Tê đầu lưỡi mất vị giác là khi bạn cảm thấy tình trạng sưng lưỡi, rát và ăn không ngon. Nguyên nhân gây tê lưỡi thường gặp nhất là do phản ứng dị ứng khi ăn một số loại thực phẩm, hạ calci máu, nhiễm trùng do vi khuẩn như bệnh Lymes hoặc các tình trạng liên quan đến hệ thần kinh. Khi biết được nguyên nhân gây lưỡi rát và mất vị giác sẽ giúp tiếp cận các lựa chọn điều trị phù hợp.
1. Các triệu chứng gây lưỡi rát và mất vị giác thường gặp
Tê đầu lưỡi mất vị giác cũng có thể xảy ra như hiện tượng tê hay mất cảm giác ở một bộ phận trên cơ thể. Nhiều người đã trải qua cảm giác này khi ngủ quá lâu trên cánh tay bị vẹo hoặc gõ quá lâu trên bàn phím. Tuy nhiên, triệu chứng tê đầu lưỡi mất vị giác lại không phổ biến và có thể rất đáng sợ. Hơn nữa, cảm giác tê lưỡi đôi khi còn có thể kết hợp với các triệu chứng khác khiến người bệnh cảm thấy lạ và khó chịu.
Theo đó, các triệu chứng có thể gặp phải kèm theo tê đầu lưỡi mất vị giác bao gồm:
- Rát lưỡi
- Cảm giác như bị đốt hoặc ngứa ran
- Cảm giác giống kim châm
- Sưng tấy lưỡi
- Ngứa
- Yếu lưỡi
- Đau mặt
Các triệu chứng này có thể xảy ra đơn độc ở trên lưỡi hoặc gần lưỡi như quanh miệng. Thời gian xảy ra các triệu chứng tê đầu lưỡi mất vị giác thường là tạm thời. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan và điều quan trọng là phải khám với bác sĩ, xác định nguyên nhân và được chăm sóc thích hợp ngay khi nhận thấy các triệu chứng lưỡi rát và mất vị giác.
2. Các nguyên nhân gây tê đầu lưỡi mất vị giác
Tê thường là kết quả của tình trạng chấn thương, chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh hoặc nhánh của một trong các dây thần kinh trong bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng. Lưỡi bao gồm các dây thần kinh và các mạch máu nhỏ bắt đầu cao hơn ở mặt và não. Các dây thần kinh và mạch máu phân nhánh theo nhiều hướng khác nhau để cung cấp lưu lượng máu và cảm giác cho khắp lưỡi.
Hơn nữa, lưỡi còn là một trong những bộ phận cơ thể đầu tiên tiếp xúc với thế giới bên ngoài dù là đồ ăn, thức uống hay các chất khác, lưỡi là cửa ngõ bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố độc hại. Do đó, lưỡi rất nhạy cảm và có nhiều nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh và mạch máu ở lưỡi cũng như nguyên nhân kích hoạt phản ứng bảo vệ từ lưỡi.
2.1 Nguyên nhân viêm
- Dị ứng: Nếu lưỡi tiếp xúc với thực phẩm, hóa chất mà hệ thống miễn dịch nhận ra là có hại, lưỡi có thể sưng lên, ngứa ran và tê do phản ứng.
- Tự miễn dịch: Nhiều bệnh viêm nhiễm hoặc các bệnh tiềm ẩn dẫn đến việc cơ thể tự tấn công cũng có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở lưỡi và gây ra tổn thương dẫn đến tê. Các tình trạng như bệnh đa xơ cứng và bệnh lupus là những ví dụ về các bệnh tự miễn dịch như vậy.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng do vi khuẩn như bệnh Lyme và nhiễm vi rút như bệnh zona có thể gây viêm và tổn thương dây thần kinh dẫn đến tê và liệt mặt. Tình trạng tê liệt này có thể lan sang cả lưỡi và xung quanh miệng.
2.2 Nguyên nhân môi trường
Mất cân bằng vitamin: Có một số loại vitamin cần thiết cho chức năng thần kinh khỏe mạnh như vitamin D và B12. Sự thiếu hụt các vitamin này theo thời gian có thể dẫn đến tổn thương và tổn thương thần kinh. Ngược lại, tiêu thụ quá nhiều vitamin B6 cũng có thể gây tê.
Mất cân bằng khoáng chất: Có một số khoáng chất trong cơ thể như canxi cần thiết cho hoạt động chung của cơ thể. Sự thiếu hụt các khoáng chất này gây hạ canxi máu và có thể dẫn đến ngứa ran quanh miệng, cảm giác rất giống với tê lưỡi.
2.3 Các bệnh lý toàn thân
Hệ thần kinh trung ương: Tê lưỡi hoặc quanh miệng thường có thể là triệu chứng báo hiệu của các tình trạng hệ thần kinh trung ương như đau nửa đầu hoặc đột quỵ sắp xảy ra.
Quá trình trao đổi chất: Rối loạn các quá trình mà cơ thể thực hiện hàng ngày, chẳng hạn như điều hòa glucose (hạ đường huyết), cũng có thể ảnh hưởng đến cách hoạt động của dây thần kinh, gây tê và ngứa ran ở lưỡi, miệng và các bộ phận cơ thể khác.
