Tiểu đường là bệnh lý mạn tính có thể gặp ở bất cứ đối tượng người bệnh nào, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Có rất nhiều triệu chứng lâm sàng có thể xuất hiện khi mắc bệnh đái tháo đường, một trong những dấu hiệu điển hình đó là khát nước.
1. Tiểu đường hay khát nước
Tiểu đường là bệnh lý diễn biến âm thầm và rất khó phát hiện trong thời gian đầu, vì vậy, để chủ động trong việc phát hiện và điều trị bệnh kịp thời thì người bệnh vẫn nên đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm tra những triệu chứng bệnh. Trên lâm sàng, khi cơ thể có một số biểu hiện điển hình thì người bệnh có thể nghi ngờ đến đái tháo đường như khát nước, tiểu nhiều lần trong ngày, sụt cân bất thường, cơ thể hay đói bụng và mệt mỏi,...
Ngoài ra, nếu bệnh ở giai đoạn muộn hơn thì người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng nhìn mờ, dễ mắc những bệnh lý nhiễm trùng, nhiễm nấm. Các triệu chứng nặng nề hơn có thể là chậm lành những vết thương trên cơ thể, tay chân có thể bị tê bì, ngứa có cảm giác như kiến bò,...
Trong đó, khát nước khi bị tiểu đường là một trong những triệu chứng khá phổ biến ở những bệnh nhân đái tháo đường, xuất hiện sớm và thường đi kèm với dấu hiệu khô miệng. Người bệnh thường xuyên khát nước, mặc dù khi đã bổ sung nước nhiều lần trong ngày vẫn có cảm giác khát nước bất thường so với trước đây.
2. Tại sao bị tiểu đường lại khát nước?
Nguyên nhân của tình trạng tiểu đường hay khát nước được giải thích là do khi mắc phải bệnh lý đái tháo đường, bệnh nhân không chuyển hóa được glucose tốt như bình thường vì thiếu hụt lượng insulin sản xuất trong cơ thể. Vì vậy, hàm lượng glucose trong máu khá cao, lúc này, cơ thể sẽ tách nước từ những tế bào, sau đó bơm lượng nước này vào máu để pha loãng nồng độ glucose đang bị dư thừa tích lũy trong máu. Vì vậy, những tế bào trong cơ thể luôn bị tách nước, dẫn đến thiếu nước nên sẽ truyền tín hiệu và kích thích não bộ gây ra tình trạng khát nước liên tục mặc dù đã uống nước rất nhiều.
Để cải thiện phần nào triệu chứng này, người bệnh có thể tăng cường rau củ quả, trái cây trong khẩu phần ăn hằng ngày để bổ sung thêm vitamin, khoáng chất cần thiết để giảm khát nước và khô miệng. Tuy nhiên, việc quan trọng và cần thiết nhất là bệnh nhân nên đến khám tại những cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định, từ đó điều trị bệnh một cách hiệu quả hơn.
3. Kết luận
Khát nước khi bị tiểu đường là một trong những triệu chứng sớm của bệnh lý này, nhắc nhở người bệnh về tình trạng sức khỏe đang cần được quan tâm và thăm khám để tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu này hoặc một số triệu chứng cơ năng khác thì bệnh nhân nên chủ động đến những bệnh viện để được hỗ trợ y tế.
Tầm soát đái tháo đường sớm có thể giúp người bệnh tránh được các biến chứng nghiêm trọng hơn của bệnh này; bao gồm tăng đường huyết mãn tính gây tổn thương mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu, nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch vành và bệnh mạch máu ngoại biên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.