Viêm tai ngoài ở trẻ em: Nguyên nhân, cách điều trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Viêm tai ngoài là một căn bệnh phổ biến, đặc biệt là ở trẻ em và những người bơi lội. Căn bệnh này tuy không nguy hiểm như viêm tai giữa, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, nó có thể gây ảnh hưởng đến thính lực của trẻ sau này.

1. Viêm tai ngoài là gì?

Viêm tai ngoài là một bệnh nhiễm trùng niêm mạc của ống tai phía bên ngoài, nơi nối màng nhĩ với bên ngoài tai. Viêm tai ngoài phổ biến ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn hay bơi lội.

Chính vì căn bệnh này thường gặp ở các vận động viên bơi lội, nên có còn được gọi với cái tên khác đó là tai của vận động viên bơi lội.


Viêm tai ngoài thường gặp ở những vận động viên bơi lội
Viêm tai ngoài thường gặp ở những vận động viên bơi lội

2. Nguyên nhân gây viêm tai ngoài là gì?

Bệnh viêm tai ngoài thường là do tiếp xúc với hơi ẩm. Bơi lội hoặc do tắm quá thường xuyên có thể dẫn đến nhiễm trùng tai ngoài. Nước còn sót lại bên trong ống tai có thể trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn và nấm.

Nước ao hồ thường chứa nhiều vi khuẩn là thủ phạm chính gây viêm tai ngoài. Nước hồ bơi cũng vậy, vì clo trong nước bể bơi có thể tiêu diệt vi khuẩn có ích ở trong ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại xâm nhập. Thậm chí khi có quá nhiều nước từ bồn tắm hoặc vòi hoa sen vào trong ống tai ngoài cũng có thể gây viêm tai ngoài.

Tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra nếu lớp da mỏng tạo thành ống tai bị thương. Việc gãi mạnh, sử dụng tai nghe hoặc dùng tăm bông đưa vào tai có thể làm tổn thương vùng da mỏng manh này.

Khi lớp da này bị tổn thương và bị viêm, nó có thể tạo chỗ cho vi khuẩn phát triển. Ráy tai là lớp bảo vệ tự nhiên của tai chống lại nhiễm trùng, nhưng việc tiếp xúc thường xuyên với độ ẩm và gãi tai có thể làm hết ráy tai trong tai, khiến nguy cơ bị nhiễm trùng tăng cao hơn.


Viêm tai ngoài có thể xảy ra khi trẻ tiếp xúc thường xuyên với hơi ẩm
Viêm tai ngoài có thể xảy ra khi trẻ tiếp xúc thường xuyên với hơi ẩm

3. Vì sao trẻ em không đi bơi, không tắm thường xuyên vẫn bị viêm tai ngoài?

Ngoài nước là thủ phạm phổ biến nhất gây viêm tai ngoài, cũng có những nguyên nhân khác có thể gây ra căn bệnh này như chấn thương niêm mạc tai.

Trẻ em có thể đã chọc thứ gì đó vào tai như que, hạt hoặc một chút thức ăn, hoặc gãi vào bên trong tai. Điều này vô tình tạo tiền đề cho nhiễm trùng gây viêm tai ngoài.

Bạn đã bao giờ sử dụng tăm bông để loại bỏ ráy tai cho bé chưa? Đây là một việc làm phổ biến ở hầu hết mọi người. Nhưng nó không phải là một ý tưởng tốt bởi ráy tai bảo vệ tai bằng cách giữ bụi bẩn và vi khuẩn. Sau đó các lợi lông nhỏ của ống tai sẽ quét sạch lớp sáp màng vi khuẩn.

Khi bạn sử dụng tăm bông để lấy ráy tai cho bé, bạn có thể đã vô tình đẩy ráy tai vào sâu hơn trong ống tai. Khi đó, khu vực này sẽ trở thành nơi cư trú của vi khuẩn.

Ngoài ra, các tình trạng bệnh lý về da như bệnh chàm, bệnh vảy nến cũng có thể khiến cho trẻ dễ bị viêm tai ngoài hơn bình thường.


Lấy ráy tai không đúng cách có thể gây viêm tai ngoài
Lấy ráy tai không đúng cách có thể gây viêm tai ngoài

4. Các dấu hiệu nhận biết viêm tai ngoài ở trẻ em

Các triệu chứng viêm tai ngoài lúc đầu thường nhẹ, nhưng chúng có thể trở nên trầm trọng hơn nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị. Viêm tai ngoài được chia thành ba mức độ với các biểu hiện như sau:

4.1 Viêm tai ngoài ở mức độ nhẹ

  • Bệnh nhân cảm thấy ngứa trong tai.
  • Quan sát bên trong ống tai ngoài thấy đỏ nhẹ.
  • Cảm giác khó chịu ở trong tai có thể trở nên nặng hơn khi kéo tai ngoài.hoặc ấn vào vị trí sưng ở phía trước tai.
  • Có thể có dịch trong suốt, không mùi chảy ra ngoài lỗ tai.

4.2 Viêm tai ngoài mức độ vừa

  • Bệnh nhân cảm thấy ngứa dữ dội.
  • Càng ngày càng thấy đau trong tai nhiều hơn.
  • Chảy nhiều dịch ra ngoài ống tai.
  • Bệnh nhân có cảm giác tai bị tắc nghẽn một phần do sưng tấy, dịch.
  • Bệnh nhân nghe kém hoặc có cảm giác bóp nghẹt trong tai.

