Quên một từ khi giao tiếp, khó nhớ đường đi,... là các triệu chứng bình thường, phổ biến khi bạn già đi. Tuy nhiên, nếu bị suy giảm trí nhớ đột ngột và nghiêm trọng, chẳng hạn như quên tên con cái hoặc đột nhiên không biết mình đang ở đâu thì có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng.
1. Nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ đột ngột
Suy giảm trí nhớ có thể là dấu hiệu của bệnh Alzheimer hoặc các loại sa sút trí tuệ khác. Tuy nhiên, khi bị giảm trí nhớ bất thường, đột ngột thì nó có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như:
1.1. Các loại thuốc
Nhiều loại thuốc bạn dùng có thể ảnh hưởng tới trí nhớ. Một số loại thuốc phổ biến là:
- Thuốc điều trị lo âu: Alprazolam (Xanax), chlordiazepoxide (Librium), clonazepam (Klonopin), diazepam (Valium), flurazepam (Dalmane), lorazepam (Ativan);
- Thuốc điều trị trầm cảm hoặc giảm đau: Amitriptyline (Elavil), clomipramine (Anafranil), desipramine (Norpramin), doxepin (Sinequan), imipramine (Tofranil), nortriptyline (Aventyl, Pamelor);
- Thuốc điều trị cao huyết áp: Atenolol (Tenormin), captopril (Capoten), metoprolol (Lopressor, Toprol), propranolol (Inderal), sotalol (Betapace);
- Thuốc điều trị cholesterol cao: Atorvastatin (Lipitor), fluvastatin (Lescol), lovastatin (Mevacor), pravastatin (Pravachol), rosuvastatin (Crestor), simvastatin (Zocor);
- Thuốc giảm đau: Fentanyl (Duragesic), hydrocodone (Norco,Vicodin), hydromorphone (Dilaudid, Exalgo), morphin (Astramorph, Avinza), oxycodone (OxyContin, Percocet);
- Thuốc điều trị động kinh: Acetazolamide (Diamox), carbamazepine (Tegretol), gabapentin (Neurontin), lamotrigine (Lamictal), pregabalin (Lyrica), axit valproic (Depakote);
- Thuốc trị mất ngủ: Eszopiclone (Lunesta), zaleplon (Sonata), zolpidem (Ambien).
Nếu sử dụng một trong những loại thuốc này hoặc các loại thuốc khác nhưng lại lo lắng nó có thể gây suy giảm trí nhớ tạm thời hoặc lâu dài thì bạn nên hỏi bác sĩ xem có thể chuyển sang sử dụng một loại thuốc khác không.
1.2. Trầm cảm
Trí nhớ và cảm xúc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Trầm cảm, căng thẳng hoặc lo âu có thể ảnh hưởng rất lớn tới sự tập trung. Và khi không thể tập trung thì bạn rất khó có thể nhớ rõ mọi chuyện. Vì vậy, nếu cảm thấy buồn chán hoặc mất hứng thú với những sở thích trước đây của mình, bạn nên gặp bác sĩ tâm lý để được điều trị. Bác sĩ có thể kê thuốc hoặc trị liệu tâm lý để điều trị chứng trầm cảm cho bệnh nhân.
1.3. Thiếu vitamin B12
Chế độ ăn uống quá ít vitamin B12 cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới trí nhớ. Nguyên nhân vì vitamin B12 giúp cơ thể sử dụng năng lượng từ thức ăn, bảo vệ các tế bào thần kinh để bạn có thể suy nghĩ, tập trung tốt hơn.
Cơ thể con người không tự tạo ra được vitamin B12. Bạn có thể nhận được loại vitamin này khi tiêu thụ các loại thực phẩm như thịt, trứng, cá, sữa và phô mai. Một người ăn chay trường có thể không nhận đủ vitamin B12 từ chế độ ăn uống. Và nếu đang thiếu loại vitamin này, bạn cần bổ sung nó theo chỉ định của bác sĩ.
1.4. Lạm dụng rượu bia
Việc sử dụng lượng lớn rượu bia sẽ gây khó khăn cho việc hình thành ký ức mới hoặc lưu trữ những thông tin mà bạn đã tiếp thu. Nếu uống quá nhiều trong một thời gian ngắn, bạn có thể bị suy giảm trí nhớ tạm thời. Nếu tiếp tục uống quá nhiều thì tình trạng suy giảm trí nhớ có thể dẫn tới mất trí nhớ vĩnh viễn.
1.5. Chấn thương đầu
Một cú ngã, tai nạn xe hơi hoặc một cú va chạm mạnh khác vào đầu có thể khiến bạn nhớ được người hoặc một vài sự kiện. Ngay cả khi chấn thương đầu không làm bạn bất tỉnh thì nó vẫn có thể dẫn đến mất trí nhớ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương mà bạn có thể bị mất trí nhớ tạm thời hoặc vĩnh viễn.
