Vì sao uống thuốc gout bị tiêu chảy?

Khi có cơn gút cấp, người bệnh thường bị sưng tấy khớp, nóng, đỏ, đau ở 1 hoặc nhiều khớp. Và thuốc Colchicin thường được dùng để giảm đau trong trường hợp này. Tuy nhiên, có một số người bệnh uống thuốc gout bị tiêu chảy. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì?

1. Colchicin - thuốc điều trị bệnh gút được sử dụng rộng rãi

Gút là 1 bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin, làm tăng acid uric máu, dẫn đến tình trạng ứ đọng tinh thể muối urat ở khớp và gây viêm khớp. Các lớp acid uric lắng đọng (là sạn urat) ở các khớp (thường ở ngón chân cái) trông giống những cục u dưới da. Bệnh cũng có thể gây sỏi thận do các tinh thể acid uric trong thận. Trong các trường hợp bị cơn gút cấp, người bệnh được chỉ định dùng thuốc Colchicin.

Colchicin còn được sử dụng để chẩn đoán viêm khớp do bệnh gút. Cụ thể, khi bị đau khớp, người bệnh được cho uống Colchicin, nếu có đáp ứng với việc điều trị thì chứng tỏ có tinh thể urat (vì tinh thể này khó bị phát hiện, đặc biệt là nếu chỉ bị ở các khớp nhỏ).

Ngoài ra, thuốc Colchicin còn được sử dụng trong điều trị phòng ngừa tái phát viêm khớp do gút, điều trị dài ngày bệnh gút. Thuốc thường được kết hợp sử dụng với probenecid để tăng cường khả năng dự phòng.

2. Vì sao bệnh nhân uống thuốc gút bị tiêu chảy?

Tác dụng phụ của thuốc trị gút Colchicin thường gặp nhất là buồn nôn, nôn ói, đau bụng và tiêu chảy. Ngoài ra, một số ít bệnh nhân còn gặp các triệu chứng như viêm thần kinh ngoại biên, rối loạn về máu (khi điều trị dài ngày) hoặc giảm tinh trùng (hồi phục được). Khi có các tác dụng phụ thì hiểu rằng đó là dấu hiệu đầu tiên của tình trạng ngộ độc thuốc. Như vậy, người bệnh bị tiêu chảy là do gặp tác dụng phụ của thuốc Colchicin.

Khi gặp các biểu hiện trên, bệnh nhân nên ngưng dùng thuốc Colchicin hoặc giảm liều điều trị. Đó là dấu hiệu báo động sớm về khả năng người bệnh có thể bị ngộ độc nặng hơn. Việc điều trị chỉ được thực hiện tiếp tục khi các triệu chứng trên đã hết, thường sau 24 - 48 giờ.

Trường hợp bệnh nhân uống thuốc gout bị tiêu chảy có thể dùng các thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc làm chậm nhu động ruột để điều trị triệu chứng trên. Khi được điều trị dài ngày, bệnh nhân cần biết cách nhận biết các tác dụng phụ, báo cho bác sĩ để có cách can thiệp xử trí phù hợp. Đồng thời, nên kiểm tra đều đặn các tế bào máu, công thức bạch cầu,... của bệnh nhân.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị gout Colchicin

Để tránh nguy cơ uống thuốc gout bị tiêu chảy hoặc các biến chứng khác, cần lưu ý:

  • Sử dụng thuốc Colchicin thận trọng ở người bệnh gan, bệnh tim, bệnh thận hoặc bệnh tiêu hóa và người cao tuổi (người lớn tuổi bị suy nhược dễ bị ngộ độc vì cơ thể tích tụ thuốc);
  • Không nên tiêm Colchicin vào cơ thể theo đường tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, vì sẽ gây đau nhiều ở vị trí tiêm;
  • Không được dùng thuốc Colchicin cho người bệnh suy gan, suy thận nặng, người có nguy cơ bị glocom góc hẹp, bí tiểu;
  • Tránh sử dụng thuốc Colchicin ở phụ nữ mang thai;
  • Thuốc Colchicin đào thải qua sữa mẹ. Dù hiện tại chưa phát hiện trẻ bị ngộ độc do bú mẹ nhưng người mẹ cũng nên tránh làm nồng độ thuốc tăng cao trong sữa bằng cách uống thuốc vào buổi tối trước khi đi ngu, cho con bú sau 8 giờ.

Liều dùng thuốc Colchicin theo hướng dẫn của Bộ Y tế năm 2014 như sau:

  • Với mục đích chống viêm, giảm đau trong cơn gout cấp hoặc đợt cấp của gout mạn: Nên dùng liều 1mg/ngày nhưng cần sử dụng càng sớm càng tốt (trong vòng 12 giờ đầu khởi phát cơn gout). Có thể phối hợp với 1 thuốc NSAID (nếu không có chống chỉ định) để tăng hiệu quả cắt cơn gout. Trường hợp người bệnh có chống chỉ định với NSAID thì dùng Colchicin với liều 1mg/lần x 3 lần/ngày trong ngày đầu tiên (có thể dùng 0,5mg cách nhau 2 giờ/lần nhưng tối đa không quá 4mg), 1mg/lần x 2 lần/ngày trong ngày thứ 2, 1mg/ngày từ ngày thứ 3 trở đi. Các triệu chứng tại khớp sẽ giảm nhanh sau 24 - 48 giờ sử dụng thuốc. Tổng liều tối đa là 6mg (tương đương 12 viên nén) trong 4 ngày. Không nên lặp lại liệu trình này trong vòng 3 ngày;
  • Test colchicin: Trong 2 ngày đầu, dùng liều 1mg/lần x 3 lần/ngày. Các triệu chứng tại khớp sẽ giảm đi nhanh chóng sau 48 giờ. Tuy nhiên, sau 48 giờ bệnh nhân thường bị tiêu chảy. Nên kết hợp với một số loại thuốc như loperamid liều 2mg ngày 2 viên, chia 2 lần để kiểm soát triệu chứng tiêu chảy;
  • Dự phòng tái phát gout: Dùng liều 0,5 - 1,2mg/lần x 1 - 2 lần/ngày. Trung bình là 1mg/ngày, kéo dài tối thiểu 6 tháng. Nên chú ý giảm liều dùng ở những người mắc bệnh thận mạn hoặc người cao tuổi (trên 70 tuổi),... Đồng thời, trong trường hợp bệnh nhân không sử dụng được Colchicin thì có thể dự phòng nguy cơ bệnh tái phát bằng các NSAID liều thấp.

Uống thuốc gout bị tiêu chảy là tình trạng thường gặp. Đây là một trong những tác dụng phụ cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thuốc. Khi gặp các biểu hiện tiêu chảy, buồn nôn, ói mửa,... người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ. Qua đó, bác sĩ có thể chỉ định giảm liều hoặc dùng thuốc tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe