Hội chứng đường hầm cổ tay mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh tuy nhiên những bất tiện do nó gây ra ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của họ. Nhận biết và điều trị kịp thời hội chứng đường hầm cổ tay sẽ giúp người bệnh thoát khỏi những cảm giác khó chịu mà bệnh mang lại.
1. Hội chứng đường hầm cổ tay là gì?
Hội chứng đường hầm cổ tay còn được biết đến với tên gọi hội chứng ống cổ tay hay hội chứng chèn ép thần kinh giữa. Đây là hội chứng do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay gây ra khiến người bệnh đau và tê bì nhiều ngón tay hoặc bàn tay, đôi khi còn lan rộng lên cẳng tay và cánh tay.
Đường hầm cổ tay với bề rộng khoảng 2.5cm có chức năng bảo vệ dây thần kinh giữa, khi các bao hoạt dịch trong đường hầm cổ tay bị viêm vì nguyên nhân nào đó sẽ gây sưng nề và chèn ép dây thần kinh giữa, gây ra hội chứng đường hầm cổ tay.
2. Nguyên nhân gây ra hội chứng đường hầm cổ tay
Sau đây là những nguyên nhân chính gây ra hội chứng đường hầm cổ tay:
- Nhóm người đang mắc một số bệnh như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chức năng tuyến giáp, ứ nước do mang thai hoặc mãn kinh...
- Một số chấn thương cũng có thể gây ra hội chứng này như gãy xương cổ tay, chấn thương cổ tay...
- Người bệnh làm việc chuyển động cổ tay liên tục như sử dụng chuột máy tính trong thời gian dài, chơi nhạc cụ như piano, trống...
3. Những triệu chứng hội chứng đường hầm cổ tay bạn nên biết
Những triệu chứng đường hầm cổ tay sau đây bạn nên chú ý, việc nhận ra sớm tình trạng bản thân đang gặp phải giúp người bệnh sớm điều trị và tránh được những biến chứng do bệnh trở nặng. Người bệnh có thể nhận biết triệu chứng hội chứng đường hầm cổ tay thông qua các triệu chứng ban đầu và các triệu chứng lặp đi lặp lại trong thời gian dài.
Triệu chứng ban đầu: Người bệnh cảm thấy bàn tay tê rần, buốt và đau ở bàn tay, cảm thấy như có một cú sốc điện ở những ngón tay. Các triệu chứng này còn lan truyền từ cổ tay đến cánh tay, đặc biệt các triệu chứng sẽ rõ ràng hơn khi người bệnh lái xe, dùng điện thoại. Thời gian đầu các triệu chứng này chỉ xuất hiện ở một bên tay, thường là tay thuận, nhưng về lâu dài, tình trạng sẽ xảy ra ở cả tay còn lại, các cơn đau và khó chịu xuất hiện nhiều về ban đêm gây ra nhiều khó chịu trong cuộc sống của người bệnh.
Triệu chứng lặp đi lặp lại: Tình trạng đau, tê cứng các ngón tay sẽ lặp đi lặp lại, nhất là vào ban đêm, người bệnh thường thức giấc vì đau và phải vẫy tay hoặc để tay cao hơn mới thuyên giảm. Tuy nhiên tình trạng kéo dài khiến các cơn đau và tê rần xuất hiện cả vào ban ngày, thậm chí không thuyên giảm hoặc nếu có thuyên giảm thì thường làm người bệnh mất cảm giác, cầm nắm đồ vật cũng khó khăn hơn.
4. Điều trị triệu chứng đường hầm cổ tay như thế nào?
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của hội chứng, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả khác nhau cho bệnh nhân. Thông thường, nếu nguyên nhân gây ra hội chứng là do mang thai, tình trạng đau đớn sẽ tự hết mà không cần điều trị. Nếu tình trạng bệnh quá nặng, các dây thần kinh giữa bị tổn thương quá nghiêm trọng bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật cắt bỏ dải mô đi qua dây thần kinh để giảm bớt áp lực. Tuy nhiên phẫu thuật điều trị hội chứng đường hầm cổ tay còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác, thời gian kéo dài bệnh...
Ngoài phẫu thuật, sau đây là một số phương pháp giúp người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh:
- Dùng nẹp cố định cổ tay giúp giảm áp lực lên dây thần kinh giữa, đai nẹp sẽ được đeo vào buổi tối trước khi đi ngủ và thời gian thực hiện khoảng 4 tuần. Bệnh nhân sẽ thấy tình trạng bệnh được cải thiện đáng kể sau đó.
- Sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen...
- Hạn chế hoặc tránh những yếu tố gây ra đau cổ tay, đồng thời thực hiện các bài tập cho cổ tay, có thể tham khảo các bài tập từ bác sĩ chuyên khoa.
- Điều trị tốt các bệnh nền là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra hội chứng đường hầm cổ tay.
- Tiêm steroid vào cổ tay để giảm viêm.
5. Làm sao để phòng ngừa hội chứng đường hầm cổ tay?
Mặc dù không có cách nào để phòng chống hội chứng đường hầm cổ tay, tuy nhiên sau đây là những phương pháp giúp bạn phần nào hạn chế được nguy cơ mắc hội chứng này:
Khi thực hiện các động tác lặp đi lặp lại như viết chữ, đánh máy quá lâu, bạn nên nghỉ giải lao một vài phút để tay được nghỉ ngơi
Không nên làm các động tác gập tay, bẻ cổ tay quá mức, hãy để cổ tay thả lỏng một cách thoải mái và tự nhiên nhất.
Duy trì tư thế đúng, đặc biệt tránh tình trạng vai đẩy về phía trước, cổ và cơ vai rụt lại gây chèn ép dây thần kinh ở cổ, điều này sẽ làm ảnh hưởng đến cổ tay và ngón tay.
Khám sức khỏe định kỳ và điều trị kịp thời các bệnh nền có thể gây ra hội chứng đường hầm cổ tay
Ngay khi có cảm giác ngứa ran, đau hoặc tê ở ngón tay, hội chứng ống cổ tay là điều đầu tiên bạn phải nghĩ đến. Nắm được các thông tin như trên không chỉ giúp bạn nhận biết bệnh sớm, mà còn định hướng cho bạn tìm kiếm trợ giúp y khoa phù hợp; đồng thời, cần điều chỉnh các hoạt động hằng ngày để cải thiện những triệu chứng khó chịu này.
Nếu nhận thấy các dấu hiệu trên bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.