Viêm phổi liên quan đến thở máy: Những điều cần biết

Viêm phổi liên quan đến thở máy là bệnh lý nhiễm khuẩn bệnh viện nặng nhất và thường gặp nhất trong tất cả các loại nhiễm khuẩn bệnh viện. Đây cũng là nguyên nhân góp phần kéo dài thời gian điều trị tại khoa hồi sức tích cực và làm tăng chi phí nằm viện của bệnh nhân.

1. 1. Viêm phổi liên quan đến thở máy là gì?

Theo Hội Lồng ngực Hoa Kỳ (ATS) 2005, viêm phổi liên quan đến thở máy là viêm phổi xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi bệnh nhân được đặt ống nội khí quản và thông khí nhân tạo.

Đây là một biến chứng thường gặp tại các khoa hồi sức, xảy ra ở 9% đến 25% bệnh nhân được đặt ống nội khí quản kéo dài hơn 48 giờ và được thông khí cơ học. Viêm phổi liên quan đến thở máy khởi phát sớm (nếu thời gian khởi phát < 4 ngày), khởi phát muộn (nếu thời gian ≥ 5 ngày).

2. Cơ chế gây viêm phổi thở máy

Ở điều kiện sức khoẻ bình thường, bộ máy hô hấp có các cơ chế tự bảo vệ khỏi các tác nhân gây bệnh, như cấu trúc giải phẫu vùng họng, các phản xạ ho, dịch tiết phế quản, hệ thống vi nhung mao bề mặt, các tế bào miễn dịch, các đại thực bào phế nang và bạch cầu trung tính.

Khi các hệ thống này hoạt động và phối hợp tốt với nhau, sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh sẽ bị hạn chế, nhưng khi cơ chế này bị suy giảm viêm phổi sẽ xảy ra. Việc đặt ống nội khí quản không những phá vỡ cấu trúc tự bảo vệ của vùng họng. Mà còn làm cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào phổi, thông qua dịch ứ đọng và thẩm lậu xung quanh bóng chèn của ống nội khí quản. Điều này xảy ra ở, đa số các bệnh nhân có ống nội khí quản và nếu bệnh nhân nằm ngửa sẽ tăng khả năng hít phải.

3. Yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi thở máy


Bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi mạn tính
Bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi mạn tính

Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi thở máy:

  • Bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính.
  • Tuổi cao > 70 tuổi.
  • Thông khí nhân tạo dài ngày hoặc phải đặt lại ống nội khí quản.
  • Cơ địa suy giảm miễn dịch (dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, giảm bạch cầu, dùng thuốc ức chế miễn dịch, suy kiệt, ...).
  • Bệnh nhân đã dùng kháng sinh trước đó.
  • Bệnh nhân mới phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật lồng ngực.
  • Có các ống thông (mở khí quản, các ống dẫn lưu não thất, lồng ngực, ống thông tiểu, ống thông tĩnh mạch, ống thông dạ dày ...).
  • Nuôi dưỡng đường tiêu hóa.
  • Tư thế bệnh nhân nằm lâu.

4. Triệu chứng lâm sàng

4.1 Triệu chứng toàn thân

  • Sốt: Sốt thành cơn hoặc sốt liên tục cả ngày, kèm theo có rét run hoặc không. Nhiệt độ cơ thể trên 380C có thể tăng rất cao 40-410C.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng, nhiễm độc: Môi khô, lưỡi bẩn, da xanh tái.
  • Rối loạn ý thức khi có suy hô hấp nặng: Vật vã, kích thích, thở chống máy.

Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác như: Nhịp tim nhanh do sốt, thiếu oxy máu, huyết áp có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào giai đoạn viêm phổi.

4.2 Triệu chứng hô hấp

  • Biểu hiện thiếu oxy nặng dẫn đến suy hô hấp, các triệu chứng như co rút cơ hô hấp phụ, rút lõm hõm ức. Trên monitor có SpO2 thấp dưới 90%, trên máy thở thấy tần số thở nhanh, áp lực đường thở cao.
  • Dấu hiệu của suy hô hấp: Tím môi và đầu chi, nổi vân tím toàn thân, da lạnh. Viêm phổi do Gram âm thường có da xanh tái, vã mồ hôi.
  • Nghe phổi có thể có ran ẩm, ran nổ hoặc ran rít, ran ngáy. Hội chứng đông đặc (gõ đục, rung thanh tăng, rì rào phế nang giảm) có thể gặp trong viêm phổi liên quan đến thở máy.
  • Dịch tiết phế quản tăng là biểu hiệu đặc trưng, đờm hút qua ống nội khí quản có thể màu trắng, đục hoặc xanh, vàng tùy theo tác nhân gây bệnh.
  • Có thể có các dấu hiệu của tràn dịch màng phổi như: Gõ đục vùng thấp, rì rào phế nang giảm vùng thấp.

Các dấu hiệu lâm sàng (sốt, các biểu hiện ở phổi) có giá trị chẩn đoán ở mức độ trung bình.

5. Điều trị


Việc lựa chọn kháng sinh điều trị viêm phổi thở máy phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau
Việc lựa chọn kháng sinh điều trị viêm phổi thở máy phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau

Lựa chọn kháng sinh điều trị viêm phổi thở máy phụ thuộc:

  • Cơ địa bệnh nhân, các yếu tố nguy cơ và bệnh lý kèm theo.
  • Các kháng sinh đã dùng trước đó.
  • Mức độ thâm nhiễm phổi.
  • Dịch tễ học và mức độ nhạy cảm của các chủng vi khuẩn tại từng khoa.
  • Viêm phổi bệnh viện sớm hay muộn.

Thời gian điều trị từ 7-21 ngày: Tùy bệnh nhân và nguyên nhân gây bệnh.

Viêm phổi liên quan đến thở máy là nhiễm trùng nhu mô phổi xảy ra sau 48 giờ kể từ khi người bệnh được thở máy. Đây là bệnh lý nhiễm khuẩn bệnh viện rất thường gặp trong khoa hồi sức, với tỉ lệ 8 - 10% người bệnh điều trị tại khoa hồi sức, và 27% trong số người bệnh được thở máy. Viêm phổi thở máy làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian thở máy, thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe