Thay vì lo lắng viêm gan B mạn tính có nguy hiểm không, bệnh nhân nên tập trung vào việc tìm đến sự trợ giúp từ bác sĩ để được tư vấn các phương pháp điều trị thích hợp, giúp giảm bớt nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tự trang bị đầy đủ kiến thức phòng ngừa bệnh viêm gan B cho bản thân và người thân trong gia đình.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm gan B mạn tính là gì?
Viêm gan B mạn tính được xác định ở những người có kết quả xét nghiệm máu dương tính với virus viêm gan B trong hơn sáu tháng (tính từ thời điểm có kết quả xét nghiệm lần đầu tiên). Điều này cho thấy hệ miễn dịch của cơ thể người bệnh không tiêu diệt được virus viêm gan B nên virus vẫn lưu trú trong máu và gan của họ.
Độ tuổi tiếp xúc với virus viêm gan B lần đầu tiên là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiến triển thành viêm gan B mãn tính:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Khoảng 90% trẻ em bị nhiễm virus viêm gan B trong giai đoạn này sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn tính khi trưởng thành.
- Trẻ em từ 1 đến 5 tuổi: Hơn 50% trẻ em bị nhiễm bệnh trong độ tuổi này cũng có nguy cơ mắc viêm gan B mạn tính khi lớn lên.
- Chỉ có 5-10% người lớn bị nhiễm virus viêm gan B tiến triển thành dạng mãn tính. Điều này có nghĩa là 90-95% người trưởng thành có khả năng tự khỏi bệnh.
Thay vì hoang mang về viêm gan B mạn tính có nguy hiểm không, việc chủ động tìm đến bác sĩ để được tư vấn các phương pháp điều trị tích cực sẽ mang lại hiệu quả cải thiện tiên lượng bệnh trong tương lai.
2. Viêm gan B mạn tính có nguy hiểm không?
Theo thống kê, hơn 1 triệu người trên thế giới, trong đó có ít nhất 5.000 người tại Hoa Kỳ, tử vong mỗi năm do biến chứng từ viêm gan B mãn tính.
2.1 Các yếu tố tiên lượng khả quan
Đối với bệnh nhân viêm gan B mạn tính, việc xóa bỏ được kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg) và không phát hiện DNA của Virus viêm gan B (HBV) qua các xét nghiệm máu mang lại nhiều lợi ích lâm sàng đáng kể, bao gồm:
- Chậm tốc độ tiến triển biến chứng.
- Bệnh nhân có thể sống lâu hơn mà không gặp biến chứng.
- Nguy cơ mắc ung thư gan và xơ gan sẽ giảm thiểu rõ rệt.
- Các triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm sinh hóa của bệnh nhân sẽ được cải thiện, đặc biệt ở những người đã bị xơ gan mất bù.
2.2 Ung thư biểu mô tế bào gan
Nguy cơ ung thư gan là lý do chính khiến nhiều người băn khoăn về viêm gan B mạn tính có nguy hiểm không.
Viêm gan B mãn tính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư biểu mô tế bào gan, chiếm đến 50% các trường hợp trên toàn cầu. Theo các nghiên cứu, nồng độ DNA virus viêm gan B (HBV DNA) - thước đo sự nhân lên của virus - là yếu tố dự báo nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan, bất kể các yếu tố virus khác như thế nào.
Ngoài những yếu tố đã đề cập, một số yếu tố sau đây cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư gan đáng kể:
- Nguy cơ mắc ung thư gan tăng cao theo độ tuổi.
- Tiếp xúc với aflatoxin.
- Đồng thời nhiễm viêm gan C và D.
- Hệ miễn dịch yếu.
- Lạm dụng rượu bia.
- Kiểu gen.
- Đột biến lõi và tiền lõi.
- Xơ gan.
- Giảm tiểu cầu.
2.3 Viêm cầu thận
Viêm cầu thận là biến chứng có thể gặp ở bệnh nhân viêm gan B mạn tính. Tuy nhiên, tiên lượng của biến chứng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, khả năng đáp ứng điều trị,... Cụ thể, trẻ em thường có tiên lượng tốt hơn người lớn, người da trắng có tiên lượng tốt hơn người da đen và châu Á.
