Viêm gan siêu vi: 8 cách để bảo vệ gia đình bạn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc xin – Khoa Ngoại trú Nhi, Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Viêm gan siêu vi là một căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Nếu không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe, bao gồm xơ gan và ung thư gan, thậm chí là tử vong.

1. Tổng quan về viêm gan siêu vi

Việc tiêm vắc-xin phòng viêm gan giúp cho tỷ lệ mắc bệnh viêm gan A,B và một số bệnh gan khác giảm tới 90% trong 20 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một bộ phận không nhỏ chưa được tiêm vắc-xin phòng viêm gan, do đó nguy cơ mắc bệnh vẫn rất cao.

Các nhà khoa học đã xác định được một số loại virus gây viêm gan siêu vi, bao gồm virus viêm gan A, B, C, D và E. Chúng có thể gây ra các triệu chứng điển hình như chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, sốt, đau bụng, đau khớp, nước tiểu màu nâu, vàng da hoặc vàng mắt. Đối với những người bị mắc viêm gan A có khả năng hồi phục nhanh chóng chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng. Trái lại, viêm gan B và C có thể gây nhiễm trùng mãn tính, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan, thậm chí là tử vong. Hơn nữa, những loại virus này đều có những đặc tính lây truyền riêng biệt từ người sang người. Cụ thể là:

1.1. Viêm gan A

Viêm gan A là một bệnh gây ra bởi virus viêm gan A. Bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác do ăn uống thức ăn, nguồn nước hay tiếp xúc với đồ vật có nhiễm phân của người bệnh.

1.2. Viêm gan B

Virus viêm gan B (HBV) được tìm thấy trong máu, dịch tiết âm đạo, tinh dịch và một số chất dịch khác của cơ thể ở những người bị mắc bệnh. Sự nhiễm trùng sẽ xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với các dịch mang virus này thông qua các hoạt động quan hệ tình dục không lành mạnh, tiếp xúc với máu và dịch thể của người bị mắc bệnh viêm gan B hoặc lây truyền từ mẹ sang con. Theo thống kê, có tới 25% những người bị nhiễm HBV mạn tính tử vong vì bệnh gan.

1.3. Viêm gan siêu vi C

Virus viêm gan C (HCV) thường xuất hiện trong máu của những người bị bệnh. Virus lây truyền từ người nhiễm HCV sang người lành qua 3 đường: đường máu, đường tình dục và truyền từ mẹ sang con. Trong đó, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan C theo đường máu thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới 85% những người bị nhiễm HCV bị nhiễm viêm gan C mãn tính, 5-20% phát triển thành xơ gan, 1-5% chết vì xơ gan hoặc ung thư gan và có đến 25% bệnh nhân ung thư gan có nguyên nhân cơ bản là do viêm gan C.

2. Các cách giúp ngăn ngừa bệnh viêm gan siêu vi

Dưới đây là tám lời khuyên hữu ích giúp bạn và gia đình ngăn ngừa bệnh viêm gan siêu vi.

2.1. Tiêm vắc-xin ngừa viêm gan

Các loại vắc-xin viêm gan A và B có thể mang lại hiệu quả cao trong việc phòng bệnh. Những loại vắc-xin này thường được sử dụng dưới dạng riêng biệt hoặc kết hợp với nhau. Hiện nay, vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh viêm gan C.

2.2. Thường xuyên rửa tay

Để ngăn ngừa sự lây nhiễm viêm gan, các thành viên trong gia đình nên rửa tay kỹ lưỡng sau khi sử dụng chung phòng tắm (hoặc thay tã cho trẻ) và trước khi chế biến thực phẩm hay ăn uống. Bạn nên rửa tay với xà phòng, nước sạch, hoặc các chất khử trùng tay có cồn để loại bỏ các loại vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể.


Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm viêm gan
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng giúp ngăn ngừa sự lây nhiễm viêm gan

2.3. Cẩn thận khi tiếp xúc với máu của người khác

Thật khó để biết được một người có bị nhiễm viêm gan hay không nếu chỉ qua quan sát thông thường, bởi vì người bệnh hoàn toàn không có các biểu hiện hay triệu chứng cụ thể. Vì vậy, bạn hãy cẩn thận khi tiếp xúc với máu và dịch thể của người khác để phòng tránh việc lây truyền viêm gan B và C. Trong trường hợp bắt buộc phải sơ cứu cho người khác, nếu tiếp xúc với máu của họ, bạn hãy rửa sạch chúng càng sớm càng tốt.

2.4. Thận trọng với kim tiêm

Nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan sẽ rất cao nếu bạn tiếp xúc với các loại kim tiêm hoặc dụng cụ được sử dụng để tạo hình xăm hay xỏ khuyên có nhiễm virus. Vì vậy, bạn hãy cảnh giác khi tiếp xúc với những vật dụng này. Trong trường hợp bạn thực sự muốn xăm mình hay xỏ khuyên, hãy tìm đến một cơ sở có uy tín và đáng tin cậy.

2.5. Biết khi nào nên chia sẻ và khi nào không?

Chia sẻ đồ dùng là một hành động đẹp, tuy nhiên bạn không nên dùng chung vật dụng cá nhân với người khác, bao gồm đồ chơi, bàn chải đánh răng, dao cạo râu, giũa móng tay, thiết bị y tế và kim tiêm. Những đồ vật này có thể chứa vết máu có virus viêm gan của chủ sở hữu, và từ đó lây truyền bệnh sang cho người cùng sử dụng. Ngoài ra, nếu bị viêm gan B hoặc C, bạn tuyệt đối không nên hiến máu, mô, hoặc nội tạng cho người khác để tránh lây nhiễm virus.

2.6. Quan hệ tình dục lành mạnh

Hầu hết các virus viêm gan chính đều lây nhiễm thông qua con đường tình dục. Do đó, để ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh, bạn nên sử dụng bao cao su trong những lần quan hệ tình dục với bạn bạn tình.

Hơn nữa, bất kỳ hành vi tình dục nào có khả năng gây chấn thương, bao gồm quan hệ tình dục qua đường hậu môn, và quan hệ tình dục thô bạo cùng làm tăng nguy cơ lây truyền HCV và HBV. Ngoài ra, nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan cũng tăng lên phụ thuộc vào số lượng bạn tình của mỗi người.

2.7. Đảm bảo an toàn thực phẩm

Ngay cả khi bạn và các thành viên trong gia đình vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh thì nguy cơ lây nhiễm virus viêm gan vẫn có thể xảy ra từ những thực phẩm được chế biến chưa đảm bảo độ an toàn khi sử dụng. Nhìn chung, các loại thực phẩm như trái cây tươi, rau, salad, bánh mì hoặc đồ ăn chưa được nấu chín sẽ có khả năng truyền bệnh viêm gan A cao hơn những thực phẩm đã được nấu chín. Bên cạnh đó, các loại động vật có vỏ được thu hoạch từ vùng nước bị ô nhiễm, bao gồm nghêu, hến, sò và tôm cũng cần được chế biến cẩn thận trước khi ăn để ngăn ngừa rủi ro nhiễm bệnh.

2.8. Tìm hiểu về tiền sử y tế của gia đình

Viêm gan siêu vi thường xuất hiện chủ yếu ở một số nơi, bao gồm Đông Âu, châu Phi cận Sahara, Trung Đông, lưu vực sông Amazon và châu Á. Nếu người thân trong gia đình bạn sinh ra tại những vùng này, hãy khuyến nghị họ thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh viêm gan. Bất cứ người nào trong gia đình bị phát hiện nhiễm bệnh, tất cả các thành viên còn lại nên đi xét nghiệm sàng lọc để chẩn đoán, cũng như ngăn ngừa bệnh viêm gan siêu vi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe