Viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan là tình trạng viêm tại dạ dày, ruột non, đại tràng và trực tràng, đặc trưng bởi sự thâm nhiễm của bạch cầu ái toan vào các mô niêm mạc của các cơ quan này. Việc hiểu rõ cơ chế bệnh sinh và nhận diện các dấu hiệu lâm sàng của bệnh là rất quan trọng để nâng cao hiệu quả trong việc chẩn đoán và điều trị.
Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
1. Tổng quan về bệnh viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan
Viêm đường tiêu hóa tăng bạch cầu ái toan là một tình trạng hiếm gặp và đặc biệt, đặc trưng bởi sự thâm nhiễm bạch cầu ái toan vào các mô của đường tiêu hóa, có thể theo kiểu thâm nhiễm từng mảng (patchy) hoặc lan tỏa rộng rãi. Bệnh được mô tả lần đầu tiên bởi tác giả Kaijser vào năm 1937. Mỗi trường hợp bệnh có các tổn thương riêng biệt, tùy thuộc vào vị trí, mức độ nông sâu của tổn thương và diện tích bị ảnh hưởng của ruột, bệnh thường có xu hướng tái phát mạn tính.
Bệnh có thể được phân loại thành ba thể dựa vào độ sâu của tổn thương: thể niêm mạc (mucosal), thể cơ (muscular) và thể thanh mạc (serosal). Các báo cáo đều ghi nhận bệnh có thể ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong hệ tiêu hóa, từ thực quản đến đại tràng, trong đó dạ dày là cơ quan bị ảnh hưởng nhiều nhất, tiếp theo là ruột non và đại tràng.
Viêm dạ dày ruột tăng bạch cầu ái toan (hay còn gọi là Eosinophilic Gastroenteritis - EG) là một dạng bệnh thuộc nhóm các các rối loạn dạ dày ruột có eosin (Eosinophilic Gastrointestinal Disorders - EGIDs), bao gồm các bệnh lý như viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan (eosinophilic esophagitis), viêm dạ dày, viêm ruột, viêm đại tràng tăng bạch cầu ái toan (eosinophilic gastritis, enteritis và colitis).

2. Viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan được tìm ra như thế nào?
Khái niệm về viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan lần đầu tiên được mô tả vào năm 1937 bởi tác giả Kaijser. Tuy nhiên, phải đến năm 1961, Ureles và cộng sự mới phân loại bệnh này thành hai thể: thể lan tỏa và thể khu trú, trong đó thể khu trú tạo thành các u hạt. Đến năm 1970, Klein và cộng sự đã chia bệnh lý này thành ba thể, dựa vào mức độ thâm nhiễm của bạch cầu ái toan, bao gồm thể niêm mạc, thể cơ và thể thanh mạc.
Vào năm 1985, Oyaizu và cộng sự đã phát hiện bằng chứng khẳng định vai trò của IgE và cơ chế thông qua các tế bào mast trong quá trình bệnh sinh của viêm dạ dày ruột do tăng bạch cầu ái toan. Sau đó, các nghiên cứu hàng loạt ca bệnh và nghiên cứu theo dõi dọc đã cung cấp thêm nhiều kiến thức quan trọng về triệu chứng lâm sàng, mô bệnh học, điều trị và diễn biến của căn bệnh hiếm gặp này.
3. Viêm dạ dày ruột do tăng bạch cầu ái toan được hình thành như thế nào?
Bạch cầu ái toan đóng vai trò chủ yếu trong cơ chế bệnh sinh của viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan. Các tế bào này có đặc điểm bắt màu với eosin và tham gia vào phản ứng viêm. Quá trình hình thành bạch cầu ái toan bắt đầu từ tủy xương, nơi các tế bào này trưởng thành và biệt hóa dưới sự tác động của các yếu tố dịch mã như GATA-1, GATA-2 và C/EBP. Những yếu tố này tác động đến các yếu tố tăng trưởng bạch cầu ái toan như IL-3, IL-5 và GM-CSF.
Bạch cầu ái toan trong tủy xương sẽ tồn tại khoảng 8 ngày trước khi vào tuần hoàn ngoại vi, chiếm tỷ lệ từ 1-3% trong máu. Sau khoảng 8 đến 12 giờ, các tế bào này sẽ tập trung tại thành ống tiêu hóa.
IL-5 là yếu tố trung gian hóa học chủ yếu kích hoạt bạch cầu ái toan. Các nghiên cứu thực nghiệm trên động vật cho thấy khi IL-5 tăng sinh sẽ dẫn đến tăng bạch cầu ái toan trong máu ngoại vi. Ngược lại, khi gen mã hóa IL-5 bị bất hoạt, số lượng bạch cầu ái toan trong đường tiêu hóa và đường hô hấp sẽ giảm sau khi tiếp xúc với dị nguyên.
Quá trình di chuyển của bạch cầu ái toan từ máu vào các mô bị thâm nhiễm được điều hòa bởi các chemoking, bao gồm eotaxin-1, eotaxin-2 và eotaxin-3. Eotaxin-1 có vai trò quan trọng trong việc thu hút và kích thích bạch cầu ái toan di chuyển đến các khu vực viêm. Các thí nghiệm trên chuột cho thấy, khi thiếu hụt eotaxin-1, khả năng tập trung bạch cầu ái toan tại đường tiêu hóa bị giảm rõ rệt.
Bạch cầu ái toan (BCAT) được thu hút và tập trung tại các khu vực tổn thương không đặc hiệu, khi có sự tiếp xúc với kháng nguyên hoặc trong trường hợp nhiễm trùng. Khi bạch cầu ái toan được kích hoạt, chúng sẽ giải phóng các hạt chứa bên trong tế bào và sản xuất một số loại cytokine như peroxidase BCAT (eosinophil peroxidase), chất độc thần kinh nguồn gốc từ BCAT (eosinophil-derived neurotoxin - EDN), protein ECP và protein cơ bản (major basic protein - MBP). Các chất này có tác dụng gây độc đối với tế bào biểu mô, kích thích tế bào mast và bạch cầu ưa bazơ giải phóng các hạt bên trong tế bào, đồng thời kích hoạt các thụ thể muscarinic M2 tại ruột.