Mặc dù 30-60% bệnh nhân mắc bệnh thận do viêm gan B có thể tự hồi phục. Tuy nhiên, ở những khu vực lưu hành virus cao, diễn biến bệnh thận ở người lớn có thể trở nên nghiêm trọng. Viêm gan B tiến triển âm ỉ theo thời gian, bất kể áp dụng phương pháp điều trị nào. Điều đáng lo ngại là 1/3 số bệnh nhân mắc suy thận tiến triển và cần lọc máu duy trì suốt đời.
3. Tỷ lệ viêm gan B cấp tính tiến triển thành viêm gan B mạn tính
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), có hơn 800.000 người tại Mỹ đang mang trong mình căn bệnh viêm gan B mạn tính. Con số này trên toàn cầu lên đến 296 triệu người, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2019. Mỗi năm, có thêm 1,5 triệu ca nhiễm mới được ghi nhận.
Ngoài ra, hơn 10% dân số Việt Nam đang mang trong mình virus viêm gan B mạn tính. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Có khoảng 5-10% người lớn mắc bệnh viêm gan B cấp tính tiến triển thành mạn tính, con số này lên đến 25-50% ở trẻ nhỏ và 90% ở trẻ sơ sinh.
4. Viêm gan B mạn tính có chữa được không?
Việc nhận kết quả chẩn đoán bản thân mắc viêm gan B mãn tính có thể gây khó chịu cho nhiều người vì bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng và có thể phát hiện sau hàng chục năm kể từ khi người bệnh tiếp xúc lần đầu với virus.
Tuy nhiên, bệnh nhân cần giữ bình tĩnh và không nên quá lo lắng rằng viêm gan B mạn tính có chữa được không. Hiện nay, hầu hết người mắc bệnh hoàn toàn có thể chung sống với bệnh nếu được theo dõi và điều trị đúng cách.
Ngày nay đã có nhiều phương pháp điều trị bằng thuốc hiệu quả giúp kiểm soát và ngăn chặn virus gây hại cho gan. Các nhà khoa học cũng đang tích cực nghiên cứu và phát triển những loại thuốc mới đầy hứa hẹn, mang đến phương pháp đầy tiềm năng chữa khỏi bệnh hoàn toàn trong tương lai gần.
Việc điều trị viêm gan B mãn tính có liên quan đến bệnh viêm gan tự miễn thường bao gồm corticosteroid kết hợp với azathioprine (thuốc ức chế miễn dịch). Tuy nhiên, việc sử dụng corticosteroid lâu dài có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định liều corticosteroid giảm dần để người bệnh có thể ngừng sử dụng thuốc này mà vẫn duy trì hiệu quả điều trị bằng azathioprine.
Người bệnh viêm gan B mạn tính vẫn có nguy cơ cao gặp biến chứng gan nghiêm trọng hoặc ung thư gan so với người không nhiễm bệnh. Tuy nhiên, việc chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa đơn giản đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro xuất hiện các biến chứng này:
- Mọi người nên chủ động lên lịch khám định kỳ 6 tháng một lần (hoặc ít nhất mỗi năm một lần) với bác sĩ chuyên khoa gan. Trong buổi khám, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm máu hoặc chẩn đoán hình ảnh để theo dõi sức khoẻ của gan.
- Việc tham khảo ý kiến bác sĩ về phương án điều trị viêm gan B là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như bệnh gan nặng hay ung thư gan. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải ai cũng phù hợp để chỉ định điều trị, do vậy theo dõi sức khỏe định kỳ là điều cần thiết cho tất cả bệnh nhân viêm gan B mạn tính.
- Tham gia sàng lọc ung thư gan khi khám định kỳ giúp phát hiện bệnh từ sớm, mở ra nhiều lựa chọn điều trị hiệu quả và kéo dài thời gian sống.
- Hãy hạn chế hoặc cai rượu bia và thuốc lá vì hai thói quen này có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.
- Hãy hạn chế thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ và ưu tiên chế độ ăn giàu rau củ.
Viêm gan B mãn tính là bệnh lý nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thay vì lo lắng về viêm gan B mạn tính có nguy hiểm không, người bệnh cần được trang bị kiến thức đầy đủ về bệnh, đặc biệt là nguy cơ lây truyền qua đường máu để phòng ngừa lây nhiễm cho người khác. Việc kiểm tra sức khỏe cho các thành viên trong gia đình cũng rất quan trọng, song song đó, tiêm chủng vẫn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.