Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình sinh ra được cao lớn, mạnh khỏe. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh sở hữu chiều cao tương đối nhưng con cái lại chỉ đạt chiều cao trung bình. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì và cách khắc phục như thế nào hiệu quả. Mời phụ huynh và bạn đọc quan tâm cùng theo dõi các thông tin trong bài viết dưới đây.
1. Chỉ số đánh giá sự tăng trưởng phát triển của trẻ
Các chỉ số nhân trắc như chiều cao và cân nặng là những chỉ số quan trọng đánh giá sự tăng trưởng phát triển về mặt thể chất của một em bé. Năm 2006, Tổ chức Y tế thế giới WHO đưa ra biểu đồ tăng trưởng theo lứa tuổi và giới tính giúp nhân viên y tế cũng như cha mẹ trẻ có thể theo dõi tốc độ phát triển về chiều cao hoặc cân nặng của em bé. Cha mẹ có thể tham gia biểu đồ tăng trưởng trong sổ tay sức khỏe của bé. Bình thường, một trẻ từ lúc sinh ra đến 1 tuổi có thể tăng 25cm/năm, từ 1 đến 4 tuổi có thể tăng trung bình 10 cm/năm, trẻ từ 4 đến 8 tuổi tăng thêm 5 cm/năm, trẻ từ 8 đến 12 tuổi tăng 5 cm/năm. Một đứa trẻ gọi là Lùn khi có chiều cao ghi nhận dưới 2 độ lệch chuẩn so với các bạn cùng độ tuổi và giới tính; và/hoặc khi chiều cao không đạt được tốc độ tăng trưởng theo lứa tuổi.
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
Sự phát triển của chiều cao của trẻ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như di truyền chiều cao của bố mẹ; chế độ dinh dưỡng, một số bệnh lý mạn tính, đột biến gen và hàm lượng nội tiết tố tăng trưởng. Một số mốc phát triển chiều cao quan trọng như giai đoạn bào thai, lứa tuổi trẻ nhỏ, tiền dậy thì và dậy thì. Trong những giai đoạn này, em bé được cần cung được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng như calci, vitamin A, D, iot, sắt, kẽm để thúc đẩy cũng như phát huy tối đa tiềm năng về tăng trưởng chiều cao. Tuy nhiên, những trẻ mắc các bệnh mạn tính như bệnh gan, bệnh thận, bệnh tim bẩm sinh, bệnh tuyến giáp, suy giáp bẩm sinh có thể hạn chế chiều cao của trẻ. Bên cạnh đó, một số đột biến nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng Turner, hội chứng Prader- Willi có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của bé. Ngoài ra, trẻ có nồng độ hormone tăng trưởng thấp sẽ không đạt được chiều cao như các bạn cùng lứa tuổi.
Ngoài những yếu tố ảnh hưởng sự phát triển chiều cao kể trên, yếu tố di truyền từ bố mẹ góp một phần không nhỏ trong việc hình thành chiều cao tiềm năng của trẻ từ thời kỳ bào thai.
Công thức ước tính chiều cao của con dựa trên chiều cao bố mẹ như sau:
- Đối với trẻ gái: Chiều cao con = (Chiều cao bố + chiều cao mẹ - 13 cm)/2
- Đối với trẻ trai: Chiều cao con = (Chiều cao bố + chiều cao mẹ + 13 cm)/2
Khi bố hoặc mẹ hoặc cả bố mẹ có chiều cao < 155 cm thì chiều cao của con sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, di truyền chiếm khoảng 30% trong sự phát triển chiều cao của trẻ, còn phần lớn phụ thuộc vào những yếu tố khác, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng. Điều này giải thích vì sao có nhiều cặp bố mẹ có chiều cao vượt trội hoặc đạt mức trung bình nhưng chiều cao của con lại thấp lùn.
3. Theo dõi biểu đồ tăng trưởng nhằm phát hiện những dấu hiệu thấp lùn ở trẻ
Việc theo dõi sự phát triển tầm vóc của em bé là rất quan trọng, bằng cách sử dụng biểu đồ tăng trưởng trong độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi, nhằm phát hiện một số dấu hiệu sớm của thấp lùn như: chiều cao của bé thấp hơn -2 độ lệch chuẩn; tốc độ tăng trưởng chiều cao của bé không đạt mốc tăng trưởng theo lứa tuổi; đặc biệt khi gia đình có bố hoặc mẹ hoặc họ hàng gần có chiều cao thấp dưới 155 cm. Từ đó, chuyên gia y tế có những thăm khám và thực hiện các xét nghiệm tầm soát chuyên sâu hơn nhằm tìm nguyên nhân của tình trạng thấp lùn, đưa ra những can thiệp và tư vấn cần thiết để cải thiện chiều cao của bé.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, việc tầm soát chiều cao của bé được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia Nội tiết Nhi khoa giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm lâm sàng. Trong quá trình tầm soát các nguyên nhân gây chậm tăng trưởng chiều cao, bác sĩ có thể chỉ định cho bé làm một số xét nghiệm thăm dò theo các giai đoạn như sau:
- Bộ xét nghiệm bilan tìm nguyên nhân gây thấp lùn bao gồm: xét nghiệm máu, chụp x- quang xương bàn tay để đánh giá tuổi xương, siêu âm ổ bụng.
- Nếu bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân do thiếu hormone tăng trưởng (GH : growth hormone), trẻ cần thực hiện nghiệm pháp kích thích tiết GH tại bệnh viện, giúp xác định khả năng và mức độ thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng.
- Nếu xác định là chậm tăng trưởng chiều cao, trẻ có chỉ định điều trị hormone GH. Trẻ được hướng dẫn tiêm GH bằng dụng cụ chuyên biệt đảm bảo sự tiện lợi, an toàn và tránh gây đau cho bé, bởi đội ngũ y tế chuyên nghiệp của khoa Nhi Sơ sinh của bệnh viện, nhằm đạt được hiệu quả tối ưu của việc điều trị bằng GH.
Vì thế, cha mẹ hoàn toàn có thể yên tâm khi nhận biết được những dấu hiệu bất thường về chiều cao của trẻ để có phương án can thiệp, hỗ trợ điều trị khi cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk
Tài liệu tham khảo:
- Craig Barstow et al, 2015, “ Evaluation of short an tall stature in children”, Am Fam Physician, 92(1): 43-50
- https://www.aafp.org/afp/2015/0701/p43.html#:~:text=Short%20Stature,-Jump%20to%20section&text=Tall%20Stature-,Short%20stature%20is%20defined%20as%20a%20height%20more%20than%20two,age%20without%20a%20known%20etiology.
- Laurie R. Braun and Rose Marino, 2017, “Disorders of Growth and Stature”, Pediatrics in Review July 2017, 38 (7) 293-304;
- https://pedsinreview.aappublications.org/content/38/7/293
- Rawan Ali Almutairi, 2018, Review article “ Short stature in children”, International Journal of Medicine in Developing Countries, 2(1), 9-15