Vì sao xét nghiệm nước tiểu có bạch cầu cao?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Bạch cầu là thành phần rất quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể người, giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại từ bên ngoài và ngăn ngừa truyền nhiễm. Trong trường hợp tế bào bạch cầu trong nước tiểu tăng cao chính là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nghiêm trọng.

1. Vai trò quan trọng của bạch cầu với cơ thể người

Tế bào bạch cầu hay còn gọi là tế bào máu trắng là một trong các loại tế bào máu tồn tại cùng với tiểu cầu và hồng cầu, đây một phần không thể thiếu trong hệ thống miễn dịch của cơ thể con người, giúp cơ thể ngăn ngừa truyền nhiễm và những tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài. Tế bào bạch cầu được sản xuất và dự trữ ở rất nhiều nơi trong cơ thể con người.

Ở cơ thể hoạt động bình thường, tế bào bạch cầu có rất ít trong nước tiểu hoặc không có. Chỉ số tế bào bạch cầu trong nước tiểu trong giới hạn cho phép là 10-25 cells/UL.


Ở cơ thể hoạt động bình thường, tế bào bạch cầu có rất ít trong nước tiểu hoặc không có
Ở cơ thể hoạt động bình thường, tế bào bạch cầu có rất ít trong nước tiểu hoặc không có

2. Vì sao xét nghiệm nước tiểu có bạch cầu cao?

Khi kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy lượng bạch cầu trong nước tiểu cao thì có thể cơ thể đang gặp nhiễm trùng hay có vấn đề khác về sức khỏe. Trong trường hợp này, người bệnh cần tiến hành thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán chính xác tình hình sức khỏe của mình.

Một số nguyên nhân phổ biến khiến cho lượng bạch cầu trong nước tiểu tăng cao có thể là:

2.1.Nhiễm khuẩn bàng quang

Niêm mạc của bàng quang có thể bị kích thích khi cơ thể bị nhiễm khuẩn bàng quang, tế bào bạch cầu lúc này có vai trò tiêu diệt vi khuẩn có hại. Bệnh nhiễm khuẩn hay viêm bàng quang sẽ khiến người bệnh bị đau vùng bàng quang, nóng rát và đau khi đi tiểu hoặc tiểu nhiều lần.

Nhiễm khuẩn bàng quang thường gặp ở đối tượng trẻ vị thành niên, phụ nữ trưởng thành. Một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng nhiễm khuẩn bàng quang chính là quan hệ tình dục và mang thai. Theo đó, khi bàng quang bị nhiễm khuẩn sẽ làm cho tế bào bạch cầu trong nước tiểu tăng cao.

2.2.Nhiễm khuẩn và tắc nghẽn đường tiết niệu

Nhiễm khuẩn và tắc nghẽn đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn có hại xâm nhập từ niệu đạo vào đường tiết niệu, loại nhiễm khuẩn này làm cho bạch cầu trong nước tiểu cao kèm theo cảm giác đau rát khi đi tiểu.

Tắc nghẽn đường tiết niệu: Nguyên nhân chủ yếu là sỏi tiết niệu, bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, bàng quang, niệu đạo. Nguyên nhân ít gặp hơn là các bất thường, dị dạng hệ tiết niệu làm tắc nghẽn một phần, hoàn toàn dòng chảy của nước tiểu. Bất kỳ sự ứ trệ nào cũng gây nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu.

2.3.Nhiễm khuẩn thận

Bao gồm nhiễm khuẩn thận - đài bể thận. Bản chất đây cũng là nhiễm khuẩn tiết niệu. Mức độ nặng của tình trạng bệnh này có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm. Phát hiện sớm mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình điều trị.

Ngoài dấu hiệu bạch cầu tăng trong nước tiểu thì còn có các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng khác phối hợp. Những cảm giác đau vùng thắt lưng cùng và tình trạng tiểu nhiều sẽ gây ra nhiều khó chịu cho người bệnh. Do đó, người bệnh cần được thăm khám để được điều trị kịp thời.

Ngoài các nguyên nhân chính trên thì nước tiểu có bạch cầu cao còn có thể do các nguyên nhân như sau:

  • Thói quen nhịn tiểu, không đi tiểu thường xuyên làm cho bàng quang căng lên và ứ đọng nước tiểu, khiến vi khuẩn phát triển và làm bạch cầu trong nước tiểu cao.
  • Bạch cầu trong nước tiểu tăng khi mang thai: Ở một số thai phụ mức protein và bạch cầu trong nước tiểu tăng cao. Thai nhi cũng là yếu tố chèn ép gây tắc nghẽn đường niệu nên có thể gây nhiễm khuẩn. Chẩn đoán và phân loại đúng có ý nghĩa trong điều trị để tránh biến chứng nặng như viêm thận, bể thận ngược dòng.
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục gây viêm niệu đạo, đường sinh dục cũng gây bạch cầu trong nước tiểu cao.

Trong một số trường hợp, các nguyên nhân có thể làm cho nước tiểu có lẫn bạch cầu:


Một số trường hợp bạch cầu trong nước tiểu tăng khi mang thai
Một số trường hợp bạch cầu trong nước tiểu tăng khi mang thai

3. Điều trị tình trạng nước tiểu có bạch cầu cao như thế nào?

Việc điều trị bạch cầu trong nước tiểu cao sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh:

  • Trường hợp bạch cầu trong nước tiểu cao do nhiễm khuẩn đường tiểu thì sẽ điều trị bằng kháng sinh ngắn hạn,. Nếu tái phát nhiều lần thì có thể cần đến kháng sinh dài hạn, tăng cường uống nước để hạn chế nhiễm khuẩn bàng quang, đường tiểu.
  • Nếu nguyên nhân là do tắc nghẽn đường tiểu thì bên cạnh điều trị nhiễm trùng cần xem xét giải quyết tắc nghẽn. Người bệnh có thể can thiệp bằng phẫu thuật (sỏi to) hoặc nếu sỏi thận còn nhỏ thì người bệnh có thể uống nhiều nước hàng ngày để giúp đẩy sỏi ra khỏi hệ thống tiết niệu. Trường hợp tắc nghẽn do khối u ác tính thì cần phải lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.

Việc điều trị bạch cầu trong nước tiểu tăng cao cần phải đúng phác đồ, do đó người bệnh cần đến bệnh viện tiến hành các xét nghiệm cần thiết và điều trị theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị vì có thể sẽ làm cho tình trạng bệnh nặng thêm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe