Thận bị viêm do lupus gây ra còn được gọi là bị viêm thận lupus, bệnh có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài cho người bệnh, từ những tổn thương lành tính không rõ nguyên nhân cho đến những tổn thương nghiêm trọng hơn, bao gồm suy thận. Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời giúp người bệnh tránh được bệnh diễn tiến nặng hơn.
1. Viêm thận lupus gồm mấy loại?
Theo WHO, người bị viêm thận lupus được chia thành 6 loại chính, được đánh số từ I đến VI.
- Loại I - Cầu thận bình thường (normal glomeruli): Người bệnh không có biểu hiện lâm sàng của bệnh thận, xét nghiệm nước tiểu và chức năng thận bình thường.
- Loại II – Viêm cầu thận trung mô lupus (mesangial lupus glomerulonephritis): Có khoảng 25-50% bệnh nhân có tiểm đạm lượng trung bình. Xuất hiện máu trong nước tiểu, có thể kèm với tiểu đạm lượng ít. Hiếm gặp hội chứng thận hư.
- Loại III – Viêm cầu thận lupus tăng sinh khu trú và từng phần (local and segmental proliferative lupus glomerulonephritis): Có khoảng 15-25% bệnh nhân suy giảm chức năng thận và khoảng 1⁄3 bệnh nhân có hội chứng thận hư.
- Loại IV – Viêm vi cầu thận lupus tăng sinh lan tỏa (diffuse proliferative lupus glomerulonephritis): Hơn 50% bệnh nhân có hội chứng thận hư, đi kèm theo đó là tình trạng suy giảm chức năng thận. Có đến 30% số bệnh nhân diễn tiến tới suy thận mạn giai đoạn cuối, vì vậy đây được coi là loại sang thương nặng nề nhất. Đặc biệt, nếu có sang thương liềm lan tỏa thì suy thận có thể tiến triển nhanh chóng. Một số trường hợp bị viêm cầu thận tàng sinh lan tỏa mà có rất ít biểu hiện lâm sàng, chỉ xác định được thông qua sinh thiết.
- Loại V – Viêm vi cầu thận màng lupus (membranous lupus glomerulonephritis): Hội chứng thận hư là biểu hiện lâm sàng thường gặp nhất, chiếm tới 90%. Tuy nhiên tình trạng này ít khi kèm theo suy giảm chức năng thận ( chỉ chiếm 10%). Tiên lượng người bệnh mắc lupus loại V tốt hơn loại IV.đa số biểu hiện lâm sàng là hội chứng thận hư (90%) nhưng ít khi kèm với suy giảm chức năng thận (10%). Nói chung tiên lượng tốt hơn so với loại IV.
- Loại VI – Xơ hóa cầu thận (advanced glomerulonephritis): thường gặp ở những bệnh nhân mắc viêm thận từ vài năm trước. Đây là giai đoạn trễ. Biểu hiện lâm sàng thường bao gồm suy thận, cao huyết áp, hội chứng thận hư.
2. Chẩn đoán viêm thận lupus
Nếu nghi ngờ bạn bị viêm thận lupus, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số xét nghiệm. Dấu hiệu thường gặp ở những bệnh nhân bị viêm thận lupus chính là xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc nước tiểu sủi bọt nhiều. Ngoài ra còn có thể xuất hiện tình trạng sưng ở bàn chân, cao huyết áp. Một số xét nghiệm nhằm chẩn đoán viêm thận lupus bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Xác định nồng độ các chất thải tăng cao, chẳng hạn như ure, creatinin. Đây là những sản phẩm được thận lọc ra.
- Xét nghiệm nước tiểu: Để đo chức năng thận. Xác định nồng độ của protein, bạch cầu và hồng cầu.
- Thu thập nước tiểu 24 giờ: Thực hiện xét nghiệm này nhằm đo khả năng lọc chất thải chọn lọc của thận. Xác định trong nước tiểu 24 giờ, có bao nhiêu protein xuất hiện.
- Xét nghiệm độ thanh thải Iothalamate: Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định được liệu thận của bạn có đang lọc hiệu quả hay không bằng cách sử dụng thuốc nhuộm tương phản. Tiêm Iothalamate phóng xạ vào máu, rồi kiểm tra xem bài tiết trong nước tiểu của bạn như thế nào. Để xác định được tốc độ lọc của thận, đây được coi là xét nghiệm chính xác nhất.
- Sinh thiết thận: Bác sĩ sẽ thực hiện loại bỏ một phần nhỏ mô thận để phân tích. Đây được coi là xét nghiệm chính xác nhất để chẩn đoán tình trạng viêm thận. Phương pháp này cũng giúp xác định được mức độ nghiêm trọng của bệnh. Đây cũng là cách xâm lấn duy nhất để chẩn đoán bệnh thận.
- Siêu âm: Tạo ra hình ảnh chi tiết của thận bằng cách sử dụng sóng âm. Phương pháp này giúp bác sĩ xác định được những bất thường về kích thước và hình dạng của thận.
3. Điều trị viêm thận lupus
Không có phương pháp điều trị triệt để viêm thận lupus. Mục đích của điều trị là nhằm:
- Giảm triệu chứng hoặc làm cho các triệu chứng biến mất (thuyên giảm)
- Tránh bệnh tiến triển nặng hơn
- Duy trì sự thuyên giảm
- Tránh tình trạng phải lọc máu hoặc ghép thận
Để điều trị viêm thận lupus, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện một số phương pháp sau, dựa vào tình trạng bệnh, bao gồm:
3.1 Phương pháp điều trị bảo tồn
Thay đổi chế độ ăn uống: Hạn chế lượng protein và muối trong chế độ ăn uống nhằm cải thiện chức năng thận
- Uống đủ nước tránh mất nước
- Tránh hút thuốc và uống rượu
- Thường xuyên luyện tập thể dục
- Duy trì huyết áp ổn định, khỏe mạnh
- Hạn chế cholesterol
Tuy nhiên, điều trị bảo tồn riêng lẻ không hiệu quả đối với bệnh nhân viêm thận lupus.
3.2 Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch
Đối với viêm thận lupus nặng, bạn có thể dùng thuốc làm chậm hoặc ngăn hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh, chẳng hạn như:
- Steroid, chẳng hạn như prednisone
- Cyclosporine
- Tacrolimus
- Cyclophosphamide
- Azathioprine (Imuran)
- Mycophenolate (CellCept)
- Rituximab (Rituxan)
Nếu tình trạng vẫn không thuyên giảm sau khi áp dụng các liệu pháp ức chế miễn dịch, có thể sử dụng một số loại thuốc khác, bao gồm:
- Corticosteroid: Những loại thuốc chống viêm mạnh có thể làm giảm viêm . Người bệnh nên dùng thuốc cho đến khi viêm thận lupus cải thiện. Bởi vì những loại thuốc này có thể gây ra một loạt các tác dụng phụ nghiêm trọng vì vậy người bệnh cần được theo dõi cẩn thận. Các bác sĩ thường giảm liều khi các triệu chứng bắt đầu cải thiện.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Những loại thuốc này có liên quan đến những loại được sử dụng để điều trị ung thư hoặc ngăn chặn sự đào thải của các cơ quan cấy ghép, ngăn chặn hoạt động của hệ thống miễn dịch gây hại cho thận. Bao gồm cyclophosphamide ( Cytoxan ), azathioprine ( Imuran ) và mycophenolate (Cellcept).
- Thuốc để ngăn ngừa cục máu đông hoặc hạ huyết áp nếu cần thiết: Ngay cả khi điều trị, bệnh có thể tiến triển và dẫn đến mất chức năng thận. Nếu cả hai thận đều bị ảnh hưởng, những người bị viêm thận lupus cần phải được lọc máu. Quá trình lọc máu thông qua một máy để loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể.
Với những bệnh nhân bị viêm thận lupus tiến triển thành suy thận, các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Lọc máu: Lọc máu giúp loại bỏ chất lỏng và chất thải ra khỏi cơ thể, duy trì sự cân bằng các khoáng chất trong máu và kiểm soát huyết áp.
- Cấy ghép thận: Bệnh nhân viêm thận lupus cần được ghép thận nếu thận không thể hoạt động được nữa, ngoài ra người bệnh cần sử dụng thêm một số loại thuốc để giúp cho hệ thống miễn dịch không từ chối thận được ghép.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, mayoclinic.org