Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Trí Dũng - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để điều trị tạm thời cơn đau nửa đầu, người bệnh cần sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng như thay đổi lối sống của mình. Đặc biệt bệnh đau nửa đầu thường xảy ra ở phụ nữ hơn nam giới. Để giải thích rõ hơn về vấn đề này, khách hàng có thể theo dõi thông tin được cung cấp trong bài viết dưới đây.
1. Đau nửa đầu là gì?
Đau nửa đầu là loại đau đầu có chu kỳ từng cơn, mức độ đau có thể nặng hoặc nhẹ tùy thuộc vào tình trạng của từng người. Cơn đau thường diễn ra ở một bên bán cầu não. Ngoài đau đầu, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như nôn, buồn nôn, chóng mặt, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.
2. Nguyên nhân gây đau nửa đầu ở phụ nữ
Đau nửa đầu liên quan mật thiết đến gen. Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân khác ảnh hưởng như:
- Stress.
- Lo lắng.
- Sự thay đổi hormone ở phụ nữ (Chu kỳ kinh nguyệt).
- Tác dụng phụ của thuốc.
- Thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều.
- Thay đổi thời tiết.
- Chất kích thích (thuốc lá, cà phê,...).
- Vận động quá sức.
3. Tại sao đau nửa đầu ở phụ nữ nhiều hơn nam giới?
Tỷ lệ đau nửa đầu ở nữ giới gấp 3 lần nam giới, vai trò của estrogen và testosterone đã tạo ra sự khác biệt này. Nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học Tây Ban Nha chỉ ra rằng, sự tăng và giảm nồng độ estrogen trong cơ thể phụ nữ có liên quan đến chứng đau nửa đầu. Trong chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ sẽ xuất hiện cơn đau nửa đầu nhiều hơn. Cơ chế của sự tác động được giải thích như sau: estrogen làm ảnh hưởng đến các tế bào xung quanh dây thần kinh sinh ba và các mạch máu được nối vào đầu dây thần kinh, tạo ra sự nhạy cảm cho chúng, dẫn đến chứng đau nửa đầu.
Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại cơn đau nửa đầu, trong khi, prolactin - một hormone có tỷ lệ nhiều hơn ở nữ giới lại làm trầm trọng hơn chứng đau đầu này. Những hormone này quy định các kênh ion, do đó làm thay đổi độ nhạy của các ion đối với các tác nhân gây đau nửa đầu, làm tăng hay giảm nó.
4. Làm thế nào để làm giảm cơn đau nửa đầu?
Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có phương pháp nào giải quyết dứt điểm bệnh. Các loại thuốc trên thị trường chỉ có tác dụng làm giảm triệu chứng và ngăn chặn sự trầm trọng thêm của bệnh. Chỉ có cách là phát hiện và uống thuốc ở giai đoạn sớm của bệnh sẽ hạn chế tần suất cơn đau hơn. Các loại thuốc thường được sử dụng là thuốc triptan, thuốc ergotamine, và các loại thuốc giảm đau thông thường.
Ngoài ra, còn một số cách làm dịu cơn đau như:
- Yên tĩnh nghỉ ngơi, nhắm mắt thư giãn.
- Chườm bằng khăn lạnh hoặc túi đá lên trán.
- Uống nhiều nước (sữa, hoa quả, điện giải).
Một số thay đổi trong lối sống cũng giúp người bệnh hạn chế sự tiến triển của bệnh:
- Kiểm soát stress bằng cách tập thể dục thường xuyên, tìm hiểu về cách thư giãn hiệu quả có thể làm giảm tần suất và mức độ trầm trọng của cơn đau.
- Lập một bản ghi chép những nguyên nhân gây đau đầu như các món ăn, các loại thuốc. Việc làm này có thể phòng tránh bệnh hiệu quả bằng cách chỉ ra những việc làm nên thay đổi để cải thiện bệnh như ngủ đủ giấc, ăn uống đúng bữa, các loại thức ăn cần hạn chế,...
- Nếu bị bệnh béo phì thì nên giảm cân.
- Liệu pháp hormone có thể giúp ích đối với phụ nữ thường xuyên đau nửa đầu.
Khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng được trang bị hệ thống thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên môn giàu kinh nghiệm trong việc thăm khám và chẩn đoán điều trị can thiệp các bệnh lý thần kinh - Đột quỵ, điều trị các cơn đau nửa đầu, thiếu máu não,....
- Bác sĩ chuyên khoa II Lê Nghiêm Bảo - Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong chuyên khoa Ngoại thần kinh.
- ThS.BS Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, với hơn 24 năm công tác trong lĩnh vực chuyên khoa Tâm thần kinh.
Ưu điểm mạnh của chuyên khoa thần kinh: Thuộc khối y học lâm sàng, giữ chức năng chuyên môn trong việc khám và điều trị các bệnh liên quan đến hệ thần kinh trung ương (hộp sọ, màng não, não bộ, mạch máu não, các dây thần kinh trong sọ, tuyến yên, cột sống, đĩa đệm, màng tủy sống) và hệ thần kinh ngoại vi (các dây thần kinh và hạch thần kinh bên ngoài não bộ và tủy sống).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02363711111 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.