Nước tiểu có mùi lạ thường là nguyên nhân do sinh lý, tuy nhiên đó có thể là một dấu hiệu của một bệnh lý nào đó.
1. Nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ
Nước tiểu của mỗi người đều có mùi đặc trưng. Đôi khi bạn nhận thấy nước tiểu nặng mùi hơn bình thường, đây không hẳn là dấu hiệu đáng lo ngại. Tuy nhiên, nước tiểu có mùi hôi nồng nặc hoặc mùi bất thường rất có thể do dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn nào đó dưới đây.
1.1. Măng tây khiến nước tiểu có mùi lạ
Măng tây là một loại thực phẩm khiến nước tiểu của bạn có mùi mạnh. Thủ phạm gây ra mùi hôi nước tiểu trong măng tây là do ảnh hưởng từ các hợp chất lưu huỳnh tự nhiên bên trong (acid asparaginic).
Mặc dù những chất này không gây hại cho cơ thể, nhưng nó tạo ra một mùi mạnh và khiến bạn cảm thấy khó chịu sau khi ăn.
Một số người có thể không nhận thấy sự thay đổi trong mùi nước tiểu khi ăn măng tây. Tình trạng nước tiểu có mùi lạ thường sẽ biến mất sau khi măng tây được tiêu hóa và đào thải. Trong trường hợp mùi hôi vẫn còn, bạn nên liên hệ với bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân.
1.2. Mất nước
Khi không uống đủ nước, cơ thể bạn có nguy cơ xuất hiện các dấu hiệu bị mất nước. Khi đó, bạn có thể nhận thấy nước tiểu nặng mùi amoniac hơn bình thường, đồng thời có màu vàng sẫm hoặc màu cam.
Hầu hết mọi người bị mất nước ở mức độ nhẹ và không cần điều trị y tế. Bổ sung đủ nước sẽ giúp mùi và màu nước tiểu trở lại bình thường.
Hiện tượng mất nước nghiêm trọng có thể xảy ra nếu bạn bị rối loạn tinh thần, suy nhược cơ thể, mệt mỏi hoặc các vấn đề khác, khi đó bạn cần được điều trị y tế ngay lập tức.
1.3. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) là một trong những nguyên nhân khiến nước tiểu có mùi lạ. Cảm giác muốn đi tiểu, đi tiểu thường xuyên và nóng rát khi tiểu là những triệu chứng điển hình của nhiễm trùng đường tiểu.
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
1.4. Bệnh tiểu đường làm cho nước tiểu có mùi lạ
Một triệu chứng phổ biến của bệnh tiểu đường là nước tiểu có mùi ngọt. Những người bị tiểu đường chưa được điều trị ổn định sẽ có lượng đường trong máu tăng cao, dẫn đến nước tiểu có mùi và vị ngọt.
Nếu nhận thấy biểu hiện này, hãy đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Bệnh tiểu đường nếu không điều trị kịp thời có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
1.5. Rò bàng quang âm đạo
Tình trạng rò bàng quang âm đạo xảy ra khi vi khuẩn từ ruột xâm nhập vào bàng quang. Nguyên nhân dẫn đến rò niệu đạo thường là do chấn thương sau phẫu thuật hoặc bệnh liên quan đến ruột (chẳng hạn như bệnh viêm ruột, viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn).
1.6. Bệnh gan
Nước tiểu nặng mùi có khả năng là dấu hiệu của bệnh gan. Các triệu chứng khác của bệnh gan bao gồm:
- Buồn nôn, nôn mửa
- Đau ở vùng bụng
- Vàng da hoặc vàng mắt một cách bất thường
- Mệt mỏi
- Đầy hơi
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Nước tiểu sẫm màu.
Bệnh gan cần được điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm.
1.7. Phenylaceton niệu
Phenylceton niệu là một rối loạn chuyển hóa mang tính di truyền. Cơ thể bệnh nhân không thể tự phân hủy một loại axit amin tên là phenylalanin. Khi cơ thể tích tụ phenylalanin, nước tiểu của bạn thường sẽ mùi khó chịu. Các triệu chứng khác của phenylceton niệu bao gồm:
- Giảm sắc tố da
- Thiểu năng trí tuệ
- Chậm phát triển các kỹ năng xã hội
Nếu bệnh này không được phát hiện và điều trị sớm, có thể dẫn đến rối loạn tăng động thiếu chú ý (ADHD) và khiếm khuyết nặng về tâm thần.
1.8. Bệnh siro niệu
Bệnh siro niệu là một rối loạn di truyền hiếm gặp và không thể chữa khỏi, khiến nước tiểu có mùi lạ (như mùi siro). Bệnh nhân siro niệu không thể tự phân hủy các axit amin leucine, isoleucine và valine, có thể dẫn đến tổn thương não và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
1.9. Phụ nữ có thai
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ gia tăng sản xuất một loại hormone thai kỳ gọi là hCG. Nồng độ hCG tăng cao khiến nước tiểu có mùi hôi, đặc biệt trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Ngoài ra, tình trạng mất nước trong thai kỳ khiến axit uric tích tụ, có nguy cơ tạo ra mùi hôi trong nước tiểu. Do đó, phụ nữ mang thai cũng cần uống nhiều nước hơn để tránh bị mất nước.
2. Nước tiểu nặng mùi khi nào đến gặp bác sĩ
Nếu nhận thấy hiện tượng nước tiểu có mùi lạ kéo dài liên tục hơn 2 ngày hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường (như nước tiểu có mùi ngọt, rối loạn tâm thần, đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa) thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Những triệu chứng kể trên có thể là dấu hiệu của bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị sớm.
3. Chẩn đoán căn nguyên khiến nước tiểu có mùi lạ
Để xác định chính xác nguyên nhân gây ra nước tiểu nặng mùi có phải do bệnh lý hay không, bác sĩ sẽ sử dụng một số xét nghiệm, chẳng hạn như:
- Phân tích nước tiểu: Một mẫu nước tiểu của bạn được kiểm tra để xác định sự có mặt của một số vi khuẩn gây bệnh, hoặc các yếu tố liên quan.
- Nội soi bàng quang: Đưa vào bàng quang một ống kính nội soi thông qua ngã niệu đạo để tìm nguyên nhân gây ra bệnh lý đường tiết niệu.
- Kỹ thuật hình ảnh: Thường không được sử dụng để chẩn đoán nguyên nhân nước tiểu có mùi lạ. Tuy nhiên, nếu không có bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng sau khi phân tích nước tiểu, bác sĩ có thể cân nhắc cho chụp X-quang hoặc siêu âm.
Nước tiểu có mùi lạ có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, ví dụ như những loại thức ăn bạn đã ăn vào buổi tối trước đó hoặc những loại thuốc bạn đang dùng. Tuy nhiên, nếu nước tiểu mùi hôi kéo dài hoặc kèm theo những biểu hiện bất thường, hãy đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.