Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Viêm amidan đáy lưỡi là một trong những bệnh lý đường hấp trên, gây ra bởi sự tấn công của các tác nhân gây bệnh vào tổ chức amidan đáy lưỡi dẫn tới phản ứng viêm.
1. Viêm amidan đáy lưỡi là gì?
Amidan là tổ chức hạch bạch huyết có tác dụng đáp ứng miễn dịch tại chỗ với các tác nhân gây bệnh, tránh các tác nhân gây bệnh này phát triển gây viêm nhiễm đường hô hấp. Tổ chức amidan ở khu vực hầu họng phát triển thành một vòng kín, gọi là vòng Waldeyer. Amidan đáy lưỡi là một trong những amidan nằm trong vòng bạch huyết này, tuy nhiên ít khi được nhắc đến.
Viêm amidan đáy lưỡi là để chỉ những tổ chức hạt lympho ở vùng đáy lưỡi bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh gây ra tình trạng viêm nhiễm.
2. Triệu chứng viêm amidan đáy lưỡi
Khi bị viêm amidan đáy lưỡi, người bệnh thường có các biểu hiện sau:
- Triệu chứng điển hình nhất của viêm amidan đáy lưỡi là bệnh nhân có cảm giác đau khi nuốt nước bọt, hay đồ ăn uống, luôn có cảm giác như có dị vật vướng ở cổ họng rất khó chịu và nhiều khi bệnh nhân cảm thấy khó phát âm. Kèm theo lưỡi bẩn, nhiều rêu lưỡi, có màu trắng bệch.
- Tính chất của đau: Đau lan ra vùng sau tai, tăng lên khi người bệnh ho khan, lúc nuốt thức ăn hay nước bọt, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ăn uống và giao tiếp sinh hoạt thường ngày.
- Sốt: người bệnh có thể bị sốt nhẹ trong thời gian bị viêm cấp.
- Vùng họng cạnh amidan, đáy lưỡi có biểu hiện nóng, sưng đỏ, khô rát hơn so với ngày thường.
- Nếu nguyên nhân bệnh do virus gây ra, thì bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như viêm kết mạc, chảy nước mũi...
- Khi viêm amidan đáy lưỡi người bệnh thường có dấu hiệu thở khò khè.
- Nếu viêm amidan đáy lưỡi vi khuẩn gây ra: Thì amidan thường sưng to, nhận thấy bề mặt họng có chấm nhỏ như mủ hoặc màu trắng, hạch ở góc hàm bị sưng đau, có thể sốt, người mệt mỏi, đau họng...
- Bệnh sẽ nhanh chóng sang các vùng khác như thanh quản, phế quản, khí quản...gây ra viêm thanh-phế-khí quản, dẫn đến các biểu hiện như sốt, ho, ho có đờm, có cảm giác khàn tiếng, tăng tiết dịch nhầy, đau tức ngực và khó chịu trong người.
- Các dấu hiệu khác: người bệnh thường mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, hơi thở có mùi hôi...
3. Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan đáy lưỡi
Cũng giống như viêm các amidan khác trong vòng waldeyer thì tác nhân gây bệnh cho amidan đáy lưỡi bao gồm:
- Do virus: Các virus gây bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên đều có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm amidan đáy lưỡi, chúng xâm nhập vào đường hô hấp qua tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh hay qua đường ăn uống. Virus hay gây ra tình trạng này nhât là virus epstein-barr.
- Do vi khuẩn: Chủng vi khuẩn hay gây viêm amidan đáy lưỡi nhất là liên cầu khuẩn nhóm A, ngoài ra các vi khuẩn khác có thể gây viêm nhiễm vùng hầu họng đều có thể là tác nhân gây viêm amidan đáy lưỡi như lậu cầu, chlamydia...
- Do nấm: Nấm cũng là nguyên nhân dẫn tới viêm nhiễm tại tổ chức amidan này.
- Nguyên nhân dẫn đến sự tấn công của vi sinh vật
- Vệ sinh răng miệng kém, vi khuẩn phát triển và gây bệnh.
- Tiếp xúc với những người mắc bệnh lý đường hô hấp mà không có biện pháp phòng ngừa lây lan.
- Lây lan từ các ô nhiễm khác trên đường hô hấp trên như: Viêm mũi xoang, viêm họng mạn...
- Sức đề kháng suy giảm: Người có sức đề kháng yếu dễ bị sự tấn công gây bệnh của các tác nhân gây bệnh.
- Thời tiết thay đổi: Khi thời tiết thay đổi, các vi sinh vật phát triển tốt và tấn công cơ thể.
4. Điều trị viêm amidan đáy lưỡi
Việc điều trị viêm amidan đáy lưỡi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và những biểu hiện của người bệnh. Gồm phương pháp điều trị nội khoa và ngoại khoa.
4.1 Điều trị nội khoa
Được chỉ định điều trị viêm amidan đáy lưỡi cấp tính.
- Điều trị triệu chứng: Tùy vào triệu chứng của người bệnh để sử dụng một số loại thuốc như thuốc giảm đau, chống viêm, hạ sốt, chống phù nề. Nếu ho có đờm cần uống thuốc long đờm, chống viêm.
- Nếu nguyên nhân do vi khuẩn: Cần điều trị bằng kháng sinh, kháng sinh được dùng bằng đường uống, có thể kết hợp hoặc đơn độc dùng tại chỗ bằng các loại thuốc bôi, ngậm.
- Nếu nguyên nhân do vi nấm: Cần dùng các loại thuốc kháng nấm.
- Chế độ chăm sóc: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, uống đủ nước, súc miệng và họng thường xuyên bằng nước muối sinh lý, vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
4.2 Điều trị ngoại khoa
Được chỉ định khi:
- Khi tình trạng viêm amidan tái phát nhiều lần trong năm từ 5-6 lần.
- Tổ chức amidan đáy lưỡi sưng to, gây cản trở đường thở, gây hội chứng ngưng thở khi ngủ, thiếu cung cấp oxy cho cơ thể.
- Điều trị nội khoa không đáp ứng.
- Gây biến chứng lây lan tới các cơ quan lân cận như: Viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm đường hô hấp dưới...
Các biện pháp phẫu thuật bao gồm: Tuy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân mà có phương pháp phẫu thuật phù hợp:
- Bóc tách bằng dao, kéo và thòng lọng: Ưu điểm là vết mổ lành, nhưng có nhược điểm là chảy máu.
- Cắt amidan đáy lưỡi bằng dụng cụ Sluder – Ballenger: Phương pháp này nay ít dùng do vết mổ xấu và bác sĩ phải có kinh nghiệm điều trị.
- Phương pháp Coblator: Ưu điểm là ít tổn thương mô xung quanh, nhanh lành vết thương, chảy máu ít. Nhược điểm là giá thành cao.
5. Cách phòng tránh bệnh viêm amidan đáy lưỡi
Để phòng bệnh viêm amidan đáy lưỡi bằng các biện pháp sau:
- Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, không nên ăn đồ ăn cay nóng, chứa chất kích thích, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia. Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng.
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể.
- Vệ sinh răng miệng hàng ngày, thường xuyên súc miệng họng bằng nước muối sinh lý.
- Điều trị khi mắc các bệnh về răng miệng, bệnh mũi, họng để ngăn ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến amidan vùng lưỡi.
Bệnh viêm amidan đáy lưỡi cũng có thể gây ra một số những biến chứng nguy hiểm tùy vào tác nhân gây bệnh. Nên khi có dấu hiệu bệnh cần điều trị sớm và đúng cách để tránh những biến chứng gây ra.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec thăm khám và điều trị các bệnh lý viêm mũi họng thông thường, các khối u vùng đầu mặt cổ, dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp nội - ngoại khoa tối ưu nhất cho bệnh nhân, cả trẻ em và người lớn. Đến với Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ nhận được sự thăm khám trực tiếp, tận tình và chuyên nghiệp từ đội ngũ cán bộ y tế giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.