Viêm họng hạt ở trẻ có nghiêm trọng?

Bệnh viêm họng hạt ở trẻ do nhiễm vi khuẩn Streptococcus nhóm A. Trẻ bị viêm họng hạt thường có biểu hiện sốt cao, đau họng cản trở khi ăn uống. Vì thế, cha mẹ cần nhận biết sớm các triệu chứng để đưa trẻ đến các trung tâm y tế thăm khám và điều trị.

1. Dấu hiệu trẻ bị viêm họng hạt

Viêm họng hạt ở trẻ là bệnh do vi khuẩn Streptococcus nhóm A (hay còn gọi là liên cầu khuẩn) gây ra. Bệnh thường xuất hiện vào cuối mùa thu đông, đầu mùa xuân và ở những trẻ trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và ở mọi lứa tuổi.

Trẻ bị viêm họng hạt có những biểu hiện sau:

  • Amidan trong họng sưng đỏ, xuất hiện các đốm trắng. Đây là dấu hiệu rõ ràng và phổ biến nhất của bệnh viêm họng hạt khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus nhóm A.
  • Sốt trên 38 độ C kèm ớn lạnh.
  • Các tuyến dưới hàm sưng tấy và đau nhức là dấu hiệu cảnh báo trẻ bị viêm họng hạt.
  • Trẻ có thể thấy khó nuốt, đau họng và đau đầu, hoặc đau bụng và nôn mửa.
  • Trong một số trường hợp, trẻ sẽ nổi ban đỏ khắp cơ thể (bệnh sẽ khỏi sau khi trẻ được điều trị nhiễm trùng liên cầu khuẩn bằng kháng sinh.)

Ở những trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bị nhiễm liên cầu khuẩn, trẻ có thể chỉ bị sốt và chảy nước mũi đặc hoặc có máu. Những biểu hiện khó chịu này khiến trẻ cáu kỉnh và biếng ăn. Trẻ bị viêm họng hạt có thể sưng hạch ở cổ. Thông thường, ở những trẻ mới biết đi, triệu chứng đau bụng gặp nhiều hơn đau họng. Ban đỏ có thể xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi.

Các triệu chứng nêu trên có thể xuất hiện với mức độ nhẹ hoặc nặng. Nếu trẻ bị viêm họng kèm theo cảm lạnh, sổ mũi thì có thể nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn thấp hơn.


Viêm họng hạt ở trẻ là bệnh do vi khuẩn Streptococcus nhóm A (hay còn gọi là liên cầu khuẩn) gây ra
Viêm họng hạt ở trẻ là bệnh do vi khuẩn Streptococcus nhóm A (hay còn gọi là liên cầu khuẩn) gây ra

2. Trẻ bị viêm họng hạt khi nào cần khám bác sĩ?

Nếu nghi ngờ trẻ bị viêm họng hạt do nhiễm liên cầu khuẩn với những dấu hiệu đã nêu ở trẻ, cha mẹ cần đưa trẻ thăm khám bác sĩ ngay để kịp thời điều trị bệnh bằng thuốc kháng sinh.

Khi tồn tại trong cơ thể, liên cầu khuẩn không chỉ gây đau ở họng mà còn có thể gây ra các tổn thương khác như áp xe cổ họng do túi dịch chứa bạch cầu hoặc mủ, có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ) hoặc gây sốt thấp khớp.

Mặc dù, biến chứng sốt thấp khớp ở trẻ bị viêm họng hạt hiếm khi xảy ra và không ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ, tuy nhiên chúng có thể gây đau khớp và những tổn thương ở van tim. Sốt thấp khớp là tình trạng hệ miễn dịch của trẻ tạo ra kháng thể để chống lại liên cầu khuẩn, tuy nhiên kháng thể này cũng tấn công những tế bào thận và tim bình thường khác. Thực tế, đã ghi nhận những trẻ bị sốt thấp khớp có thể bị những tổn thương ở tim suốt đời.

Nếu bác sĩ nghi ngờ trẻ bị viêm họng hạt do nhiễm liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành cấy dịch cổ họng để xác định chẩn đoán. Đây là thủ thuật đơn giản, diễn ra nhanh và không gây đau. Trẻ chỉ cần há miệng to, bác sĩ sẽ dùng tampon ngoáy họng, sau đó trẻ khép miệng lại.

Xét nghiệm kháng nguyên nhanh cũng có thể được thực hiện và cho kết quả phát hiện vi khuẩn chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, nếu kết quả quả âm tính vẫn chưa thể kết luận là trẻ không bị nhiễm liên cầu khuẩn. Vì vậy, mẫu xét nghiệm cần được gửi đến phòng thí nghiệm để nuôi cấy để chắc chắn xác định có phải trẻ bị viêm họng hạt do nhiễm liên cầu khuẩn không. Xét nghiệm này cần từ 1 - 2 ngày mới cho kết quả.

3. Điều trị và chăm sóc trẻ bị viêm họng hạt

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị viêm họng hạt ở trẻ. Để điều trị hiệu quả, trẻ cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Khi điều trị bằng kháng sinh, lưu ý quan trọng là không được dừng thuốc sau vài ngày khi các triệu chứng đã thuyên giảm, vì có thể tạo cơ hội để các vi khuẩn còn lại phát triển khả năng kháng thuốc và tập trung lại gây nhiễm trùng nặng hơn.

