Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Té ngã là một biến cố sức khỏe lớn đối với người lớn tuổi, dẫn đến tàn tật và thậm chí tử vong. Các yếu tố nguy cơ chính liên quan đến té ngã bao gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, đau và mắc nhiều bệnh lý đi kèm. Những người lớn tuổi mắc bệnh đái tháo đường type 2 có nguy cơ bị ngã cao hơn so với những người khỏe mạnh ở cùng độ tuổi.
Ở người đái tháo đường, ngoài lý do tuổi tác và tình trạng có nhiều bệnh lý đi kèm, chính tình trạng mất sức mạnh cơ xương, suy giảm nhận thức cảm giác và thăng bằng do bệnh thần kinh ngoại biên cùng với suy giảm chức năng nhận thức dẫn đến tăng nguy cơ ngã.
1. Nguyên nhân thần kinh do đái tháo đường
Ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ ngã và gãy xương ở bệnh nhân đái tháo đường đều tăng lên. Phần lớn là do bệnh lý thần kinh tự chủ gây ra giảm nhận thức cảm giác và thăng bằng. 50% người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có bệnh lý thần kinh, dẫn đến giảm tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, các khiếm khuyết về cảm giác ở bàn chân có liên quan đến việc thay đổi cử động tư thế và dáng đi chậm hơn. Tác động bất lợi này lên dáng đi là một cơ chế quan trọng khác của té ngã. Tuy nhiên, mối liên quan giữa bệnh thần kinh đái tháo đường và té ngã thậm chí có thể lớn hơn ở những người bị khiếm khuyết trong cảm giác xác định vị trí khớp. Trong một nghiên cứu những bệnh nhân bị bệnh thần kinh do đái tháo đường được chẩn đoán bằng đánh giá lâm sàng và điện sinh lý: 85% bị giảm cảm giác rung, 70% không có phản xạ cổ chân và chỉ 39,6% bị giảm cảm giác xác định vị trí khớp. Giảm cảm giác xác định vị trí khớp được xác định là có hai lỗi trở lên trong một thử nghiệm vị trí mười ngón chân. Cảm giác vị trí khớp giảm cho thấy sự suy giảm cảm giác và thường xảy ra cùng với chứng teo cơ. Điều này cho thấy mối liên quan của bệnh đa dây thần kinh do đái tháo đường với té ngã và gãy xương. Ngoài ra, những bệnh nhân bị bệnh thần kinh đái tháo đường có triệu chứng nhiều khả năng đang dùng thuốc có tác dụng an thần, chính điều này sẽ làm tăng thêm nguy cơ bị ngã.
2. Nguyên nhân hạ đường huyết, hạ huyết áp
Việc sử dụng insulin làm tăng nguy cơ té ngã lên 94%. Điều này có thể do hạ đường huyết nhưng sự liên quan này có thể do các cơ chế khác. Sử dụng insulin được coi là dấu hiệu đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường. Vì insulin là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với hạ đường huyết, nên nó có thể giải thích cho việc làm tăng nguy cơ té ngã. Ngoài ra, té ngã liên quan đến hạ đường huyết có nguy cơ dẫn đến gãy xương cao hơn 70%, nhiều khả năng người bệnh phải vào cấp cứu, nhập viện và chăm sóc lâu dài.
Ngoài hạ đường huyết, bệnh nhân đái tháo đường thường có bệnh tăng huyết áp đi kèm. Huyết áp thay đổi có thể gây ra những cơn choáng váng, mất thăng bằng, gây té ngã. Thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc lợi tiểu cũng có nguy cơ gây té ngã. Một số loại thuốc giảm đau, giãn cơ và thuốc an thần làm tăng nguy cơ té ngã cao hơn.
3. Nguyên nhân suy giảm khối cơ
Thiểu năng sinh dục, lão hóa và bệnh đái tháo đường đều dẫn đến suy giảm khối lượng cơ, suy giảm sức mạnh và chức năng của cơ bắp. Bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường type 2 bị suy giảm khối cơ tăng 37% so với những người không bị đái tháo đường.
Suy giảm khối cơ là một rối loạn cơ xương tiến triển, đặc trưng bởi giảm số lượng và sức mạnh của cơ kèm theo giảm hoạt động thể chất. Tình trạng này do thoái hóa ở điểm nối thần kinh cơ và mất các đơn vị vận động. Nó cũng liên quan đến tăng phân hủy cơ, đề kháng insulin, tăng tình trạng viêm và stress oxy hóa. Về mặt lâm sàng, người bệnh có triệu chứng biếng ăn và suy dinh dưỡng. Suy giảm khối cơ cũng liên quan đến việc tăng tỷ lệ co giật cơ từ chậm đến nhanh. Hiện tượng co giật cơ ở người lớn tuổi thường không chủ ý, cơn co giật cơ xảy ra trong thời gian ngắn. Sự co giật cơ làm tăng thêm sự mất sức và làm giảm khả năng lấy lại thăng bằng khi di chuyển.
Tóm lại, bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ té ngã cao. Nguyên nhân té ngã ở người đái tháo đường có thể kể đến do giảm khối lượng cơ, hạ đường huyết, hạ huyết áp, thuốc giảm đau và bệnh viêm đa dây thần kinh ngoại biên. Té ngã là một biến cố sức khỏe quan trọng đối với người đái tháo đường, nhất là khi tuổi cao. Chính biến cố này có thể làm tăng nguy cơ tàn tật và tử vong ở người bệnh.
Để giúp người bệnh có thể kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói quản lý ngoại trú tiểu đường, tăng mỡ máu. Quý khách hàng có thể lựa chọn để theo dõi, kiểm soát lượng đường huyết và nhận biết sớm các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra. Bởi người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường thường có nguy cơ cao mắc bệnh lý chấn thương cơ xương khớp và có nguy cơ té ngã cao hơn người bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.