Hồng cầu đông lạnh là một dạng chế phẩm vô cùng đặc biệt trong dòng hồng cầu. Với điều kiện đông lạnh khắc nghiệt, thời gian lưu trữ sẽ tăng lên một cách đáng kể, hồng cầu đông lạnh sẽ phát huy vai trò chủ lực, góp phần quyết định hiệu quả điều trị cho người bệnh, nhất là trong các trường hợp cần truyền máu hiếm.
1. Hồng cầu đông lạnh là gì?
Đời sống của hồng cầu trong cơ thể thường là 120 ngày. Sau khoảng thời gian này, màng tế nào của hồng cầu trở nên giòn, cứng, mất tính mềm dẻo khi đi qua các hệ thống mao mạch siêu nhỏ tại lách. Chính vì thế, lách trở thành “mồ chôn” của hồng cầu già. Các sản phẩm thoái hóa như protein, sắt sẽ được thu nhận lại để làm nguyên liệu sản xuất hồng cầu mới; các thành phần khác không sử dụng được sẽ được đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa và bài tiết.
Chính vì thế, khi máu của người hiến máu được thu thập, dù có dự trữ trong môi trường lý tưởng là ở 2 đến 6oC thì thời hạn sử dụng cũng khá hạn chế, không thể vượt quá từ 35 đến 42 ngày. Như vậy, để có thể lưu trữ lâu hơn, các nhà huyết học đã thực hiện đông lạnh khối hồng cầu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi truyền các nhóm máu hiếm hoặc truyền máu trong các trường hợp đặc biệt trong phần chỉ định.
Như vậy, khối hồng cầu đông lạnh là khối hồng cầu được lưu trữ trong môi trường đông lạnh ở nhiệt độ từ âm 60oC trở xuống cùng với dung dịch bảo vệ hồng cầu đông lạnh có glycerol. Lúc này, thời hạn bảo quản hồng cầu đông lạnh có thể lên tới 10 năm.
2. Vì sao cần đông lạnh hồng cầu?
Người bệnh thiếu máu có nhóm máu rất hiếm và miễn dịch đồng loại với nhiều kháng nguyên nhóm máu có tỷ lệ lưu hành rất cao trong cộng đồng. Lúc này, nhu cầu cần sử dụng các đơn vị có nhóm hòa hợp với người bệnh và không có các kháng nguyên thường gặp ở người hiến máu.
Bên cạnh đó, ở những người mắc các bệnh lý không sản xuất được hồng cầu như suy tủy, nhu cầu truyền máu rất nhiều lần, khả năng tạo phản ứng miễn dịch với máu người, cho dù thực hiện truyền máu cùng nhóm, sẽ tăng lên cao. Như vậy, các đối tượng này phải đối diện với nguy cơ cao xảy ra tai biến truyền máu trong các lần truyền máu tiếp theo.
Chính vì thế, hướng giải quyết cho các trường hợp nêu trên là sử dụng hồng cầu đông lạnh với thời hạn sử dụng là 10 năm kể từ ngày thu hoạch. Bằng cách này, các nhóm máu hiếm sẽ luôn được lưu trữ, sẵn sàng sử dụng trong các tình huống cấp bách. Đồng thời, phương pháp đông lạnh sẽ hỗ trợ cho những bệnh nhân đã được đánh giá có khả năng cần truyền máu tự thân, nhất là sau khi ghép tạng, ghép tủy. Bằng cách lưu trữ sẵn máu của chính mình khi cơ thể ổn định nhất, bệnh nhân có cơ hội nhận lại lượng máu này sau một thời gian rất dài trong tương lai mà tính tương thích vẫn đạt được tối đa.
3. Cách sử dụng hồng cầu đông lạnh như thế nào?
Môi trường đông lạnh khi thực hiện các đơn vị hồng cầu đông lạnh sẽ giúp cho thời gian dự trữ hồng cầu tăng lên rất nhiều. Hạn sử dụng là 10 năm bảo quản hồng cầu với dung dịch glycerol 40% ở nhiệt độ từ âm 80oC đến âm 60oC.
Chính vì môi trường bảo quản vô cùng khắc nghiệt, trước khi được truyền cho người bệnh, khối hồng cầu đông lạnh phải được làm tan đông, rửa và loại bỏ dung dịch bảo vệ, hòa loãng trong dung dịch muối sinh lý hoặc bổ sung dung dịch bảo quản hồng cầu.
Tuy nhiên, nếu đã làm tan đông, hạn sử dụng chỉ còn là 14 ngày tính từ ngày làm tan đông. Bên cạnh đó, kể từ khi làm tan đông và rửa hồng cầu loại bỏ glycerol trong hệ thống hở, hạn sử dụng cũng là không quá 24 giờ nếu bảo quản từ 2oC đến 6oC và không quá 6 giờ nếu bảo quản ở nhiệt độ phòng.
Ngoài ra, các quy định khác cần phải tuân thủ khi thực hiện cấp phát máu, truyền máu đối với hồng cầu đông lạnh cũng cần tuân thủ tương tự như đối với các chế phẩm máu khác.
Tóm lại, các đơn vị hồng cầu đông lạnh giúp thời gian dự trữ kéo dài hơn, là giải pháp tương đối an toàn, đảm bảo cuộc sống cho những người có nhóm máu hiếm hay từng có phản ứng miễn dịch đồng loại với nhiều kháng nguyên nhóm máu trước đó. Ngoài ra, phương pháp đông lạnh hồng cầu cũng là cách dự trữ máu cho chính mình, thực hiện truyền máu tự thân trên các đối tượng nguy cơ cao.
Nguồn tham khảo: Transfusion.com.au; Ncbi.nlm.nih.gov
XEM THÊM: