Viêm màng não mủ nguy hiểm với trẻ

Giao mùa là thời điểm lý tưởng cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, nổi trội và nguy hiểm nhất có lẽ là viêm màng não mủ, đặc biệt do tác nhân Haemophilus influenzae nhóm B. Viêm màng não mủ ở trẻ em có biểu hiện âm thầm, diễn tiến thường nặng và dễ lây lan. Vì vậy, cần phát hiện sớm và điều trị cho trẻ để tránh biến chứng nguy hiểm.

1. Viêm màng não mủ ở trẻ em

Viêm màng não mủ ở trẻ em là tình trạng màng não bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh có khả năng sinh mủ (đa số là vi khuẩn). Đây là bệnh truyền nhiễm hay gặp ở trẻ nhỏ, nhiều nhất ở nhóm dưới 5 tuổi với nguy cơ tử vong cao và nếu khỏi bệnh cũng để lại nhiều di chứng nguy hiểm.

Các tác nhân gây bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em hay gặp nhất bao gồm Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Haemophilus influenzae và Neisseria meningitidis (não mô cầu). Đối với viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh còn có thể do các tác nhân khác như vi khuẩn Escherichia coli, Listeria monocytogenes, B. streptococcus. Ngoài ra, bệnh có thể do nhiều loại vi khuẩn khác và các loại nấm gây nên, tuy nhiên chúng ít gặp hơn và thường xuất hiện trên người bệnh có cơ địa suy giảm miễn dịch.

Trong số các tác nhân gây bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em, vi khuẩn Haemophilus influenzae nhóm B (gọi tắt là Hib) là tác nhân thường gặp và dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Loại vi khuẩn này cư trú ở vùng mũi họng, lây lan qua đường hô hấp và rất dễ tạo ra các ổ dịch lớn, đặc biệt ở các quốc gia chưa tiêm ngừa nhiều vắc-xin Hib. Khi chưa tiêm vắc-xin, vi khuẩn Hib có thể gây viêm phổi nặng ở 1⁄4 trẻ và 1⁄2 số trường hợp viêm màng não mủ.

2. Trẻ bị viêm màng não mủ có nguy hiểm không?

Trẻ nhỏ bị viêm màng não mủ có nguy hiểm không thì câu trả lời là cực kỳ nguy hiểm. Bệnh lý này có thể xảy ra quanh năm, gây nhiều hậu quả nặng nề cho sức khỏe, đặc biệt diễn tiến và tử vong rất nhanh nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Đồng thời, viêm màng não mủ ở trẻ em nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị đúng cách sẽ để lại các di chứng thần kinh vĩnh viễn như:

  • Tổn thương não;
  • Tràn dịch dưới màng cứng;
  • Não úng thủy (bệnh lý tích tụ chất lỏng trong hộp sọ gây phù não);
  • Câm, giảm hoặc mất thính lực (điếc vĩnh viễn);
  • Liệt tay chân;
  • Lác mắt;
  • Động kinh, co giật;
  • Sa sút trí tuệ, mất khả năng học tập;

Trẻ bị viêm màng não mủ tử vong nhanh do tình trạng suy hô hấp nặng, phù não, xuất hiện các biến chứng do nhiễm trùng nhu mô não kèm theo viêm phổi, suy thận nặng...

Theo thống kê, tỷ lệ tử vong của viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib lên đến 15-20%, đặc biệt tăng cao ở nhóm trẻ dưới 2 tháng tuổi và trẻ bị suy giảm miễn dịch. Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 45% trẻ bị viêm màng não mủ hồi phục và không để lại di chứng, khoảng 15-25% tổn thương thần kinh mức độ nhẹ, 20-40% tổn thương thần kinh mức độ nghiêm trọng và có đến 10% để lại di chứng thần kinh nặng vĩnh viễn.


Vi khuẩn Haemophilus influenzae nhóm B gây bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em
Vi khuẩn Haemophilus influenzae nhóm B gây bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em

3. Lưu ý biểu hiện của bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em

Biểu hiện triệu chứng của viêm màng não mủ ở trẻ em thường bao gồm triệu chứng viêm toàn thân như sốt, rối loạn tri giác (kích thích và/hoặc li bì) kết hợp với triệu chứng màng não (như dấu hiệu cổ cứng ở trẻ trên 18 tháng tuổi).

Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi bị viêm màng não mủ thường khó phát hiện do các triệu chứng lâm sàng kín đáo hơn. Đồng thời, rất khó phân biệt dấu hiệu lâm sàng giữa viêm màng não mủ và viêm màng não không sinh mủ (tác nhân do virus), tuy nhiên viêm màng não mủ thường diễn tiến nặng hơn và còn viêm màng não do virus lại có xu hướng xuất hiện theo mùa.

Biểu hiện lâm sàng của viêm màng não mủ ở trẻ em bao gồm:

  • Hội chứng nhiễm trùng: Trẻ thường sốt cao, đột ngột, đôi khi triệu chứng viêm long đường hô hấp trên hoặc quấy khóc vô cớ hay li bì, mệt mỏi, ăn bú kém, da tái xanh;
  • Hội chứng màng não: Bao gồm các triệu chứng cơ năng như buồn nôn, nôn ói, đau đầu (trẻ quấy khóc dữ dội hoặc đôi khi khóc thét từng cơn), sợ ánh sáng, nằm tư thế cò súng. Khi thăm khám bác sĩ ghi nhận các triệu chứng như cổ cứng, các dấu hiệu màng não (như Kernig, Brudzinski, vạch màng não) dương tính. Một số trẻ còn thóp có thể ghi nhận dấu hiệu thóp trước phồng căng kèm li bì hoặc mắt nhìn vô cảm;
  • Các triệu chứng khác bao gồm co giật, liệt khu trú, hôn mê, rối loạn tri giác ban xuất huyết hoại tử hình sao (đặc trưng của vi khuẩn não mô cầu);
  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tháng tuổi: Nguy cơ viêm màng não mủ bao gồm trẻ đẻ non, nhiễm trùng ối hoặc ngạt sau sinh. Các triệu chứng nhiễm trùng thường không rõ, bé có thể không sốt hay ngược lại là hạ thân nhiệt. Hội chứng màng não cũng không rõ, thường kín đáo. Các triệu chứng gợi ý khác bao gồm bỏ bú, nôn trớ, rối loạn nhịp thở (như thở rên, không đều hoặc có cơn ngừng thở), thóp phồng hoặc căng, trướng bụng, tiêu chảy, giảm trương lực cơ, mất các phản xạ sinh lý, co giật...

4. Chữa trị viêm màng não mủ ở trẻ em

Viêm màng não mủ ở trẻ em có phác đồ điều trị như sau:

4.1. Sử dụng kháng sinh

Các trường hợp viêm màng não chưa xác định chính xác nguyên nhân, bác sĩ điều trị có thể bắt đầu bằng cả thuốc kháng virus và kháng sinh phổ rộng. Trong đó, đa số các trường hợp trẻ viêm màng não mủ được chỉ định các loại kháng sinh như Ampicillin (liều 100mg/kg/24 giờ) và Gentamicin (liều 5mg/kg/24 giờ).

Sau khi chọc dò dịch não tủy và xác định được nguyên nhân chính xác gây viêm màng não mủ, các bác sĩ sẽ điều trị kháng sinh theo kết quả nuôi cấy kháng sinh đồ. Thời gian điều trị kéo dài khoảng 21 ngày và nên hạn chế chọc dò dịch não tủy ở trẻ đến mức thấp nhất.

4.2. Điều trị hỗ trợ

Các biện pháp hỗ trợ bao gồm:

  • Hỗ trợ hô hấp, duy trì tuần hoàn;
  • Nuôi dưỡng trẻ đầy đủ;
  • Sử dụng thuốc chống co giật nếu trẻ co giật;
  • Chống phù não bằng các biện pháp như nằm đầu cao 30 độ, hạn chế dịch, điều chỉnh lượng dịch nhập vào cơ thể bằng 1⁄2 và 2⁄3 nhu cầu bình thường.

Tỷ lệ tử vong của viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib lên đến 15-20%
Tỷ lệ tử vong của viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib lên đến 15-20%

5. Cách phòng ngừa viêm màng não mủ ở trẻ em

Mặc dù viêm màng não mủ do vi khuẩn Hiv là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm nhưng đa số trường hợp được chẩn đoán và điều trị tại bệnh viện đã chuyển sang giai đoạn muộn với tình trạng bệnh rất nặng.

Các chuyên gia khuyến cáo, việc phát hiện và chẩn đoán sớm viêm màng não mủ đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa nguy cơ để lại biến chứng, di chứng thần kinh cho trẻ. Do đó, khi cha mẹ phát hiện con có các biểu hiện gợi ý viêm màng não mủ ở trên thì cần đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức để được thăm khám, xác định chính xác bệnh lý. Đặc biệt, không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì điều này vừa không hiệu quả vừa làm cho các dấu hiệu bệnh trở nên không rõ ràng, gây khó khăn cho chẩn đoán và điều trị khi nhập viện.

Để bảo vệ bé khỏi viêm màng não mủ do Hib, cha mẹ cần lưu ý phát hiện sớm và điều trị dứt điểm các bệnh lý hô hấp trên, các bệnh nhiễm trùng vùng Tai-mũi-họng, thiết lập môi trường sống xung quanh lành mạnh, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đặc biệt là cho con bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời.

Bên cạnh đó, tiêm ngừa vắc-xin chống lại vi khuẩn Hib được xem là phương pháp tối ưu nhất để bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị nhiễm bệnh, vì loại vắc-xin này có hiệu lực lên đến 90%.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe