Viêm tai Cholesteatoma ở người lớn: Những điều cần biết

Viêm tai Cholesteatoma là viêm tai giữa mạn lành tính tróc vảy. Nhận biết được sớm các nguyên nhân, triệu chứng và được thăm khám sớm sẽ có phương pháp điều trị bệnh hiệu quả.

1. Viêm tai Cholesteatoma là gì?

Cholesteatoma có thể được gọi là một dạng viêm tai giữa mạn lành tính tróc vảy. Bệnh được đặc trưng bởi một khối bị sừng hóa, tích tụ các tế bào chết (vảy) nằm ở tai giữa hoặc xương chũm, có thể là tổn thương tiên phát hoặc thứ phát do thủng màng nhĩ. Cholesteatoma không chứa cholesterol hay mỡ, cũng không phải là khối ung thư.

  • Cholesteatoma tiên phát thường xảy ra do bất thường ống nối tai giữa và vòm họng. Khi chịu áp lực âm kéo dài, màng nhĩ bị co vào giữa và cuối cùng tạo thành một túi nằm phía sau màng nhĩ tích tụ các mảnh vụn tế bào da chết đóng vảy và dần dần hình thành khối cholesteatoma. Sự giảm thông khí do khối sừng hóa làm trì hoãn hồi phục nhiễm trùng, gây nhiễm trùng mạn tính, tiết dịch kéo dài và cuối cùng có thể dẫn tới co rút màng nhĩ hoặc thủng màng nhĩ.
  • Cholesteatoma thứ phát xảy ra do thủng màng nhĩ. Các tế bào biểu mô vảy tích tụ từ màng nhĩ bị tổn thương vào bên trong tai giữa tạo thành khối sừng hóa. Một số trường hợp cholesteatoma hình thành sau phẫu thuật tạo hình màng nhĩ.

Triệu chứng của bệnh khá đa dạng, một số người có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Một số khác có thể giảm thính lực, chóng mặt và/hoặc chảy nước trong tai. Cholesteatoma do thủng màng nhĩ thường được phát hiện sớm hơn và giảm hay mất thính lực cũng xảy ra sớm hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ thăm dò để phát hiện cholesteatoma ở những người có viêm tai giữa mủ mạn tính.

Hãy nhanh chóng đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời nếu bạn có các vấn đề bất thường ở tai, vì nếu không được điều trị, các tổn thương có thể trở nên nặng hoặc lan rộng gây ra những biến chứng nghiêm trọng.


Viêm tai cholesteatoma là một dạng viêm tai giữa mạn lành tính tróc vảy
Viêm tai cholesteatoma là một dạng viêm tai giữa mạn lành tính tróc vảy

2. Bạn sẽ trải qua những thăm khám, cận lâm sàng để chẩn đoán như thế nào?

Soi tai có thể dễ dàng phát hiện ra cholesteatoma với trường hợp do thủng màng nhĩ. Tuy nhiên, do sự che lấp của các tế bào biểu mô vảy, cholesteatoma tiên phát sẽ khó phát hiện khi chỉ soi với đèn soi tai thông thường. Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng có thể cần phải soi tai với kính hiển vi và đầu hút để chẩn đoán chính xác vấn đề của bạn.

Bạn cũng có thể cần chụp cắt lớp vi tính (CT) vùng xương thái dương để xác định mức độ bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ đánh giá xem liệu bạn có những tổn thương do ăn mòn xương, hay đường rò không. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn chụp cộng hưởng từ nếu nghi ngờ có biến chứng tổn thương não hoặc tái phát.

3. Các loại vi khuẩn thường gặp ở bệnh viêm tai Cholesteatoma

Mẫu bệnh phẩm trong tai bạn sẽ được lấy và đem nuôi cấy để xác định vi khuẩn gây bệnh giúp điều trị chính xác và hiệu quả.

Vi khuẩn phân lập được trong bệnh cholesteatoma thường đa dạng, nhưng thường gặp nhất là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) và trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa). Thất bại điều trị với kháng sinh hay xảy ra khi gặp trực khuẩn mủ xanh.

4. Những điều trị thông thường bạn có thể trải qua

4.1. Điều trị nội khoa và dẫn lưu dịch, mủ trong tai

Rửa tai, dẫn lưu mủ, điều trị nhiễm trùng với thuốc kháng sinh nhỏ tai và kháng sinh đường uống có thể được bác sĩ lựa chọn tùy theo độ nặng bệnh của bạn.

Kháng sinh đường uống thường được cân nhắc nếu bạn có nguy cơ biến chứng hoặc nhiễm trùng nặng hoặc bạn có nguy cơ mắc vi khuẩn kháng thuốc hay đã điều trị nhiều đợt kháng sinh nhỏ tai theo kinh nghiệm.

4.2. Phẫu thuật

Phẫu thuật loại bỏ khối cholesteatoma và tạo hình màng nhĩ có thể cần được tiến hành. Trong trường hợp tổn thương lan rộng, có thể bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật cắt xương chũm. Mặc dù việc điều trị các bệnh mắc kèm như các bệnh dị ứng, viêm xoang mạn tính, viêm amydale - VA quá phát có thể có lợi nhưng cuối cùng, không có biện pháp nào có thể thay thế được lựa chọn phẫu thuật.

Phẫu thuật sẽ được cân nhắc và quyết định dựa trên mức độ bệnh, kiểu loại và kích thước thông bào xương chũm, chức năng ống nối tai giữa và vòm họng (Eustachian tube).

Bác sĩ sẽ thăm khám và tư vấn cho bạn trước khi thực hiện bất cứ thủ thuật, phẫu thuật nào. Bạn cần sử dụng thuốc theo đơn, tuân thủ điều trị và tái khám đúng hẹn để đảm bảo điều trị được hiệu quả và tránh được những biến chứng không mong muốn.


Kháng sinh đường uống thường được cân nhắc nếu viêm tai cholesteatoma có nguy cơ biến chứng
Kháng sinh đường uống thường được cân nhắc nếu viêm tai cholesteatoma có nguy cơ biến chứng

5. Cách phòng tránh bệnh cholesteatoma

Bạn có thể phòng tránh các bệnh mạn tính ở tai như viêm tai giữa mủ mạn tính hay cholesteatoma bằng một số cách cơ bản như:

  • Luôn giữ tai khô thoáng, đặc biệt sau khi tắm gội hoặc sau khi đi bơi
  • Vệ sinh răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ
  • Tránh hút thuốc lá và tiếp xúc với môi trường khói bụi
  • Thận trọng khi lấy ráy tai. Bạn có thể tới gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và hỗ trợ nếu gặp khó khăn trong vấn đề vệ sinh tai.
  • Điều trị triệt để các bệnh lý đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm amydale, viêm xoang, viêm mũi dị ứng...

Ngoài ra, cần tránh tự ý dùng kháng sinh để giảm nguy cơ kháng thuốc. Tuân thủ điều trị khi được kê đơn kháng sinh để đảm bảo bệnh khỏi hoàn toàn và giảm nguy cơ phát sinh đề kháng.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên giúp bạn hiểu rõ hơn về Viêm tai Cholesteatoma ở người lớn. Nếu có các triệu chứng của bệnh thì bạn cần sớm đến các trung tâm y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe