Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh trong Hồi sức - Cấp cứu tim. mạch.
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành ở người trẻ tuổi. Người bị thừa cân, béo phì nên khám tim mạch và tầm soát bệnh mạch vành từ sớm để xác định nguy cơ mắc bệnh và điều trị kịp thời.
1. Sự liên quan giữa béo phì và bệnh tim mạch vành
Thời gian gần đây, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, tình trạng thiếu nguồn dinh dưỡng ngày càng giảm đi. Ngược lại, số người thừa cân, béo phì lại đang có xu hướng gia tăng, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn.
Béo phì và tim mạch có liên quan đến nhau. Béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch và hàng loạt các bệnh lý mãn tính khác, chẳng hạn như đái tháo đường, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, sỏi thận, bệnh xương khớp, thậm chí là ung thư.
Nguy cơ mắc các bệnh mạch vành do béo phì gây ra tăng gấp 4 lần so với người có cân nặng bình thường. Đồng thời, béo phì cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 6 lần, nguy cơ tăng huyết áp lên đến 12 lần, nguy cơ mắc tiểu đường tăng 6 lần so với những người có chỉ số BMI ở mức cân đối.
Có 2 dạng béo phì. Dạng béo phì thứ nhất, mỡ thừa thường tập trung ở vùng bụng và gặp nhiều hơn ở nam giới (trường hợp này thường gọi là "bụng bia" hay người hình quả táo). Dạng béo phì thứ hai, cơ thể bị tăng tích lũy mỡ ở vùng mông và đùi, thường gặp ở phụ nữ (người hình quả lê). Nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng chủ yếu đối với những người béo phì ở bụng, đặc biệt là bệnh mạch vành và đột quỵ.
Nếu là nam giới, để phòng tránh bệnh tim mạch do béo phì, tốt nhất không nên để kích thước vòng bụng vượt quá 90% vòng mông. Nếu là phụ nữ, nên duy trì con số này dưới 80%.
2. Tác hại của béo phì đối với sức khỏe
- Tăng huyết áp:
Những người béo phì có hàm lượng cholesterol cao rất dễ gặp phải tình trạng tăng huyết áp cũng như các biến chứng liên quan đến mạch máu.
- Các bệnh về tim:
Mỡ bao quanh tim là tình trạng thường gặp ở những bệnh nhân béo phì cấp độ nặng, khiến cho tim khó co bóp. Ngoài ra, mỡ cũng làm tắc hẹp mạch vành, cản trở vận chuyển máu đến nuôi tim, gây ra nhồi máu cơ tim, rất nguy hiểm đến tính mạng.
- Rối loạn lipid máu:
Bệnh nhân béo phì thường bị tăng nồng độ triglycerid và LDL-cholesterol, đồng thời giảm nồng độ HDL-cholesterol trong máu. Tình trạng rối loạn lipid máu gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, nhất là khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.
- Tăng nguy cơ bị đột quỵ:
Nguy cơ dẫn đến đột quỵ ở người béo phì cũng cao hơn nhiều lần so với người bình thường. Người có BMI cao hơn 30 dễ dẫn đến nguy cơ tử vong do tai biến mạch máu não và xơ vữa động mạch. Mặt khác, những người ở mức thừa cân cũng phải thận trọng, nếu có kèm thêm các yếu tố nguy cơ khác (chẳng hạn như tiểu đường tuýp 2, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu) thì nguy cơ đột quỵ vẫn có thể tăng cao.
- Dễ mắc phải tiểu đường:
Một trong những căn bệnh được xem là hệ lụy của béo phì chính là tiểu đường. Lượng insulin (có tác dụng làm giảm đường huyết) ở người béo phì thường thấp hơn người bình thường và đó là nguyên nhân tại sao đa phần bệnh nhân tiểu đường đều bị béo phì.
- Các bệnh về đường tiêu hoá:
Người béo phì dễ gặp phải các bệnh về hệ tiêu hóa như bệnh túi mật, suy giảm chức năng gan, gan nhiễm mỡ, ruột nhiễm mỡ, giảm nhu động ruột (gây ra đầy hơi, táo bón), cản trở hệ mạch ở ruột, nguy cơ dẫn đến bệnh trĩ. Tóm lại, đối với bệnh nhân béo phì, chức năng hệ tiêu hóa thường giảm đi đáng kể.
- Nguy cơ mắc viêm xương khớp:
Ở những người béo phì, khung xương luôn phải chịu áp lực quá tải do phải nâng sức nặng quá lớn của cơ thể, dễ dẫn đến đau nhức xương khớp và giảm chất lượng xương. Lượng axit uric ở người béo phì cũng tăng cao, dễ gây ra bệnh gút.
Trong những tác hại của béo phì đối với sức khỏe, nguy hiểm nhất vẫn là vấn đề liên quan đến tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành. Do đó, người bị béo phì nên thăm khám tim mạch và tầm soát bệnh mạch vành từ sớm để tránh biến chứng nguy hiểm.
3. Lời khuyên của bác sĩ
Tuy có những tác hại nguy hiểm đối với hệ tim mạch, nhưng béo phì là yếu tố nguy cơ hoàn toàn có thể thay đổi được. Vì vậy, bệnh nhân nên thay đổi lối sống, có chế độ làm việc, ăn uống hợp lý và luyện tập thể thao đều đặn để tránh dư thừa năng lượng cơ thể, hạn chế béo phì. Đồng thời, đây cũng là biện pháp quan trọng để giảm nguy cơ gây ra bệnh mạch vành, nhất là ở những người cao tuổi. Cụ thể, bệnh nhân nên thực hiện theo những lời khuyên sau đây:
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý;
- Sử dụng dầu thực vật (có chứa acid béo chưa bão hoà - là loại chất béo tốt cho sức khỏe);
- Bổ sung trái cây, hạt, rau củ (là nguồn cung cấp chất xơ và chất chống oxy hóa);
- Hạn chế đường (tránh các loại bánh kẹo ngọt, nước ngọt);
- Không nên ăn mặn (giảm cao huyết áp);
- Bỏ thuốc lá, bỏ rượu bia (cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim mạch vành);
- Tập thể dục đều đặn hàng ngày.
4. Người bị béo phì cần được khám tim mạch và tầm soát bệnh mạch vành
Hiện nay, ngày càng có nhiều người mắc bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh mạch vành ở độ tuổi còn rất trẻ, chủ yếu là do lối sống thiếu lành mạnh: Chế độ ăn uống nhiều đường, nhiều mỡ béo, hút thuốc lá, stress, lười vận động,... Những thói quen xấu này làm tăng tích tụ chất béo, hình thành nên mảng xơ vữa động mạch, cản trở lưu thông máu, gây ra bệnh mạch vành.
Bệnh mạch vành thường diễn tiến âm thầm và biểu hiện qua những triệu chứng thoáng qua. Tuy nhiên về lâu dài, bệnh mạch vành có nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, thậm chí dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.