Ngoài ra, một số biện pháp chăm sóc dưới đây có thể khiến trẻ thoải mái và dễ chịu hơn khi trẻ bị viêm họng hạt:

  • Cho trẻ uống nước trái cây lạnh hoặc nước mát sẽ giúp giảm đau.
  • Nếu trẻ đủ lớn có thể cho súc miệng bằng nước muối ấm (pha nửa muỗng cà phê muối vào một ly nước ấm) để làm dịu cổ họng của trẻ. Tương tự, có thể cho trẻ uống nước ấm pha với trà hoặc mật ong (cần lưu ý không cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong vì có thể gây ngộ độc ở trẻ sơ sinh).
  • Nếu trẻ bị viêm họng hạt và đau nhiều, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau như acetaminophen và ibuprofen (nếu trẻ trên 6 tháng tuổi). Tuyệt đối không cho trẻ dùng aspirin vì có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye có khả năng gây tử vong cao.
  • Dùng máy phun hơi sương mát hoặc máy tạo ẩm trong phòng của trẻ để giúp làm dịu cổ họng của trẻ (khi sử dụng cần đảm bảo máy luôn sạch sẽ vì nếu bị bẩn sẽ làm lây lan vi trùng trong không khí).

Nếu trẻ bị viêm họng hạt và đau nhiều, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau
Nếu trẻ bị viêm họng hạt và đau nhiều, có thể cho trẻ dùng thuốc giảm đau

4. Viêm họng hạt ở trẻ lây lan như thế nào?

Vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây bệnh viêm họng hạt ở trẻ rất dễ lây truyền qua các giọt nhỏ trong không khí. Vi khuẩn có thể lây lan như sau:

  • Khi người nhiễm vi khuẩn ho hoặc hắt hơi, các giọt nhỏ có thể bám trên bề mặt của đồ chơi, tay nắm cửa và những vật thường dùng chung khác.
  • Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm vi khuẩn ho hoặc hắt hơi, hoặc với những đồ dùng bị vi khuẩn bám trên bề mặt. Sau đó, trẻ đưa tay có bám vi khuẩn lên miệng hoặc mũi. Sau tiếp xúc khoảng 2 - 5 ngày, các triệu chứng của bệnh bắt đầu xuất hiện.
  • Khi trẻ bị viêm họng hạt do nhiễm vi khuẩn Streptococcus nhóm A, cần giữ trẻ ở nhà cho đến khi các triệu chứng giảm dần và ít nhất 24 giờ sau khi trẻ bắt đầu dùng thuốc kháng sinh.
  • Hầu hết người lớn không có nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn, vì đã từng mắc bệnh và đã phát triển khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp xảy ra. Ngoài ra, người lớn có thể truyền vi khuẩn cho trẻ ngay cả khi bản thân không bị bệnh.
  • Người lớn chăm sóc trẻ bị viêm họng hạt do nhiễm liên cầu khuẩn cần chú ý thường xuyên rửa tay, thay áo quần và giặt ngay khăn lau mặt, khăn tắm và drap gối đã sử dụng.

Tuy nhiên, nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ và người mẹ bị nhiễm liên cầu khuẩn, có thể yên tâm tiếp tục cho con bú vì bệnh không truyền vi khuẩn sang con qua sữa mẹ.


Viêm họng hạt ở trẻ gây đau và khó chịu ở họng, thậm chí có thể phát ban và sốt cao
Viêm họng hạt ở trẻ gây đau và khó chịu ở họng, thậm chí có thể phát ban và sốt cao

5. Phòng ngừa viêm họng hạt ở trẻ

Vi khuẩn liên cầu có thể tồn tại trong cơ thể ở vùng cổ họng mà không phát triển các triệu chứng nào, vì vậy không có cách nào để hạn chế việc tiếp xúc với vi khuẩn. Để phòng ngừa viêm họng hạt ở trẻ cần chú ý các việc cần làm sau:

  • Rửa tay cho trẻ thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và chế biến thức ăn.
  • Tắm rửa cho trẻ sau khi về nhà từ trường học hoặc các nơi công cộng khác.
  • Nếu trong gia đình có người bị bệnh do liên cầu khuẩn, chú ý không được dùng chung đồ dùng cá nhân như bình nước, cốc, bàn chải đánh răng hoặc đồ chơi.
  • Trẻ bị viêm họng hạt sốt cao, sau khi hết sốt nên thay bàn chải đánh răng của trẻ để ngăn ngừa tái nhiễm.

Viêm họng hạt ở trẻ gây đau và khó chịu ở họng, thậm chí có thể phát ban và sốt cao. Bệnh cần được điều trị bằng kháng sinh. Vì vậy, ngay khi có biểu hiện và nghi ngờ trẻ bị bệnh do nhiễm vi khuẩn, cha mẹ cần đưa trẻ thăm khám bác sĩ sớm để được điều trị, tránh nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý hô hấp mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phổi ở trẻ, viêm họng....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline để được hỗ trợ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe