Viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn ở trẻ em

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Hữu Tuấn - Trưởng khoa Liên chuyên khoa kiêm Trưởng Đơn nguyên Tai - Mũi - Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Viêm xoang cấp do vi khuẩn nếu không được điều trị đúng cách cũng có thể dẫn đến một vài biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ như viêm tấy tổ chức hốc mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não... Những tư vấn của bác sỹ Trần Hữu Tuấn - Trưởng Khoa Liên chuyên khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sẽ giúp mọi người có thêm kiến thức về căn bệnh này.

1. Viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn là gì?

Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc phủ bề mặt của một hay nhiều xoang mặt gây nên bởi vi khuẩn, do niêm mạc xoang liên tục với niêm mạc hốc mũi và hầu hết đi kèm với viêm niêm mạc mũi nên thuật ngữ viêm mũi xoang cũng được dùng phổ biến để chỉ viêm xoang.

2. Trẻ em có hay bị viêm xoang không?

Đến 20 tuổi thì các xoang mặt mới phát triển hoàn thiện nhưng ở độ tuổi 12 thì hốc mũi và các xoang mặt đã định hình và có tỷ lệ gần giống với người trưởng thành. Xoang hàm, xoang sàng trước có ngay từ khi trẻ ra đời và phát triển nhanh chóng trong những năm đầu, xoang trán, sàng sau và xoang bướm thì phát triển muộn hơn. Vậy nên trẻ em hoàn toàn có thể mắc viêm xoang chưa tính đến ở trẻ hệ thống miễn dịch phát triển chưa hoàn thiện nên trẻ hay bị các đợt viêm mũi họng cấp và từ đó bội nhiễm vi khuẩn và trở thành viêm xoang.

Thống kê cho thấy rằng trẻ em trung bình mắc từ 3 đến 6 đợt viêm mũi họng cấp/năm, nguyên nhân của những đợt viêm nhiễm này là do Virus nhưng có tới 5% bị bội nhiễm vi khuẩn và phát triển thành viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn. Như vậy tỷ lệ mắc viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn ở trẻ em là khá lớn khi tính rộng trên cả cộng đồng.


Thống kê cho thấy rằng trẻ em trung bình mắc từ 3 đến 6 đợt viêm mũi họng cấp/năm
Thống kê cho thấy rằng trẻ em trung bình mắc từ 3 đến 6 đợt viêm mũi họng cấp/năm

3. Viêm xoang có nguy hiểm không?

Trong khi viêm mũi xoang do virus thường tự khỏi không cần điều trị trong khoảng từ 7 đến 10 ngày thì tỷ lệ tự khỏi của viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn có nhưng nhỏ nên thường phải dùng kháng sinh trị liệu.

Viêm xoang cấp do vi khuẩn nếu không được điều trị đúng cách cũng có thể dẫn đến một vài biến chứng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ như viêm tấy tổ chức hốc mắt, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, áp xe ngoài màng cứng, áp xe não...

4. Tại sao không điều trị kháng sinh cho tất cả các trường hợp có biểu hiện như viêm xoang?

Như đã đề cập ở trên trẻ em rất hay mắc viêm mũi họng cấp tính do virus, đây là quá trình bình thường để hình thành nên hệ miễn dịch của trẻ sau này, đa số các viêm mũi họng này tự khỏi trong vòng 10 ngày mà không cần tới bất cứ điều trị đặc hiệu nào chỉ có 5% bị bội nhiễm trở thành viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh tràn lan là lãng phí, gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh và đôi khi còn gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm như trong các trường hợp dị ứng kháng sinh.

5. Khi nào cần dùng kháng sinh?

Câu trả lời tưởng như đơn giản là khi bị Viêm mũi xoang cấp tính nhiễm khuẩn nhưng trên thực tế việc này khá khó khăn không chỉ với cha mẹ trẻ mà ngay cả đối với các Bác sĩ gia đình do triệu chứng lâm sàng của viêm mũi họng cấp virus và viêm mũi xoang cấp do vi khuẩn khá giống nhau đều biểu hiện: ho, đau rát họng, các dấu hiệu của mũi như ngạt mũi, chảy nước mũi, căng tức trong mũi do xung huyết và sốt.

Một vài đặc điểm lâm sàng dưới đây sẽ giúp phân biệt hai bệnh lý này:

Viêm mũi họng cấp do virus

Viêm mũi họng cấp do virus thường diễn biến trong 7-10 ngày, trẻ có thể vẫn còn các triệu chứng tại ngày thứ 10 nhưng các biểu hiện này đã cải thiện đáng kể sau khi đạt đỉnh vào khoảng ngày thứ 3-6 của bệnh. Thường chỉ sốt nhẹ và trong một hai ngày đầu đi kèm với các biểu hiện toàn thân như mệt mỏi, đau cơ, các dấu hiệu này giảm dần sau 2-3 ngày trong khi các dấu hiệu về hô hấp lại tăng lên. Dịch mũi thường trong loãng chuyển sang đặc có màu như mủ rồi ít dần và trong trở lại trước khi hết hẳn quá trình này diễn biến tự nhiên không cần tới kháng sinh.

Viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn

Viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn: có 3 bệnh cảnh lâm sàng khác nhau:

  • Các biểu hiện lâm sàng kéo dài trên 10 ngày và dưới 30 ngày và đặc biệt là không có biểu hiện thuyên giảm.
  • Có các dấu hiệu nặng trong quá trình diễn biến như sốt cao > 39độ C kết hợp chảy mũi mủ trên 3 ngày liên tiếp.
  • Diễn biến bệnh theo biểu đồ yên ngựa tức là các triệu chứng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào ngày thư 3-4 nhưng lại nặng lên vào ngày thứ 6-7, xuất hiện thêm đau đầu hay sốt trở lại sau khi đã dứt sốt vài ngày.

Việc sử dụng kháng sinh tràn lan là lãng phí, gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh
Việc sử dụng kháng sinh tràn lan là lãng phí, gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh

6. Vai trò của Bs chuyên khoa Tai mũi họng trong Viêm mũi xoang cấp nhiễm khuẩn

Chẩn đoán đúng các trường hợp viêm xoang cấp nhiễm khuẩn để từ đó có phác đồ điều trị hợp lý tránh sử dụng kháng sinh bừa bãi trong những trường hợp không cần thiết.

Phát hiện sớm các dấu hiệu của biến chứng Viêm xoang để điều trị tích cực hơn nhằm hạn chế di chứng và tránh nguy cơ tử vong cho trẻ.

Hình ảnh nội soi viêm xoang cấp do vi khuẩn và biến chứng viêm tấy ổ mắt

Tài liệu tham khảo

Acute bacterial rhinosinusitis in children: Clinical features and diagnosis nguồn trang UpToDate.com của tác giả Ellen R Wald, MD .

Professor of Pediatrics,University of Wisconsin School of Medicine and Public Health viết và update lần cuối Oct 2012

Cập nhật chẩn đoán và điều trị Viêm xoang của Ts. Bs Lê Công Định BV Bạch mai Giới thiệu tại Sinh hoạt khoa học Hội TMH Hà nội 9/2012 .

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe