Nhiều người vẫn cho rằng bị sâu răng mới gây đau, tuy nhiên thực tế có nhiều người bị đau răng nhưng không hề có tình trạng sâu. Vậy tại sao răng không sâu mà lại đau?
1. Tại sao răng không sâu mà lại đau
Răng không sâu nhưng bị đau buốt, đau kèm một số triệu chứng như ê buốt, hôi miệng, lung lay và chảy máu rất nhiều người gặp phải. Tình trạng này có thể do một số nguyên nhân sau đây gây ra:
1.1. Đau răng khôn
Đau răng là triệu chứng thường gặp do răng bị sâu, tuy nhiên có một số trường hợp không sâu răng nhưng vẫn bị đau nhức khó chịu, lúc này nhiều khả năng là do răng khôn phát triển. Răng khôn là răng số 8 của cung hàm, thường mọc khi bạn đã ở tuổi trưởng thành, độ tuổi từ 18 – 30 tuổi. Lúc này xương hàm đã phát triển khá ổn định nên khi mọc răng sẽ không đủ không gian cung hàm.
Khi mọc răng khôn thường gây ra tình trạng đau nhức răng hàm trong cùng, đau nhức chân răng hàm, sưng lợi, viêm đỏ nướu do các răng đang chuẩn bị trồi lên.
1.2. Bệnh lý răng miệng
Không sâu răng nhưng đau ê ẩm có thể là do viêm nướu, viêm nha chu, áp xe xương ổ răng.
- Viêm nướu: Vi khuẩn có hại tồn tại trong các mảng bám có thể tấn công nướu làm cho nướu bị sưng, nướu chuyển từ màu hồng nhạt sang đỏ thẫm hoặc tím... tình trạng này tuy không làm tổn thương trực tiếp đến răng, không làm răng bị thay đổi hình dáng nhưng khiến người mắc phải cảm thấy đau đớn khó chịu.
- Viêm nha chu: Được xem là tình trạng nặng hơn của viêm nướu khi không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Bệnh viêm nha chu ngoài đau răng còn có các dấu hiệu như hôi miệng, ê buốt chân răng, tiêu xương hàm, chảy máu, chảy mủ...
- Áp xe xương ổ răng: Đây là tình trạng tiến triển nặng của viêm nướu, viêm nha chu do vi khuẩn phát triển mạnh làm xuất hiện ổ mủ ở chân răng và nướu, gây ra cảm giác đau răng đau lợi dữ dội, lở loét và gây sốt.
1.3. Thiếu dinh dưỡng
Tình trạng không sâu răng nhưng đau có thể là do răng thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi gây đau nhức răng, thường xuyên chảy máu chân răng, khó chịu khi ăn uống, nói chuyện. Tình trạng thiếu dưỡng chất thường gặp ở những người suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi sinh và đang cho cho con bú.
1.4. Thay đổi hormone
Không sâu răng nhưng đau do thay đổi nội tiết tố cũng là một nguyên nhân có thể xảy ra nhưng ít được chú ý đến. Hormone trong cơ thể tuy không những làm thay đổi chức năng sinh lý, thể trạng mà còn có khả năng khiến răng nướu trở nên nhạy cảm hơn. Những người thường gặp vấn đề này là thanh thiếu niên đang trong độ tuổi dậy thì, người đang mang thai, sau sinh và độ tuổi tiền mãn kinh...
1.5. Không sâu răng nhưng đau do các tác nhân khác
Không sâu răng nhưng đau ngoài những nguyên nhân kể trên thì chúng có thể do những nguyên nhân khác như: ngủ nghiến răng, viêm xoang hàm, trào ngược dạ dày, chấn thương do tai nạn xe cộ, do chơi thể thao, do lao động nặng.... Ngoài ra các thủ thuật nha khoa mà chúng ta đã thực hiện trước đó như lấy tủy răng, hàn trám, bọc răng sứ, niềng răng... cũng gây ra tình trạng không sâu răng nhưng đau nhức, điều này không có gì đáng lo ngại nếu bạn thực hiện tại cơ sở y tế nha khoa tốt, chúng sẽ sớm biến mất sau khoảng vài ngày.
- Viêm xoang hàm: Vị trí của xoang hàm nằm ngay chân răng hàm trên, nên khi cơ quan này bị viêm nhiễm sẽ gây ảnh hưởng đến chân răng, khiến răng bị sưng đau, nặng hơn có thể gây nhiễm khuẩn cuống răng, thậm chí mất răng.
- Trào ngược dạ dày thực quản: Dịch vị dạ dày chứa nhiều axit, khi trào ngược ra cổ họng và khoang miệng có thể trở thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn phát triển làm mòn men răng, dẫn đến ê buốt và đau nhức răng.
- Rối loạn khớp thái dương hàm: đây cũng là nguyên nhân gây đau răng dù không bị sâu răng, gây ảnh hưởng đến việc ăn uống và còn có thể gây ra tình trạng trật khớp.
- Tật nghiến răng khi ngủ: gây áp lực đè lên răng, nên sau khi ngủ dậy sẽ cảm thấy đau nhức và ê buốt răng dù không bị sâu răng, tuy nhiên cơn đau sẽ thuyên giảm sau khi thức dậy vài giờ.
2. Cải thiện tình trạng không sâu răng nhưng đau bằng cách nào?
Đầu tiên chúng ta cần xác định đây là răng sâu gây đau nhức hay không sâu răng nhưng đau. Khi bị một cơn đau hoành hành, cảm giác đau sẽ là sự ê buốt khi nhai thức ăn, cơn đau dữ dội khiến má hoặc vùng nướu bị sưng tấy, đôi khi có thể sẽ bị chảy máu chân răng và kèm theo đó là cơn đau cổ hoặc bả vai. Nếu cơn đau kéo dài 1-2 ngày mà không rõ nguyên nhân thì cần đi khám ngay. Cường độ đau răng ngày càng tăng và không có dấu hiệu thuyên giảm, nặng hơn sẽ dẫn đến tình trạng sốt, ốm và kèm theo các bệnh lý khác. Tùy từng nguyên nhân mà có các cách điều trị cho phù hợp để đẩy lùi cơn đau răng không do sâu như:
- Thăm khám định sức khỏe răng miệng tại phòng khám nha;
- Bổ sung canxi, flour;
- Nếu phát hiện mô nướu bị hỏng phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định nếu bị đau nhức răng hàm;
- Súc nước muối hàng ngày để làm giảm cơn đau và giúp nướu chắc khỏe hơn.
3. Răng không sâu nhưng bị đau có sao không?
Răng không sâu nhưng bị đau có ảnh hưởng gì hay không còn không tùy vào mức độ và nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các trường hợp răng không sâu nhưng bị đau không gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn như: răng bị chấn thương nhẹ, không sứt, mẻ, răng khôn mọc thẳng hoặc các thủ thuật nha khoa...
Trong khi đó các nguyên nhân gây nhức răng không do sâu sau đây có thể ảnh hưởng đến sức khỏe:
- Đau răng hàm nghiêm trọng có thể dẫn đến đau đầu do các dây thần kinh cảm giác tại răng kích ứng đến não;
- Đau răng dẫn đến đau tai, răng không đảm bảo khả năng ăn nhai dẫn đến các cơ hàm cũng bị ảnh hưởng, ù tai hay nghe thấy tiếng cục cục khi cử động miệng;
- Răng khôn mọc lệch làm ảnh hưởng đến dây thần kinh, ảnh hưởng đến răng số 7;
- Răng lung lay, rụng răng do viêm lợi làm tiêu xương hàm nếu tình trạng ổ mủ và viêm nhiễm không được điều trị kịp thời và đúng cách;
- Thiếu chất dinh dưỡng khiến men răng bị yếu, mỏng và dễ bị vi khuẩn tấn công;
- Viêm xoang hàm không được điều trị sẽ dẫn đến nhiễm khuẩn quanh chân răng, tăng nguy cơ rụng hoặc mất đi răng vĩnh viễn;
Răng bị đau thường làm mọi người chủ quan, không chú ý tìm cách điều trị bởi không thấy răng sâu. Việc kéo dài không điều trị lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.