Trẻ bị đau tai nhiều là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của viêm tai ngoài
Trẻ bị đau tai nhiều là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của viêm tai ngoài

4.3 Viêm tai ngoài mức độ nặng

  • Đau tai dữ dội có thể lan ra mặt, cổ hoặc một bên đầu.
  • Hoàn toàn tắc nghẽn ống tai.
  • Đỏ hoặc sưng tai ngoài
  • Sưng hạch bạch huyết ở cổ.
  • Sốt.

Với những trẻ lớn, đã biết nói có thể mô tả cho chúng ta biết những triệu chứng bé đang gặp phải, giúp cho việc chẩn đoán trở nên dễ dàng hơn.

Còn với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa biết nói, trẻ sẽ không thể nói cho chúng ta biết những triệu chứng mà bé đang cảm thấy. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể nhận biết các triệu chứng viêm tai ngoài ở trẻ nhỏ như:

  • Trẻ phản ứng lại hoặc khóc thét khi bạn xoa hoặc kéo tai của trẻ.
  • Trẻ không phản ứng với một số âm thanh.
  • Trẻ có thể cáu kích hoặc bồn chồn.
  • Trẻ bỏ ăn, điều này có thể là do triệu chứng đau tai tăng lên khi trẻ nhai.
  • Trẻ bị mất thăng bằng.
  • Khi kiểm tra tai trẻ, bạn có thể thấy ống tai ngoài đỏ hoặc đóng vảy, có thể thấy chảy mủ vàng.

5. Một số biến chứng của viêm tai ngoài

Nếu nhiễm trùng tai ngoài không được điều trị có thể dẫn đến một số biến chứng, bao gồm:

  • Áp xe: Áp xe có thể phát triển xung quanh vùng bị ảnh hưởng trong tai. Áp xe tai có thể tự lành hoặc bác sĩ cần phải dẫn lưu.
  • Chít hẹp ống tai: Viêm tai ngoài lâu ngày có thể gây chít hẹp ống tai. Việc thu hẹp ống tai có thể ảnh hưởng đến thính giác và trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể gây điếc.
  • Thủng màng nhĩ: Thường là biến chứng của nhiễm trùng tai ngoài do các vật dụng nhét vào tai.
  • Viêm tai ngoài hoại tử: Trong một số ít trường hợp viêm tai ngoài có thể dẫn đến hoại tử. Đây là một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng khi nhiễm trùng lan đến sụn và xương bao quanh ống tai.

Thủng màng nhĩ là biến chứng nguy hiểm của viêm tai ngoài
Thủng màng nhĩ là biến chứng nguy hiểm của viêm tai ngoài

6. Điều trị viêm tai ngoài ở trẻ em như thế nào?

Sau khi kiểm tra, đánh giá mức độ viêm tai ngoài của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng trẻ. Một số điểm chung trong điều trị viêm tai ngoài ở trẻ em đó là:

  • Giữ cho tai của trẻ khô ráo.
  • Bác sĩ có thể kê cho bé thuốc nhỏ tai không kê đơn hoặc thuốc nhỏ theo đơn có chứa kết hợp các loại thuốc để giảm viêm và tiêu diệt vi khuẩn.
  • Trường hợp trẻ bị nhiễm trùng nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh hoặc thuốc steroid.
  • Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ xem có thể cho trẻ dùng Ibuprofen (đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên) hoặc Acetaminophen để giảm đau.

Không cho trẻ dùng Aspirin để hạ sốt giảm đau, vì nó có thể khiến trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Reye, một căn bệnh hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tới tính mạng của bé.

  • Chườm gạc ấm vào tai bé cũng có thể giúp giảm đau.

7. Viêm tai ngoài ở trẻ em kéo dài trong bao lâu?

Trẻ bị viêm tai ngoài có thể cảm thấy tốt hơn trong vài ngày và nhiễm trùng sẽ biến mất khoảng một tuần sau khi bạn bắt đầu điều trị cho bé.

Nếu tình trạng nhiễm trùng không đỡ sau bốn hoặc năm ngày điều trị, bạn cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng này.

Bạn cần đưa trẻ đi cấp cứu nếu như trẻ đột nhiên sưng mặt, đau dữ dội hoặc sốt. Bởi trong một số trường hợp cực kỳ hiếm, nhiễm trùng ở tai ngoài có thể lây lan đến tai trong, xương bên dưới và vào máu gây nguy hiểm cho trẻ.


Trẻ bị viêm tai ngoài kèm sốt, ba mẹ cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ
Trẻ bị viêm tai ngoài kèm sốt, ba mẹ cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ

8. Phòng tránh viêm tai ngoài ở trẻ em bằng cách nào?

Một số việc làm đơn giản dưới đây có thể giúp bạn phòng tránh viêm tai ngoài ở trẻ em:

  • Làm sạch tai cho bé, giữ cho tai của bé khô ráo. Lau khô tai một cách kỹ lưỡng sau khi bơi hoặc tắm. Chỉ lau khô tai ngoài, lau từ từ và nhẹ nhàng bằng khăn hoặc vải mềm.
  • Không dùng tăm bông để làm sạch bên trong tai.
  • Dùng khăn mềm để lau phần bên ngoài tai.
  • Cố gắng giảm thiểu lượng nước lọt vào tai của bé khi tắm hoặc khi bơi.
  • Nếu trẻ dễ bị viêm tai ngoài, bạn hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc nhỏ phòng ngừa.
  • Tránh không để trẻ đưa các vật lạ vào trong tai.

Viêm tai ngoài là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng khác nguy hiểm hơn. Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu của bệnh ở trẻ.

Ngoài ra, để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?

Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: abycenter.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe