dấu hiệu và triệu chứng sớm của nhiễm Parvovirus ở trẻ em có thể bao gồm:
- Sốt
- Đau dạ dày
- Đau đầu
- Sổ mũi
Triệu chứng muộn của nhiễm Parvovirus ở trẻ em là nổi mẩn trên khuôn mặt. Vài ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng ban đầu, các nốt phát ban đỏ có thể xuất hiện ở cả hai bên má. Sau đó, nó có thể lan đến cánh tay, thân, đùi và mông. Các nốt phát ban thường có màu hồng, hơi nổi lên. Ngoài ra, nó có thể gây ngứa, đặc biệt là ở lòng bàn chân.
Nói chung, triệu chứng phát ban thường xảy ra ở gần giai đoạn cuối của bệnh. Chúng ta rất dễ bị nhầm lẫn phát ban do Parvovirus với các tình trạng phát ban do các loại virus khác hoặc phát ban liên quan đến thuốc. Phát ban có thể đến và đi trong tối đa ba tuần, chúng sẽ trở nên rõ rệt hơn nếu đứa trẻ tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt hoặc ở quá lâu dưới ánh mặt trời.
Triệu chứng Parvovirus ở người lớn:
Người lớn thường không bị nổi mẩn đỏ ở má. Thay vào đó, triệu chứng nổi bật nhất của nhiễm Parvovirus ở người lớn là đau khớp, có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần. Khớp thường bị ảnh hưởng nhất là bàn tay, cổ tay, đầu gối và mắt cá chân.
Nhìn chung, bạn không nên quá lo lắng khi bản thân hoặc trẻ nhỏ bị nhiễm Parvovirus. Tuy nhiên, bạn có thể cần phải đi khám nếu đang trong các tình trạng sau đây:
- Thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Hệ thống miễn dịch bị suy giảm
- Đang trong thời gian thai kỳ
3. Parvovirus B19 lây truyền như thế nào?
Parvovirus B19 lây lan qua dịch tiết đường hô hấp, chẳng hạn như nước bọt, đờm hoặc chất nhầy mũi, khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi. Parvovirus B19 cũng có thể lây lan qua máu hoặc các sản phẩm máu. Phụ nữ mang thai bị nhiễm Parvovirus B19 có thể truyền virus cho em bé. Chính vì vậy, nếu bạn đang trong thời gian thai kỳ và có thể đã tiếp xúc với Parvovirus B19, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ sản khoa để được hướng dẫn và điều trị càng sớm càng tốt.
Bởi vì Parvovirus B19 chỉ lây nhiễm cho người, nên một người không thể bị nhiễm virus Parvo từ chó hoặc mèo. Ngoài ra, chó và mèo cũng không thể bị nhiễm Parvovirus B19 từ người bị nhiễm bệnh. Chó và mèo cưng có thể bị nhiễm các Parvovirus khác không có khả năng lây nhiễm cho người. Do vậy, thú cưng cần được tiêm phòng đầy đủ để bảo vệ chúng khỏi bị nhiễm Parvovirus.
Parvovirus B19 thường gây truyền nhiễm trong khoảng thời gian trước khi phát ban xuất hiện. Khi bị phát ban, tức là người mắc bệnh không còn được coi là truyền nhiễm và không cần phải cách ly.
4. Các biến chứng của Parvovirus
Parvovirus gây ra tình trạng thiếu máu
Nhiễm Parvovirus có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho những người bị thiếu máu, đặc biệt là đối với những người bị thiếu máu hồng cầu hình liềm. Tình trạng phổ biến nhất khi nhiễm Parvovirus là ngừng sản xuất hồng cầu và gây ra khủng hoảng thiếu máu,
Parvovirus cũng có thể gây thiếu máu và các biến chứng liên quan ở:
- Thai nhi của phụ nữ bị nhiễm Parvovirus khi mang thai
- Những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch
Parvovirus ảnh hưởng đến thai kỳ
Nhiễm Parvovirus khi mang thai có thể làm ảnh hưởng xấu đến các tế bào hồng cầu ở thai nhi. Mặc dù biến chứng này không phổ biến, nhưng nó có thể gây ra thiếu máu nghiêm trọng, dẫn đến sẩy thai hoặc thai chết lưu. Những nguy cơ này thường xuất hiện trong nửa đầu của thai kỳ.
5. Chẩn đoán Parvovirus
Để chẩn đoán liệu bạn có bị nhiễm Parvovirus B19 hay không, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm máu. Xét nghiệm này cũng đặc biệt hữu ích đối với những phụ nữ đang mang thai đã tiếp xúc với Parvovirus B19 và nghi ngờ mắc bệnh thứ năm.
6. Phòng ngừa Parvovirus
Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin hoặc thuốc giúp ngăn ngừa nhiễm Parvovirus B19. Tuy nhiên, bạn có thể giảm khả năng bị nhiễm Parvovirus hoặc lây nhiễm cho người khác bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch
- Che miệng và mũi khi bạn ho hoặc hắt hơi
- Không chạm tay vào mắt, mũi hoặc miệng
- Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh
- Ở nhà khi bạn bị bệnh
- Tránh ăn chung thức ăn hoặc đồ uống.
Nguồn: CDC; Mayoclinic.org
XEM THÊM:
- 2019-nCoV có giống với virus gây bệnh MERS và SARS không?
- Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới của Bộ Y tế
- Để phòng 2019-nCoV có phải đeo khẩu trang liên tục không? Cách đeo khẩu trang đúng là gì?