Viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ở các lớp sâu của da, thường khởi phát đột ngột và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trong bệnh cảnh viêm mô tế bào, hàng rào bảo vệ da thường bị tổn thương gây ra sự nhiễm khuẩn nhanh chóng và lan tỏa.
1. Viêm mô tế bào là bệnh gì?
Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm cấp tính. Nguyên nhân thường do Streptococcus hoặc Staphylococci gây ra. Các trường hợp nhẹ do nhiễm trùng cục bộ có thể xuất hiện mẩn đỏ ở một vùng da. Trường hợp nặng gây sốt và các hạch bạch huyết khu vực có thể sưng to, thậm chí là nhiễm khuẩn huyết.
Những biểu hiện của viêm mô bào như sau:
- Nhiễm khuẩn mô mềm thường gây tăng bạch cầu, đau nhanh, tụt huyết áp, mê sảng hoặc sưng nề da.
- Đỏ da tại chỗ và đau thường phổ biến ở chi dưới.
- Da sưng, nóng, đỏ; màu tổn thương giống với màu cam và ranh giới không rõ ràng (trừ viêm quầng).
- Xuất huyết dưới da.
- Bọng nước phát triển và vỡ, có thể hoại tử da ở vùng tổn thương
- Sốt, ớn lạnh, tim đập nhanh, nhức đầu, tụt huyết áp và mê sảng thường xuất hiện trước các biểu hiện lâm sàng, nhưng cũng có thể không xuất hiện.
2. Chẩn đoán viêm mô tế bào như thế nào?
Việc chẩn đoán viêm mô tế bào thường thông qua biểu hiện lâm sàng, cấy máu và một số trường hợp là nuôi cấy mô. Nuôi cấy máu rất hữu ích ở các bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch và có dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân. Những bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc viêm mô bào tại nơi xảy ra chấn thương (bị động vật cắn, vết thương xâm nhập) nếu không đáp ứng điều trị theo kinh nghiệm hoặc nuôi cấy máu âm tính thì việc nuôi cấy mô tổn thương là cần thiết.
Ngoài ra, viêm mô tế bào rất dễ nhầm lẫn với viêm da tiếp xúc và viêm da ứ đọng, từ đó dẫn tới việc điều trị không hiệu quả. Để hạn chế sự nhầm lẫn này, có thể chẩn đoán phân biệt bằng cách:
- Viêm da tiếp xúc thường có ngứa, giới hạn các tổn thương ở vị trí tiếp xúc và không có triệu chứng toàn thân.
- Viêm da ứ đọng thường có các đặc điểm viêm da như vảy, tổn thương dạng chàm, lichen hóa, bằng chứng về ứ đọng tĩnh mạch và đối xứng 2 bên.
Hầu hết, viêm mô tế bào sẽ đáp ứng nhanh với kháng sinh, các trường hợp hình thành ổ áp-xe tại chỗ thường đòi hỏi chích rạch và tháo mủ. Các biến chứng nghiêm trọng có thể gặp phải của viêm mô tế bào là hoại tử nhiễm trùng dưới da và nhiễm khuẩn huyết, tắc nghẽn bạch mạch.
3. Điều trị viêm mô tế bào
Nguyên tắc điều trị viêm mô tế bào như sau:
- Kháng sinh: Lựa chọn điều trị bằng kháng sinh còn tùy thuộc vào sự có mặt của mủ hay không. Viêm mô tế bào hầu hết không sinh mủ thì lựa chọn kháng sinh có phổ đối với cả Streptococcus nhóm A và S. aureus.
- Viêm mô tế bào mủ được coi là có nguy cơ cao, vì vậy nên dùng kháng sinh có phổ cho MRSA hoặc điều trị dự phòng cho bệnh nhân bị chấn thương xâm nhập, vết thương phẫu thuật, các triệu chứng nguy cơ cao (xuất huyết dưới da, bọng nước, da sưng nề nhiều, tê da, triệu chứng sốc hoặc hạ thân nhiệt). Hầu hết, bệnh nhân sẽ hồi phục trong 2 tuần.
- Cần nhập viện ngay nếu bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, nôn mửa hoặc tái phát viêm mô tế bào.
Các biện pháp có thể giúp cải thiện tình trạng viêm mô tế bào như sau:
- Kê cao vùng da bị tổn thương để giảm sưng và đau.
- Vận động phần bị ảnh hưởng của cơ thể thường xuyên.
- Không mang vớ bó cho đến khi lành vết thương.
- Uống nhiều nước.
Tóm lại, viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra ở các lớp sâu của da, thường khởi phát đột ngột và đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Trong trường hợp nhận thấy các triệu chứng của bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị, phòng tránh nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.