Tức giận, buồn bã, lo lắng và sợ hãi là những cảm xúc thường gặp. Mất kiểm soát cảm xúc thể hiện bằng phản ứng bị gián đoạn hoặc không phù hợp với hoàn cảnh. Không kiểm soát được cảm xúc có thể là tạm thời hoặc mãn tính, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ.
1. Mất kiểm soát cảm xúc là gì?
Mất kiểm soát cảm xúc là tình trạng không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, gây ra các phản ứng gián đoạn hoặc không phù hợp với tình huống hoặc bối cảnh.
Mất kiểm soát cảm xúc có thể là tạm thời, gây ra bởi một số nguyên nhân như hạ đường huyết hoặc kiệt sức vì thiếu ngủ. Tuy nhiên, một số người thường xuyên không kiểm soát được cảm xúc của mình vì các tình trạng mãn tính. Điều quan trọng là phải biết khi nào cần tìm sự giúp đỡ, vì sự mất kiểm soát cảm xúc có thể gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày.
Mất kiểm soát cảm xúc có nhiều tên khác như: bệnh lý cười và khóc, rối loạn biểu hiện cảm xúc không tự nguyện,...
2. Cảm xúc bộc phát là gì?
Cảm xúc bộc phát, còn được gọi là cảm xúc hoang mang, đề cập đến những thay đổi nhanh chóng trong biểu hiện cảm xúc như cảm xúc mạnh mẽ hoặc cường điệu cảm xúc. Tình trạng thần kinh này thường ảnh hưởng đến những người đã có bệnh từ trước hoặc đã từng bị chấn thương não trong quá khứ. Những người đã từng bị đột quỵ có thể dễ bị mất kiểm soát cảm xúc. Một số người có bệnh lý tâm thần, như rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), cũng trải qua những cảm xúc không ổn định, nhưng vì những lý do khác với tình trạng thần kinh. Các loại cảm xúc bộc phát không được kiểm soát bao gồm:
- Cáu kỉnh đột ngột
- Vừa khóc vừa cười
- Cảm thấy tức giận, nhưng không biết tại sao
- Cơn giận dữ
Các triệu chứng chính của cảm xúc hoang mang là những cơn khóc hoặc cười không thể kiểm soát được. Những cơn bộc phát này thường là một phản ứng cảm xúc cường độ cao hoặc không thích hợp. Chúng cũng có thể hoàn toàn không liên quan đến trạng thái cảm xúc hiện tại. Ví dụ, người bệnh có thể bắt đầu cười không kiểm soát khi buồn bã. Các triệu chứng khác của cảm xúc bộc phát bao gồm:
- Cảm xúc bộc phát ngắn không kéo dài quá vài phút
- Cảm xúc bộc phát hỗn hợp, chẳng hạn như cười mà sau đó khóc
- Thiếu các triệu chứng cảm xúc giữa các đợt
- Cười hoặc khóc trong những trường hợp mà người khác không thấy buồn cười
- Phản ứng cảm xúc quá mức cho tình huống
- Cảm xúc bộc phát khác với hành vi thông thường
3. Nguyên nhân dẫn đến mất kiểm soát cảm xúc
Nguyên nhân của việc không kiểm soát được cảm xúc có thể bắt nguồn từ các bệnh lý về tâm thần kinh hoặc là di chứng của tổn thương thần kinh trước đó. Một số nguyên nhân thường gặp như:
- Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
- Tự kỷ ám thị
- Rối loạn bất chấp chống đối
- Nghiện rượu
- Nhân cách chống đối xã hội
- Hội chứng Asperger
- Rối loạn lưỡng cực
- Mê sảng
- Bệnh tiểu đường
- Lạm dụng thuốc
- Chấn thương đầu
- Hạ đường huyết
- Trầm cảm sau sinh
- Căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
- Rối loạn tâm thần
- Tâm thần phân liệt
Nhiều người trong số những tình trạng này cần phải điều trị lâu dài để có được kỹ năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
4. Chẩn đoán mất kiểm soát cảm xúc như thế nào?
Sự mất kiểm soát cảm xúc thường chẩn đoán nhầm là trầm cảm hoặc một tình trạng sức khỏe tâm thần khác. Để chẩn đoán dễ dàng hơn, hãy cố gắng ghi nhật ký các triệu chứng, bao gồm cả thời điểm xảy ra và thời gian kéo dài. Nếu có thể, hãy ghi lại tâm trạng và trạng thái cảm xúc chung giữa các lần bộc phát. Nếu không nhận thấy bất kỳ triệu chứng cảm xúc nào giữa các đợt, thì đó là một dấu hiệu tốt cho thấy người bệnh có khả năng bị rối loạn cảm xúc, chứ không phải là một tình trạng tâm lý. Người bệnh cần nói với bác sĩ về bất kỳ chấn thương đầu gần đây hoặc các tình trạng tiềm ẩn.
Quá trình chẩn đoán mất kiểm soát cảm xúc bao gồm hỏi bệnh sử và các triệu chứng, xem xét tất cả các loại thuốc đang dùng bao gồm thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng, các loại thảo mộc. Trong một số trường hợp có thể cần đến hình ảnh thần kinh như chụp CT hoặc MRI
Vì nhiều nguyên nhân dẫn đến việc không kiểm soát được cảm xúc có liên quan đến rối loạn tâm lý, người bệnh có thể được giới thiệu đến các chuyên gia về tâm thần.
5. Điều trị mất kiểm soát cảm xúc như thế nào?
Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản của việc không kiểm soát được cảm xúc. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) báo cáo những người mắc bệnh tiểu đường có khả năng trải qua các triệu chứng trầm cảm cao gấp 2 đến 3 lần, bao gồm thay đổi tâm trạng và cáu kỉnh thường liên quan đến lượng đường trong máu. Hạ đường huyết cũng có thể làm mất kiểm soát cảm xúc. Lượng đường trong máu thấp có thể được điều chỉnh bằng viên glucose, kẹo ngậm, nước ép, các chất có đường khác. Những người thường xuyên có lượng đường trong máu thấp có thể cần phải thay đổi chế độ ăn uống.
Các phương pháp điều trị mất kiểm soát cảm xúc bao gồm dùng thuốc và liệu pháp tâm lý. Đôi khi cần đến các chuyên viên tư vấn tâm lý để hướng dẫn người bệnh các kỹ năng kiểm soát cảm xúc, cách kiềm chế cơn giận và điều chỉnh cảm xúc cho phù hợp. Những tình trạng này thường đòi hỏi can thiệp lâu dài để giúp kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Ngoài thuốc và liệu pháp tâm lý, người bệnh cần được hướng dẫn cách tự chăm sóc bản thân cũng như nhận được nhiều sự quan tâm từ những người xung quanh. Người bệnh có thể ghi nhật ký tâm trạng. Đây là một công cụ tuyệt vời có thể giúp người bệnh nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn, cũng như xác định các giải pháp, từ đó giúp giảm căng thẳng và lo lắng.
Tóm lại, không kiểm soát được cảm xúc là một vấn đề thần kinh gây ra tình trạng cười hoặc khóc không kiểm soát được, thường xảy ra vào những thời điểm không thích hợp. Nó có xu hướng ảnh hưởng đến những người có tình trạng rối loạn tâm thần, rối loạn nhận thức hoặc chấn thương thần kinh từ trước. Có nhiều lý do dẫn đến không kiểm soát được cảm xúc. Việc tìm ra nguyên nhân của sự mất kiểm soát cảm xúc sẽ giúp có được chẩn đoán và các lựa chọn điều trị thích hợp cũng như xây dựng cho người bệnh kỹ năng kiểm soát cảm xúc tốt hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com