Mạch máu: Tình trạng co thắt mạch máu ở lưỡi có thể dẫn đến tê lưỡi vì lưỡi không nhận được lưu lượng máu cần thiết.
2.4 Mức canxi máu thấp
Hạ canxi máu là tình trạng không có đủ nồng độ canxi chức năng trong máu. Đây là một khoáng chất có trong máu, giúp tim và các cơ khác hoạt động bình thường, cần thiết để duy trì răng và xương chắc khỏe.
Các triệu chứng nghi ngờ hạ canxi máu thường gặp là mệt mỏi, khó thở, khó chịu, tê toàn thân, ngứa ran ở chân. Chẩn đoán xác định là xét nghiệm máu đo lường nồng độ canxi trong máu.
Mặc dù hạ canxi máu khá hiếm gặp, nhất là khi chế độ ăn uống đầy đủ và không mắc các bệnh lý nền nào khác, tình trạng này là khẩn cấp và cần can thiệp ngay lập tức, trước khi nồng độ canxi máu hạ quá thấp gây rối loạn nhịp tim, dễ đột tử.
2.5 Phản ứng dị ứng
Khi gặp phải các chất có hại, cơ thể sẽ phản ứng bằng tình trạng viêm và sưng tấy. Ở nhiều người, cơ thể phản ứng theo cách này với các chất không gây hại thông thường, như thức ăn hoặc phấn hoa. Đây là cơ sở của dị ứng hay hiện tượng quá mẫn loại 1.
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng hàng đầu là sưng mặt, sưng môi, tê môi, tê lưỡi, phát ban, ngứa cổ họng, nặng hơn là khò khè, khó thở cấp tính, hạ huyết áp, trụy mạch.
Đây là tình trạng nguy kịch cần phải được can thiệp thuốc chống dị ứng trước khi phản ứng dị ứng diễn tiến nặng nề hơn và ảnh hưởng đến tính mạng.
2.6 Đột quỵ nhồi máu não hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua
Cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, hoặc TIA, đôi khi được gọi là "cơn đột quỵ nhỏ" hoặc "cơn đột quỵ cảnh báo". Bất kỳ cơn đột quỵ nào cũng có nghĩa là dòng máu lưu thông ở đâu đó trong não đã bị tắc nghẽn bởi cục máu đông.
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm hút thuốc, béo phì và bệnh tim mạch, mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị TIA.
Các triệu chứng "thoáng qua", có nghĩa là chúng đến và biến mất trong vòng vài phút vì cục máu đông tan hoặc tự di chuyển. Các triệu chứng đột quỵ bao gồm yếu, tê và liệt ở một bên của mặt và / hoặc cơ thể, tê đầu lưỡi mất vị giác, yếu lưỡi gây nói lắp, nuốt sặc, thị lực bất thường và đau đầu đột ngột, dữ dội.
TIA không gây ra thiệt hại vĩnh viễn vì nó kết thúc nhanh chóng. Tuy nhiên, bệnh nhân phải được điều trị vì TIA là một cảnh báo rằng một cơn đột quỵ nguy hiểm hơn có thể xảy ra. Do đó, khi phát hiện các triệu chứng đột quỵ, cần đưa bệnh nhân đến phòng cấp cứu để được chẩn đoán, can thiệp kịp thời, hạn chế di chứng tàn phế về sau.
2.7 Liệt Bell
Liệt mặt Bell có cơ chế gây bệnh hoàn toàn khác với đột quỵ và có thể biểu hiện dưới dạng liệt mặt cấp tính hoặc mãn tính. Tình trạng tê liệt này thường khởi phát đột ngột và trở nên tồi tệ hơn trong 48 giờ. Việc giải quyết các triệu chứng thường xảy ra trong vòng hai tuần đến sáu tháng nhưng hiếm khi xảy ra liệt vĩnh viễn.
Các triệu chứng của liệt bell thường chỉ khu trú gây tê liệt các cơ mặt và tê đầu lưỡi mất vị giác. Nguyên nhân của liệt Bell là do viêm hoặc tổn thương dây thần kinh mặt, vốn có chức năng là điều khiển các cơ trên mặt. Điều trị liệt Bell nhằm mục đích giảm viêm hoặc nhắm mục tiêu vào nguyên nhân cơ bản của tê liệt dây thần kinh mặt.
Tóm lại, tình trạng tê lưỡi, lưỡi rát và mất vị giác có nhiều nguyên nhân, trong đó thường xảy ra nhất là do tổn thương hệ thần kinh và đây cũng là nguyên nhân nguy hiểm nhất cùng với nguyên nhân là do phản ứng dị ứng. Tuy vậy, dù là nguyên nhân nào, tê đầu lưỡi mất vị giác luôn là triệu chứng cảnh báo của một tình trạng nguy hiểm. Lúc này, người bệnh cần được thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân, điều trị kịp thời trước khi các biến chứng nặng nề hơn có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: medicinenet.com - buoyhealth.com