Ngoài ra, một số chất trung gian hóa học khác do bạch cầu ái toan sản xuất, chẳng hạn như leukotriene, có tác dụng co cơ trơn, tăng tính thẩm thấu của mạch máu và kích thích bài tiết chất nhầy. Các cytokine như IL-1, IL-3, IL-4, IL-5, IL-6, IL-8, GM-CSF, TGF-β3/8, TNF và eotaxin cũng tham gia vào quá trình khởi phát viêm. Đặc biệt, TGF-β đã được chứng minh là có liên quan đến quá trình phát triển tế bào biểu mô, tái cấu trúc mô và hình thành xơ hóa.
Eosinophil peroxidase (EPO) có khả năng tạo ra một lượng lớn hydrogen peroxide và acid halide, góp phần gây tổn thương mô. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự lắng đọng của các cytokine như MBP và ECP tại vùng ngoại bào niêm mạc ruột non trong viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan. Các mẫu sinh thiết từ tá tràng của bệnh nhân cũng cho thấy sự biến đổi cấu trúc của bạch cầu ái toan, bao gồm việc tăng giải phóng hạt trong tế bào và các chất trung gian hóa học.
4. Phân loại viêm dạ dày ruột do tăng bạch cầu ái toan
Bệnh có thể được phân loại theo vị trí tổn thương, tức là nơi bạch cầu ái toan xâm nhập vào các mô tiêu hóa. Các thể bệnh gồm:
- Viêm dạ dày do bạch cầu ái toan
- Viêm ruột non do bạch cầu ái toan
- Viêm dạ dày - ruột non do bạch cầu ái toan
- Viêm đại tràng do bạch cầu ái toan
- Viêm trực tràng do bạch cầu ái toan
Đối với viêm đại tràng do bạch cầu ái toan, nếu tổn thương chỉ ở lớp niêm mạc, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như kém hấp thu, tiêu chảy và mất protein. Các thể bệnh xuyên thành sẽ dẫn đến dày thành đại tràng và có thể gây ra triệu chứng tắc ruột. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các vấn đề quanh ống hậu môn, rối loạn thần kinh tạng hoặc bán tắc ruột mạn tính.
Viêm đại trực tràng do bạch cầu ái toan thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ còn trong giai đoạn bú sữa mẹ, uống sữa bò hoặc các loại sữa công thức có nguồn gốc từ đậu nành. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện vào khoảng 2 tháng tuổi, bao gồm tiêu chảy mạn tính với phân nhầy có máu. Nội soi có thể phát hiện tổn thương từng vùng, dạng phù nề, xung huyết hoặc có các nang lympho. Mô bệnh học cho thấy có sự thâm nhiễm bạch cầu ái toan và tế bào plasma ở lớp màng đệm của biểu mô. Triệu chứng lâm sàng và hình ảnh mô bệnh học có thể cải thiện khi áp dụng chế độ ăn loại trừ sữa hoặc chuyển sang chế độ ăn công thức.

Viêm dạ dày ruột do tăng bạch cầu ái toan, mặc dù trước đây được coi là bệnh hiếm gặp, nhưng hiện nay ngày càng phổ biến hơn. Đây là tình trạng xâm nhập bất thường của bạch cầu ái toan vào niêm mạc dạ dày, ruột non và đại trực tràng, gây ảnh hưởng đến chức năng và cấu trúc của các cơ quan này. Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý viêm dạ dày ruột khác. Do đó, bệnh nhân có triệu chứng về đường tiêu hóa nên đến khám tại các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị viêm dạ dày ruột do bạch cầu ái toan tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
1. Kaijser R (1937). Allergic diseases of the gut from the point of view of the surgeon. Arch Klin Chir, 188,36-64.
2. Ureles A. L., Alschibaja T., Lodico D. và cộng sự (1961). Idiopathic eosinophilic infiltration of the gastrointestinal tract, diffuse and circumscribed; a proposed classification and review of the literature, with two additional cases. Am J Med, 30,899-909.
3. Klein N. C., Hargrove R. L., Sleisenger M. H. và cộng sự (1970). Eosinophilic gastroenteritis. Medicine (Baltimore), 49(4), 299-319.
4. Oyaizu N., Uemura Y., Izumi H, và cộng sự (1985). Eosinophilic gastroenteritis. Immunohistochemical evidence for IgE mast cell- mediated allergy. Acta Pathol Jpn, 35(3), 759-766.
5. Talley N, J., Shorter R. G., Phillips S. F. và cộng sự (1990). Eosinophilic gastroenteritis: a clinicopathological study of patients with disease of the mucosa, muscle layer, and subserosal tissues. Gut, 31(1),54-58.
XEM THÊM