Viêm thực quản độ M là gì?

Mục lục

Viêm thực quản độ M là gì là thắc mắc của nhiều người khi đi nội soi nhưng không thấy tổn thương rõ ràng. Đây là mức độ viêm nhẹ nhất, niêm mạc chỉ sưng đỏ và chưa xuất hiện vết trợt. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể tiến triển nặng hơn làm ảnh hưởng cuộc sống người bệnh.  

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Hoàng Yến - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bác sĩ cho em hỏi viêm thực quản độ M là gì và có nguy hiểm không? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Hoàng Yến - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Với câu hỏi “Viêm thực quản độ M là gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Viêm thực quản được phân thành nhiều mức độ khác nhau dựa trên tổn thương quan sát được qua nội soi. Trong đó, độ M là mức độ tổn thương tối thiểu và đôi khi có thể bị bỏ qua hoặc không được ghi nhận trong kết quả nội soi.

Phương pháp điều trị phụ thuộc nhiều vào các triệu chứng mà bệnh nhân có, trong đó thuốc kháng acid là thuốc chủ đạo. Thời gian điều trị sẽ thay đổi theo từng cá nhân. Bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn.

Ngoài ra, để giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, ngoài trả lời câu hỏi “viêm thực quản độ M là gì”, dưới đây là phần giải đáp các mức độ của bệnh cũng như những vấn đề liên quan đến bệnh viêm thực quản.

1. Viêm thực quản là gì?

Thực quản là đoạn đầu của hệ thống tiêu hóa, có chức năng vận chuyển thức ăn từ cổ họng xuống dạ dày. Viêm thực quản là tình trạng lớp niêm mạc lót trong thực quản bị tổn thương, dẫn đến viêm nhiễm và sưng nề. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như khó nuốt, nuốt đau, nóng rát ở vùng ngực và đau ngực.

Nếu tình trạng viêm niêm mạc thực quản không được phát hiện và điều trị kịp thời, tổn thương niêm mạc có thể tiến triển nghiêm trọng hơn. Điều này làm tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm như loét thực quản, hình thành sẹo gây hẹp thực quản, teo thực quản hoặc thậm chí là ung thư thực quản.

Viêm thực quản có thể được phân thành các dạng như sau:

  • Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan: Liên quan đến tình trạng dị ứng và miễn dịch.
  • Viêm thực quản do trào ngược acid dạ dày: Xảy ra khi acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây kích ứng.
  • Viêm thực quản do thuốc: Do tác dụng phụ của một số loại thuốc hoặc do cách sử dụng thuốc không đúng.
  • Viêm thực quản do nhiễm nấm hoặc nhiễm trùng: Phổ biến ở những người có hệ miễn dịch suy giảm.
Thông thường, viêm thực quản được điều trị bằng phương pháp nội khoa, sử dụng thuốc để giảm viêm, bảo vệ niêm mạc và kiểm soát triệu chứng.
Thông thường, viêm thực quản được điều trị bằng phương pháp nội khoa, sử dụng thuốc để giảm viêm, bảo vệ niêm mạc và kiểm soát triệu chứng.

Phác đồ điều trị viêm thực quản sẽ được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa xây dựng dựa trên các yếu tố như nguyên nhân gây bệnh, mức độ triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

2. Triệu chứng viêm thực quản

Triệu chứng điển hình nhất của viêm thực quản là cảm giác đau rát và nóng ở vùng ngực. Triệu chứng này xuất phát từ tổn thương và viêm nhiễm lớp niêm mạc thực quản. Cơn đau thường trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh nuốt thức ăn, gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến việc ăn uống. Điều này khiến người bệnh dễ rơi vào tình trạng chán ăn, ăn không ngon miệng, từ đó dẫn đến suy giảm sức khỏe tổng thể và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, viêm thực quản còn có thể biểu hiện qua các triệu chứng sau:

  • Khó nuốt.
  • Đau họng hoặc cảm giác vướng ở cổ họng.
  • Khàn giọng.
  • Ợ nóng, ợ chua do trào ngược axit từ dạ dày.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
  • Đau ở vùng thượng vị (trên rốn).

Viêm thực quản cần được phát hiện và điều trị sớm để ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng nặng như đau ngực kéo dài, khó khăn trong ăn uống hoặc thậm chí không thể nuốt nổi một ngụm nước nhỏ, cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Vậy viêm thực quản độ M là gì?

3. Viêm thực quản độ M là gì: 6 mức độ trào ngược dạ dày thực quản

Mức độ trào ngược dạ dày thực quản được phân loại dựa trên mức độ tổn thương của niêm mạc thực quản, trong đó viêm thực quản M là một trong các giai đoạn của trào ngược dạ dày thực quản. Dưới đây là các giai đoạn của bệnh, từ nhẹ đến nặng theo y học hiện đại đã chứng minh:

3.1. Trào ngược dạ dày thực quản độ A (giai đoạn nhẹ)

Đây là giai đoạn khởi phát của bệnh với các tổn thương trên niêm mạc thực quản còn rất nhỏ - dưới 5mm. Các triệu chứng trào ngược dạ dày thực độ A thường nhẹ, đôi khi khó phân biệt với hiện tượng trào ngược sinh lý thông thường. Ở giai đoạn này, việc điều trị chủ yếu dựa vào thay đổi lối sống kết hợp sử dụng thuốc bảo vệ niêm mạc thực quản và trung hòa acid dạ dày.

3.2. Trào ngược dạ dày thực quản độ B (giai đoạn vừa)

Ở mức độ này, niêm mạc thực quản đã xuất hiện các vết trợt hoặc viêm nhiễm kéo dài với tổn thương lớn hơn 5mm. Người bệnh thường cảm thấy đau khi nuốt. Điều trị yêu cầu sử dụng thuốc ức chế tiết acid theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và gây ra các biến chứng như viêm thực quản.

3.3. Trào ngược dạ dày thực quản độ C (giai đoạn nặng)

Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các triệu chứng gia tăng cả về tần suất lẫn mức độ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Đây cũng là giai đoạn xuất hiện bệnh Barrett thực quản - một dạng biến đổi tiền ung thư. Việc điều trị cần tập trung vào phục hồi cơ thắt thực quản dưới - bộ phận ngăn chặn trào ngược acid và thức ăn từ dạ dày. Phương pháp này giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh.

3.4. Trào ngược dạ dày thực quản độ D (giai đoạn nghiêm trọng nhất)

Đây là giai đoạn cuối, thường xảy ra sau nhiều năm bệnh không được điều trị. Tổn thương trên niêm mạc thực quản trở nên nghiêm trọng với các vết loét sâu và sẹo lan rộng. Khoảng 10% bệnh nhân trào ngược mạn tính có nguy cơ tiến triển thành thực quản Barrett, sau đó chuyển sang ung thư thực quản nếu không được can thiệp y tế kịp thời.

3.5. Trào ngược dạ dày thực quản độ M (Viêm thực quản độ M)

Đây là giai đoạn niêm mạc thực quản chỉ bắt đầu sưng đỏ mà chưa có tổn thương cụ thể. Người bệnh ở giai đoạn này cần chú ý chăm sóc sức khỏe đường tiêu hóa, tăng cường miễn dịch và sử dụng các sản phẩm hỗ trợ bảo vệ niêm mạc để ngăn chặn bệnh tiến triển thành viêm thực quản.

Viêm thực quản độ M là gì là thắc mắc chung của nhiều người.
Viêm thực quản độ M là gì là thắc mắc chung của nhiều người.

3.6. Trào ngược dạ dày thực quản độ N (không tổn thương)

Ở mức độ này, niêm mạc thực quản và dạ dày không xuất hiện tổn thương. Điều này cho thấy người bệnh không có dấu hiệu mắc trào ngược hoặc các vấn đề liên quan, do đó không cần điều trị. Tuy nhiên, cần duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ hệ tiêu hóa.

Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý cần được điều trị sớm và đúng cách để tránh những biến chứng nguy hiểm như loét thực quản, hẹp thực quản hoặc ung thư thực quản. Khi có triệu chứng, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nếu bạn còn thắc mắc về viêm thực quản độ M là gì cùng những vấn đề khác liên quan đến bệnh, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