1.6. Đột quỵ
Một cơn đột quỵ xảy ra khi máu không được đưa tới một vài khu vực trong não. Khi không được nuôi dưỡng bởi máu giàu oxy, các tế bào não sẽ bị chết. Sau khi bị đột quỵ, bạn có thể bị suy giảm trí nhớ tạm thời hoặc mất trí nhớ dài hạn. Bạn cũng có thể bị quên những điều đã học hoặc dễ bị nhầm lẫn.
Để bảo vệ mạch máu và ngăn ngừa đột quỵ, bạn cần:
- Kiểm soát huyết áp và mức cholesterol bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và dùng thuốc;
- Điều trị lượng đường trong máu cao nếu bị tiểu đường;
- Không hút thuốc.
1.7. Mất trí nhớ
Mất trí nhớ là tình trạng bạn đột nhiên không thể nhớ được mọi điều về bản thân hoặc cuộc sống. Nó có thể xuất hiện sau chấn thương hoặc tổn thương não. Mất trí nhớ thoáng qua là một dạng mất trí nhớ mà bạn đột nhiên quên mất mình đang ở đâu, chuyện gì đã xảy ra gần đây. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi bạn bị chấn thương sọ não, sau tập các bài tập cường độ cao, có cảm xúc tiêu cực,... Tình trạng này khá hiếm gặp và không cần điều trị.
1.8. U não
Tổn thương não do khối u hoặc các phương pháp điều trị u não có thể gây ảnh hưởng tới trí nhớ. Hóa trị, xạ trị và phẫu thuật có thể ảnh hưởng tới khả năng suy nghĩ, trí nhớ của bệnh nhân. Ngoài ra, ung thư cũng có thể khiến người bệnh mệt mỏi tới mức không thể suy nghĩ rõ ràng. Do đó, để giảm nguy cơ bị suy giảm trí nhớ đột ngột khi đang điều trị u não, bạn nên ăn uống điều độ, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
1.9. Mắc các vấn đề về tuyến giáp
Tuyến giáp sản xuất hormone kiểm soát tốc độ mà cơ thể biến thức ăn thành năng lượng. Khi tuyến giáp sản xuất quá ít hormone (suy giáp) thì toàn bộ cơ thể sẽ hoạt động chậm lại. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, chán nản và hay quên. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp của bệnh nhân. Nếu nồng độ hormone tuyến giáp thấp, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp.
2. Cách chẩn đoán suy giảm trí nhớ đột ngột
Nếu lo lắng về nguy cơ bị suy giảm trí nhớ bất thường, bạn có thể đến gặp bác sĩ để làm các bài kiểm tra cần thiết, xác định mức độ suy giảm trí nhớ và chẩn đoán nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.
Bác sĩ sẽ đặt cho người bệnh và người thân một số câu hỏi như: Vấn đề về trí nhớ bắt đầu từ khi nào; bạn sử dụng những loại thuốc nào với liều lượng như thế nào; bạn đã làm gì để đối phó với chứng suy giảm trí nhớ; bạn uống bao nhiêu rượu; gần đây bạn có bị ốm hoặc bị ngã, bị thương ở đầu không; bạn có cảm thấy lo lắng hoặc buồn bã, chán nản không,... Bên cạnh đó, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm máu và thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh não bộ,...
3. Can thiệp điều trị cho người bị suy giảm trí nhớ đột ngột
Điều trị suy giảm trí nhớ đột ngột phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Một số phương pháp điều trị gồm:
- Phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị khối u não;
- Sử dụng thuốc điều trị cục máu đông trong não;
- Điều trị chấn thương đầu;
- Dùng thuốc cho các vấn đề sức khỏe tâm thần;
- Thay đổi loại thuốc sử dụng;
- Bổ sung dinh dưỡng;
- Phục hồi chức năng hoặc các hỗ trợ khác cho người bị rối loạn sử dụng chất kích thích.
Ngoài ra, bạn còn có thể khắc phục tình trạng suy giảm trí nhớ bằng cách:
- Bổ sung vitamin B12 nếu bị thiếu hụt vitamin B12;
- Bổ sung ginkgo biloba để cải thiện trí nhớ và tăng cường sự tập trung;
- Bổ sung curcumin - chiết xuất từ nghệ - để cải thiện chức năng nhận thức và trí nhớ;
- Đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc;
- Tập thể dục thường xuyên;
- Ăn những thực phẩm lành mạnh, bao gồm nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc;
- Thực hiện các hoạt động thúc đẩy bộ não làm việc như giải đố;
- Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng hơn để tránh phân tâm;
- Có danh sách việc cần làm và lịch trình phù hợp để tăng sự tập trung.
Suy giảm trí nhớ là một phần của quá trình lão hóa và nó không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống. Tuy nhiên, suy giảm trí nhớ đột ngột, bất thường có thể là một dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, nếu lo lắng về tình trạng suy giảm trí nhớ của mình, bạn nên đi khám bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org, healthline.com