Từ 4 – 6/11/2019, Vinmec phối hợp với Trung tâm điều phối Hiệp hội dịch tễ học ung thư gan quốc tế (ILCEC) và Hiệp hội nghiên cứu đoàn hệ châu Á (ACC) tổ chức Hội thảo thường niên của ACC và ILCEC. Hội thảo tập trung 3 chủ điểm chính: (1) Nghiên cứu đoàn hệ ung thư, (2) Tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người và (3) Ứng dụng ngân hàng dữ liệu sinh học trong nghiên cứu.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia nghiên cứu ung thư và dịch tễ học từ Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute – NCI), Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc gia Nhật Bản (Japan National Cancer Center), Đại học Milan – Italia, Trung tâm dữ liệu ngân hàng sinh học Áo, Ngân hàng sinh học Iran và nhiều đối tác nghiên cứu khoa học của Vinmec trong nước: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K (Hà Nội), Đại học Quốc Gia Hà Nội và Đại học Y tế công cộng.
Hội thảo đã cập nhật tiến độ nghiên cứu tại các quốc gia thành viên và thảo luận các hướng nghiên cứu ung thư mới, đặc biệt ở các nước châu Á đang phát triển. Hơn 30 bài báo cáo và poster về các nghiên cứu quy mô quốc gia tại Việt Nam, Hàn Quốc, Iran, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan đã được trình bày. Xây dựng được hệ thống hoàn thiện cho việc thu tuyển bệnh nhân – xét nghiệm mẫu – cơ sở dữ liệu (data repository và biobank), 2 báo cáo về nghiên cứu quy mô quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm nhất:
- Nghiên cứu đoàn hệ tại Iran do TS. Arash Etemadi thuộc Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Hoa Kỳ trình bày. Nghiên cứu có hơn 170.000 tham gia, với thiết kế nghiên cứu toàn diện trên các hệ dân số khác nhau gồm trẻ sơ sinh, trẻ vị thành niên, người trưởng thành và người già. Đây là mô hình nghiên cứu cộng đồng toàn diện mà Vinmec đang hướng tới.
- Nghiên cứu đoàn hệ tại Đài Loan với do GS Yi-Ling Lin (Viện nghiên cứu quốc gia Academia Sinica, Đài Loan) trình bày. Nghiên cứu có gần 125.000 người tham gia, với cơ sở dữ liệu Taiwan Biobank mở cho các đề xuất hợp tác nước ngoài.
Tại Hội thảo, Vinmec đã có báo cáo cập nhật các hoạt động tích cực của Hiệp hội dịch tễ học ung thư gan quốc tế ILCEC (ThS. Nguyễn Thị Yến Chi trình bày), Hệ thống ngân hàng dữ liệu sinh học Biobank (TS Ngô Anh Tiến – GĐ Biobank Vinmec trình bày). TS Trần Dụ Chi – Giám đốc Chương trình nghiên cứu Polyp và Ung thư đại trực tràng Việt Nam (VINCARP) cũng chia sẻ thông tin về nghiên cứu của chương trình.
Các thảo luận tại Hội thảo ILCEC đã đề xuất nghiên cứu khoa học mới liên quan giữa bệnh tiểu đường và ung thư gan, định hướng mở rộng hợp tác nghiên cứu với các trường đại học tại Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và Nhật Bản để toàn diện dữ liệu ung thư gan châu Á. Đây là một bước đi quan trọng - là tiền đề xây dựng cơ sở dữ liệu ung thư gan quốc tế tại Vinmec - và tạo cơ hội cho các nghiên cứu viên trẻ Vinmec tiếp cận và sử dụng bộ số liệu và làm việc với các chuyên gia quốc tế về ung thư.
Với định hướng phát triển trở thành hệ thống y tế hàn lâm vươn tầm quốc tế, đội ngũ nghiên cứu viên của Vinmec đã và đang tham gia nghiên cứu khoa học cùng các Hiệp hội nghiên cứu lớn trên thế giới như Hiệp hội nghiên cứu đoàn hệ châu Á (ACC - Asia Cohort Consortium), Hiệp hội nghiên cứu về ung thư dạ dày (StoP - Stomach Cancer Pooling Project) và Hiệp hội Dịch tễ học ung thư đầu và cổ (INHANCE Consortium - International Head and Neck Cancer Epidemiology Consortium).
Để tiếp cận và hội nhập tích cực vào lĩnh vực nghiên cứu ung thư trên thế giới, tháng 01/2019, Hệ thống Y tế Vinmec đã thành lập Hiệp hội nghiên cứu Dịch tễ học ung thư gan quốc tế (ILCEC – International Liver Cancer Epidemiology Consortium). Cho đến nay, ILCEC đã có gần 20 thành viên là các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới như: GS Paolo Boffetta – Top 100 nhà khoa học thế giới, Cố vấn cao cấp về nghiên cứu khoa học Vinmec, GS Hashem B.El-Serag (Trường Đại học Y Baylor, Mỹ); TS Katherine A. McGlynn (Trưởng đơn vị nghiên cứu dịch tễ học ung thư và di truyền tại Viện nghiên cứu Ung thư quốc gia – NCI Mỹ); TS Manami Inoue (Trưởng Đơn vị y học dự phòng, Trung tâm nghiên cứu ung thư quốc gia Nhật Bản); GS Carlo La Vecchia (Trưởng Khoa Y học lâm sàng và dịch tễ học, Đại học Milan, Italy); PGS.TS Lưu Nguyên Hưng (Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Hillman, Trung tâm Y khoa thuộc trường Đại học tổng hợp Pittsburgh (Mỹ) – Đồng Chủ nhiệm Chương trình VNCARP.
Trung tâm điều phối của Hiệp hội ung thư gan hiện do PGS.TS Lưu Nguyên Hưng và Th.S Nguyễn Thị Yến Chi (Th.S dịch tễ học, trường Đại học Basel, Thụy Sỹ) quản lý với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đóng góp dữ liệu ung thư gan của các đối tác Việt Nam cũng như trong cộng đồng nghiên cứu viên Vinmec. Hiệp hội sẽ giúp phát triển các nghiên cứu dịch tễ học toàn diện dựa trên cộng đồng để có thể đánh giá chính xác bức tranh về bệnh ung thư hiện nay, từ đó có chiến lược can thiệp hiệu quả.
Việc tích cực tham gia nhiều Hiệp hội nghiên cứu khoa học trên thế giới, chủ động xây dựng mạng lưới các nghiên cứu viên cũng như đẩy mạnh nhiều nghiên cứu chuyên sâu là những bước đi thúc đẩy Vinmec dần từng bước phát triển thực sự trở thành Hệ thống Y tế hàn lâm quốc tế.