Đau dây thần kinh sau zona là biến chứng thường gặp của bệnh zona thần kinh. Đau dây thần kinh sau zona khiến cho bệnh nhân đau đớn, mất ngủ, thậm chí có thể bị trầm cảm.
1. Đau thần kinh sau zona
Zona là một bệnh cấp tính của hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, do nhiễm virus herpes zoster gây nên, thường chỉ xảy ra ở một bên rễ thần kinh tủy sống. Bệnh zona thường mắc ở những người đã từng bị thủy đậu, đa số trường hợp này do virus nằm yên trong các rễ thần kinh đến khi hệ miễn dịch suy giảm hay do dùng một số thuốc, hóa trị khiến cho virus hoạt động trở lại.
Đau thần kinh sau zona là triệu chứng do virus varicella-zoster nằm trong hạch rễ sau tái hoạt động trở lại. Đây là một hội chứng đau mãn tính xảy ra trên 9-34% bệnh nhân sau khi ban của zona đã lành, thường xuất hiện sau khi zona bộc phát trong vòng 3 tháng.
Đau dây thần kinh sau zona là tình trạng tổn thương các sợi thần kinh và da, tại vị trí đã nổi mẩn tổn thương zona trước đó đã lành, gây đau dai dẳng có thể kéo dài từ nhiều tháng đến hơn một năm.
2. Nguyên nhân đau sau zona
Virus varicella-zoster là một loại virus DNA có độ lây nhiễm cao. Đợt sơ nhiễm trên người chưa có miễn dịch hay miễn dịch không hoàn chỉnh gây ra bệnh thủy đậu. Virus xâm nhập hạch rễ sau cảm giác sau sơ nhiễm, tồn tại ở dạng tiềm sinh trong nhiều thập kỷ.
Khi miễn dịch qua trung gian tế bào đặc hiệu cho virus suy giảm, virus tái hoạt động đi xuống dây thần kinh cảm giác, phân bố đau và sang thương theo khoanh da.
Nguy cơ đau sau zona tăng theo tuổi, đặc biệt ở những người trên 60 tuổi, triệu chứng tiền phát ban, phát ban nhiều, zona mắt, đau cấp tính dữ dội,...
3. Chẩn đoán đau thần kinh zona
Để chẩn đoán đau sau zona, bác sĩ sẽ dựa trên những biểu hiện lâm sàng của người bệnh
- Người bệnh đã từng bị zona
- Đau đớn vùng da đã nổi ban xuất hiện từ bên trong, chứ không phải do sờ hay chạm từ bên ngoài. Đau dai dẳng vài tháng thậm chí hàng năm. Cảm giác nóng rát, đau nhói trong sâu.
- Nhạy cảm đau: cảm giác đau xuất hiện khi có các kích thích không gây đau hoặc khó chịu như tiếp xúc nhẹ, kể cả khi tiếp xúc với quần áo, hơi lạnh hoặc hơi nóng.
- Mất ngủ, căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm.
Ngoài ra, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Kỹ thuật PCR: test chẩn đoán nhạy cảm và chuyên biệt, nhằm phát hiện DNA của virus
- Cấy virus có độ nhạy thấp do herpesvirus di động và khó phát hiện trong dịch bỏng nước
- Test nhuộm kháng nguyên huỳnh quang miễn dịch trực tiếp có độ nhạy cao hơn và nhanh hơn cấy. Đây là test chẩn đoán thay thế nếu không thực hiện được kỹ thuật PCR
4. Điều trị đau thần kinh sau zona
Điều trị đau thần kinh sau zona cần điều trị triệt để zona thần kinh, mục tiêu điều trị nhằm giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.
- Thuốc kháng virus: điều trị zona thần kinh như: acyclovir, famciclovir hay valacyclovir. Ngay khi xuất hiện ban trên da, bệnh nhân cần được uống thuốc càng sớm càng tốt, thuốc có hiệu quả cao nhất khi được dùng trong vòng 3 ngày kể từ lúc thấy ban da. Đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch, sử dụng thuốc kháng virus qua đường truyền tĩnh mạch.
- Corticosteroid được sử dụng cùng với thuốc kháng virus, nhằm làm giảm các cơn đau. Tuy nhiên corticosteroid có nhiều tác dụng phụ lên toàn cơ thể nên cần lưu ý khi sử dụng, thường dùng cho bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng và không có chống chỉ định với corticosteroid.
- Thuốc chống trầm cảm: amitriptyline, desipramine, nortriotyline.
- Thuốc giảm đau ngoại biên: Các loại thuốc giảm đau bao gồm: paracetamol, nefopan, aspirin và các thuốc kháng viêm không chứa steroid, nhằm làm giảm các cơn đau cấp tính của người bệnh. Tuy nhiên, cần phải thận trọng khi sử dụng thuốc giảm đau paracetamol vì chúng có thể làm suy giảm chức năng gan thận, khi lạm dụng quá nhiều. Ngoài ra, đối với người già khi uống thuốc gây tác dụng phụ có thể lựa chọn miếng dán giảm đau.
Quá trình điều trị đau thần kinh sau zona cần phải kết hợp nhiều loại thuốc, và cần có thời gian để điều chỉnh nhằm tìm ra liệu pháp phù hợp, để hạn chế tối đa các tác dụng phụ của thuốc gây ra. Do đó bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc, bỏ điều trị hoặc bỏ thuốc.
Đau thần kinh sau zona là một biến chứng của zona, do virus tái hoạt động trở lại, gây nên các cơn đau khó, lo lắng, mất ngủ thậm chí là trầm cảm cho người bệnh. Do đó, người bệnh cần được điều trị zona triệt để, khi thấy có dấu hiệu bất thường, đặc biệt đối với người đã từng bị thủy đậu cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và pháp đồ điều trị hợp lý.
Phong bế thần kinh là kỹ thuật tiêm thuốc để gây tê dây thần kinh chi phối vùng đau. Dưới hướng dẫn của máy siêu âm, bác sĩ chuyên khoa điều trị đau xác định được chính xác dây thần kinh đang bị virus Herpes tấn công.