Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp.
Viêm phế quản là một trong những bệnh lý viêm nhiễm tại đường hô hấp rất thường gặp trong đời sống cộng đồng. Tác nhân gây bệnh thường gặp nhất là virus nhưng cũng không ít trường hợp mắc phải vi khuẩn. Từ đó, việc điều trị và theo dõi cũng hoàn toàn khác nhau. Chính vì thế, cần nhận thức về sự khác nhau giữa viêm phế quản do virus và viêm phế quản do vi khuẩn để nhận biết sớm, có cách tuân thủ điều trị và phòng ngừa thích hợp.
1. Viêm phế quản là gì?
Phế quản là một cấu trúc giải phẫu thuộc đường hô hấp dưới. Luồng không khí hít vào được đi qua lỗ mũi là cửa ngõ đầu tiên, sau đó lần lượt là hầu họng, thanh quản, khí quản và phế quản trước khi đến từng túi phế nang trong nhu mô phổi. Hệ thống phế quản có cấu trúc phân chia từng bậc như hình dạng rễ cây với 23 bậc phân chia. Từ đó, “cây phế quản” hình thành mạng lưới chằng chịt trong hai phế trường, chia nhỏ luồng khí đi vào thành các phần rất nhỏ, sử dụng được trao đổi khí hiệu quả với môi trường bên ngoài cơ thể.
Viêm phế quản là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của hệ thống cây phế quản. Nếu ở gần vị trí chia đôi đầu tiên, viêm phế quản có thể đi kèm với viêm khí quản hoặc viêm thanh quản. Ngược lại, nếu viêm phế quản tại vị trí tận cùng vào phế nang, có thể gây ra viêm phế quản - phế viêm.
2. Phân biệt viêm phế quản do virus và viêm phế quản do vi khuẩn
2.1 Về tác nhân gây bệnh
Điểm khác nhau cơ bản nhất giữa viêm phế quản do virus với viêm phế quản do vi khuẩn là tác nhân gây bệnh.
Trong đó, virus là nguyên nhân của 60-70% các trường hợp viêm phế quản. Các loại virus thường gây bệnh là các chủng có ái tính với đường hô hấp trên của loài người như hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm hoặc adenovirus. Chúng thường gây ra các vụ dịch và gây bệnh theo mùa, bệnh thường biểu hiện nhẹ, tự thuyên giảm mà không cần điều trị đặc hiệu gì.
Ngược lại, viêm phế quản do vi khuẩn thường ít gặp hơn và chủ yếu là do tình trạng bội nhiễm thêm trong lúc sức đề kháng đang bị suy yếu. Về đặc điểm dịch tễ, viêm phế quản phổi do vi khuẩn còn phổ biến ở các nước đang phát triển, điều kiện vệ sinh kém, thu nhập thấp và không ổn định như Việt Nam. Các loại vi khuẩn gây bệnh thường gặp như phế cầu, H. influenzae, tụ cầu, liên cầu, E.coli,...
Ngoài các tác nhân gây viêm phế quản là vi trùng, người bệnh cũng dễ mắc bệnh cảnh này khi hít phải hơi độc như khí SO2, clo, amoniac, acid, dung môi công nghiệp,...
2.3 Về biểu hiện của bệnh
Do tác nhân gây bệnh khác nhau, biểu hiệu viêm phế quản do virus và viêm phế quản do vi khuẩn nhìn chung cũng có nhiều điểm khác biệt.
Triệu chứng viêm phế quản do virus:
Các biểu hiện thường rất mơ hồ theo một hội chứng nhiễm siêu vi. Khởi đầu là các biểu hiện viêm long đường hô hấp trên rất rầm rộ, bao gồm ho, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mắt nước mũi, kèm theo đó bệnh nhân đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, khàn tiếng. Thông thường ho khan hoặc ho có đờm trắng trong.
Về dịch tễ, viêm phế quản do virus hay gặp trong mùa dịch cúm hoặc mùa đông xuân thay đổi thời tiết. Người trong gia đình hoặc những người xung quanh cũng có thể có biểu hiện tương tự, tốc độ lây lan rất nhanh qua đường hô hấp hay tiếp xúc.
Triệu chứng viêm phế quản do vi khuẩn
Ngoài các biểu hiện của viêm phế quản do virus tương tự như trên, người bệnh mắc phải viêm phế quản do vi khuẩn còn bộc lộ hội chứng nhiễm trùng. Cụ thể là bệnh nhân có vẻ mặt đừ, hốc hác, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi và có thể đi kèm với sốt cao. Không những thế, chất bài tiết trong đường hô hấp khiến cho người bệnh ho khạc đờm mủ, đờm đục hoặc đờm màu xanh vàng; điều này rất khác với trường hợp nhiễm virus thì người bệnh thường ho khan hoặc ho đờm màu trắng trong.
Ngoài ra, một điểm khác biệt nữa của viêm phế quản do vi khuẩn với do virus là bệnh lý này hoàn toàn không có khả năng tự thuyên giảm. Thậm chí, nếu không điều trị tích cực ngay từ đầu, sự lan rộng của vi khuẩn hay mắc phải vi trùng có độc lực cao, ổ nhiễm dễ lan rộng ra xung quanh, đi vào đường máu gây nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan và đôi khi nguy kịch đến tính mạng.
2.4 Về cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa
Việc chẩn đoán viêm phế quản là dựa vào bệnh sử của bệnh nhân, ghi nhận yếu tố tiếp xúc lây nhiễm và trực tiếp thăm khám lâm sàng. Một số trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng do liên cầu khuẩn hay khả năng kháng thuốc, bác sĩ có thể cần phải lấy bệnh phẩm là dịch mủ đục trong phế quản, vùng hầu họng đem đi nuôi cấy để có cơ sở lựa chọn thuốc phù hợp.
Từ đó, việc điều trị hai bệnh cảnh của viêm phế quản cũng hoàn toàn khác nhau. Trong điều trị viêm phế quản do virus, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau và phòng ngừa bội nhiễm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng được khuyến khích uống nhiều nước, ăn thêm hoa quả để nâng cao sức đề kháng. Điều cần lưu ý là kháng sinh tuyệt đối không được chỉ định dùng trong các trường hợp viêm phế quản do virus thông thường. Bởi lẽ việc dùng kháng sinh trong trường hợp này không những không cần thiết mà còn làm tăng tỷ lệ đề kháng kháng sinh.
Trong khi đó, đối với điều trị viêm phế quản do vi khuẩn, ngoài những điều trị tương tự như viêm phế quản do virus, sự tham gia của kháng sinh là bắt buộc trong việc khống chế và tiêu diệt vi khuẩn. Các nhóm kháng sinh được lựa chọn ban đầu là beta-lactam hoặc quinolone hô hấp với liều lượng và số lần dùng trong ngày, số ngày dùng thuốc cần được tuân thủ nghiêm ngặt.
Đối với các trường hợp viêm phế quản do virus bị bội nhiễm mức độ nặng hay nhiễm trùng từ đầu với chủng có độc tính cao, cần nhập viện để điều trị nội trú với kháng sinh đường toàn thân. Hơn thế nữa, bác sĩ cũng có điều kiện theo dõi sát diễn tiến bệnh, có các điều trị nâng đỡ khi cần thiết, tránh để xảy ra biến chứng.
Tuy nhiên, việc đề phòng tránh để mắc bệnh nhìn chung luôn có ý nghĩa cao hơn việc điều trị bệnh khi đã mắc phải. Cụ thể, mỗi người cần tích cực xây dựng cho mình sức đề kháng mạnh mẽ. Để làm được như vậy, cơ bản là phải có một chế độ ăn khoa học, giàu hoa quả tươi nhằm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, chú ý lao động, học tập và nghỉ ngơi hợp lý, có thói quen luyện tập thể thao, vận động cơ thể điều độ. Ngoài ra, chúng ta cần chủ động giữ vệ sinh cá nhân tốt và bảo vệ môi trường xung quanh được sạch sẽ, trong lành.
Tóm lại, viêm phế quản do virus và viêm phế quản do vi khuẩn có rất nhiều điểm khác biệt nhau, từ biểu hiện bệnh, cách thức điều trị và tiên lượng sau đó. Trong bất cứ tình huống nào, cần tích cực thăm khám đúng chuyên khoa để được điều trị sớm và đúng cách. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải chủ động phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những thành viên khác trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.