Ngáy ngủ không thể hiểu đơn thuần là tạo ra tiếng ồn một cách vô thức.
Đây còn là dấu hiệu sức khỏe về rối loạn đường hô hấp và các căn bệnh biến chứng liên quan.
Vì sao ngáy ngủ?
Ngáy ngủ xảy ra khi không khí không được lưu thông thông suốt qua đường thở ở phía sau mũi và miệng. Trong vùng hầu họng, các tổ chức phần mềm (lưỡi, amidan, vòm miệng lưỡi, lưỡi gà) được các cơ vận động nâng đỡ. Khi ta ngủ say, các cơ này giãn ra, làm hẹp đường thở gây ra tiếng ngáy.
Ngủ ngáy: Triệu chứng đặc trưng của hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở (OSAS)
Những người béo phì có lớp mỡ dày ở cuống họng làm thay đổi cấu trúc họng và cản trở không khí lưu thông hay ngáy khi ngủ. Hút thuốc lá, uống nhiều rượu hoặc thuốc ngủ cũng có thể làm niêm mạc cuống họng sưng lên, gây nghẹt và hẹp đường thở. Người bị viêm xoang và nghẹt mũi mãn tính thường phải thở bằng miệng, đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngáy. Nằm ngửa khi ngủ có thể khiến lưỡi và vòm miệng tụt xuống thành sau họng, gây tắc đường thở. Hay các dấu hiệu như viêm amidan, dị ứng, ngạt mũi, cấu trúc cổ họng và hàm...
Ngáy có thể dẫn đến ngừng thở khi ngủ, làm giảm đột ngột nồng độ oxy trong máu dẫn đến tăng huyết áp, tim đập dồn dập tạo ra gánh nặng cho tim mạch, nguy hiểm tới sức khỏe. Ngáy to còn tạo stress tác động lên thần kinh và tinh thần, khiến nhiều người lo sợ, cảm giác bất an. Ngoài ra, ngáy khi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ khiến bạn không được nghỉ ngơi hoàn toàn hoặc bị ngưng thở, từ đó dẫn đến nhiều bệnh lý như bệnh tim, tăng huyết áp, đột quỵ...
Ngáy ngủ làm ảnh hưởng đến năng suất giấc ngủ của người ngáy, thêm vào đó, nó gây nhiều phiền toái cho người bạn đời và hạnh phúc hôn nhân. Theo thống kê, có khoảng 25% người thường xuyên “sống chung” với ngáy ngủ. Nam giới dễ mắc phải hơn nữ giới và tỷ lệ tăng gấp đôi với những người hút thuốc lá.
Ảnh hưởng của ngáy ngủ tới sức khỏe con người:
- Hệ thống miễn dịch suy giảm
- Thời gian buồn ngủ trong ngày gia tăng, có dấu hiệu không tỉnh táo
- Giảm năng suất và hiệu quả làm việc
- Tinh thần không minh mẫn
Thói quen/điều kiện sau dễ dẫn đến ngáy khi ngủ:
- Kết quả của việc suy nhược cơ bắp, cơ thể
- Uống rượu, vì rượu đóng một phần trong việc giãn các cơ vùng họng
- Hút thuốc lá, thuốc lá kích thích các mô mềm trong mũi và cổ họng
- Những người béo phì do kích thước vùng cổ bị thu hẹp do mỡ tích trữ
- Các bệnh do lạnh, viêm xoang, dị ứng, viêm hoặc sốt vùng mũi và cổ họng....
Một số phương pháp điều trị ngáy ngủ
Thay đổi lối sống
Chủ động thay đổi tích cực các thói quen sống có thể giảm thiểu đáng kể, thậm chí loại bỏ được chứng ngủ ngáy. Ngừng hút thuốc lá, giảm cân, không uống rượu/ các chất kích thích quá nhiều và tập thể dục thường xuyên sẽ đảm bảo cho giấc ngủ của bạn tốt hơn.
Chú ý về tư thế ngủ
Thay đổi các tư thế ngủ nằm nghiêng làm bạn thoải mái hơn là nằm một tư thế nằm thẳng. Cổ họng được thoái mái sẽ giúp giảm thiểu tình trạng ngáy khi ngủ. Các loại gối hỗ trợ giữa đầu và cổ sẽ tạo cảm giác êm ái hơn cho giấc ngủ. Để ngủ ngon hơn, bạn nên chú ý tránh dùng các loại rượu, chất kích thích trước khi đi ngủ.
Dùng thuốc nếu cần thiết
Nếu chứng ngáy ngủ của bạn có liên quan đến nghẹt mũi, các bệnh dị ứng, nhiễm trùng, viêm xoang...., bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng các loại thuốc như thuốc kháng sinh histamin, thuốc thông mũi, thuốc dạng xịt...
Phẫu thuật
Uvulopalatoplasty là một phương pháp điều trị phẫu thuật loại bỏ tế bào thừa tại vòm miệng và lưỡi bằng cách gây tê cục bộ. Cách thức này được áp dụng khi bạn xác định được nguyên nhân cơ bản của chứng ngáy là do biến dạng hàm, amidan quá lớn, do yếu tố tại vòm họng... Cuối cùng, bạn cần tuân thủ theo chỉ dẫn/ lời khuyên của bác sĩ để khắc phục triệt để tình trạng ngủ ngáy của bạn.
Phí Minh Tân (Theo Shoppinglifestyle )