Vẹo vách ngăn mũi có cần phẫu thuật không tùy thuộc vào mức độ bệnh của từng trường hợp. Mổ vẹo vách ngăn mũi được chỉ định khi cần chỉnh hình, cắt, gọt một phần hay toàn bộ vách ngăn mũi.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có hơn 10 năm kinh nghiệm trong khám và điều trị các bệnh lý Tai Mũi Họng của người lớn và trẻ em.
1. Vẹo vách ngăn mũi là căn bệnh phổ biến
Vách ngăn là cơ quan nằm giữa và chia đôi hốc mũi, được cấu tạo gồm có phần sụn và xương, có chiều dài khoảng 8 cm, đi từ tiền đình mũi cho đến vòm mũi họng. Trên thực tế, trường hợp vẹo vách ngăn mũi (hay lệch vách ngăn mũi) rất thường gặp và đa phần nguyên nhân là do bẩm sinh, có thể mổ hoặc không cần mổ vẹo vách ngăn mũi. Tuy nhiên, ban đầu vẹo vách ngăn không có biểu hiện rõ rệt. Khi cơ thể lớn lên, xương phát triển theo, khi đó những biểu hiện của vẹo vách ngăn mũi ngày càng rõ hơn.
Nhiều trường hợp bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán vẹo vách ngăn thì tỏ ra hoài nghi, vì trước đó bệnh nhân không hề bị té, bị va chạm ở đâu để có thể dẫn đến vẹo vách ngăn. Ngoài những trường hợp mắc bệnh bẩm sinh thì cũng có một vài ca bị vẹo vách ngăn mũi là do chấn thương và gặp tai nạn ở mũi (do té ngã, va chạm mạnh, bị đánh,...).
2. Vẹo vách ngăn mũi có nguy hiểm không?
Thông thường, đa số các trường hợp vách ngăn mũi bị vẹo đều không có biểu hiện gì phức tạp và do đó có thể không cần mổ vẹo vách ngăn mũi. Tình huống phát hiện bệnh là sau khi mắc phải bệnh về hô hấp liên quan đến mũi họng, ví dụ như một đợt cảm cúm kéo dài, dai dẳng không dứt, bệnh nhân đến khám bác sĩ chuyên khoa hoặc qua kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Nếu bị vẹo vách ngăn một bên mũi (vẹo hình chữ C), người bệnh thường bị nghẹt mũi ở bên vách ngăn vẹo. Tình trạng nghẹt mũi thường xuyên diễn ra, nhưng hầu như qua thời gian, người bệnh đã quen dần với cảm giác này nên không để ý triệu chứng bệnh. Nếu lấy ngón tay bịt lấy một bên mũi mới thấy rõ tình trạng mũi không thông ở bên vách ngăn mũi bị vẹo. Nếu bị vẹo cả hai bên vách ngăn mũi (vẹo hình chữ S), bệnh nhân sẽ bị nghẹt mũi cả hai bên. Biểu hiện bệnh thường không rõ ràng trong giai đoạn mũi bình thường và cũng không bị viêm nhiễm.
Triệu chứng hay gặp ở những người bị vẹo vách ngăn mũi mà khiến bệnh nhân phải đến khám bác sĩ là tình trạng nhức đầu. Bệnh nhân thường bị nhức một nửa đầu, có thể bên phải hay bên trái, tùy theo mũi bị vẹo bên nào hoặc có thể bị nhức trong hốc mắt cùng bên với vách ngăn vẹo, cũng có trường hợp nhức cả hai bên rồi lan ra vùng chẩm phía sau. Triệu chứng đau nhức đầu mặc dù không mấy dữ dội nhưng diễn ra thường xuyên, âm ỉ và dai dẳng, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu suốt cả ngày. Đôi khi buổi tối ngủ một giấc hôm sau hết bệnh, nhưng vài hôm sau đó lại tái diễn. Đặc biệt, tình trạng nhức đầu tăng lên khi trời nắng gắt hoặc khi trời trở lạnh, nặng hơn với phụ nữ trong những ngày hành kinh. Nhức đầu thường xuyên dẫn đến mất tập trung, khó làm việc và làm cho người bệnh cảm thấy bực bội, cáu gắt.
Nếu để tình trạng nghẹt mũi kéo dài do vẹo vách ngăn mũi, nguy cơ dẫn đến viêm mũi, viêm xoang. Mặt khác, nghẹt mũi lâu ngày cũng ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch (do đường thở không thông thoáng, dẫn đến hạn chế khả năng thở và hấp thu oxy), ảnh hưởng đến trí nhớ cũng như năng suất làm việc. Ngoài ra, vách ngăn bị vẹo trong thời gian dài không được điều trị còn có thể tạo ra điểm kích thích bên trong hốc mũi, làm tăng thêm tình trạng bệnh viêm mũi dị ứng và nặng thêm bệnh lý hen suyễn nếu có, ngoài ra còn làm giảm chức năng khứu giác.
3. Vẹo vách ngăn mũi có cần phẫu thuật?
Ranh giới giữa phẫu thuật và không phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi là ở mức độ bệnh. Trên thực tế, vẹo vách ngăn mũi có cần phẫu thuật không tùy theo từng trường hợp cụ thể. Theo đó, hướng điều trị sẽ khác nhau đối với từng bệnh nhân, chứ không phải cứ bị vẹo vách ngăn là phải mổ.
Nếu chỉ bị vẹo ở mức độ nhẹ, những triệu chứng là không đáng kể, thì bác sĩ chỉ cần tiến hành chỉnh, nắn vách ngăn lại đôi chút, không cần thiết phải phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi. Trường hợp vẹo nhiều, gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài mới cần thiết làm phẫu thuật (theo phương pháp cổ điển hoặc nội soi) để chỉnh hình vách ngăn. Khi chỉnh hình vách ngăn, bác sĩ sẽ thực hiện cắt, gọt một phần hoặc toàn bộ vách ngăn.
4. Phẫu thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn mũi tại Vinmec
Phẫu thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn mũi nhằm chỉnh tạo lại một vách ngăn thẳng, giúp cải thiện lưu thông khí cho hệ hô hấp. Mục đích cuối cùng của phương pháp điều trị này là đưa vách ngăn trở về đúng vị trí trung vị tại đường giữa của hai bên mũi, giúp khả năng thông khí ở hai bên mũi đều nhau, giảm nguy cơ viêm mũi và viêm xoang. Hiện tại kỹ thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn mũi đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec trong Phòng mổ Hybrid IGS730 hiện đại nhất thế giới với những ưu điểm vượt trội:
- Nhanh chóng loại bỏ hoàn toàn các triệu chứng khó chịu do lệch và vẹo vách ngăn mũi, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm;
- Phẫu thuật được thực hiện hoàn toàn trong mũi, ít gây sang chấn, ít chảy máu, không sưng nề, bệnh nhân hồi phục chỉ sau 2 - 3 ngày;
- Kỹ thuật nội soi tiên tiến giúp bác sĩ điều trị có được khả năng quan sát đa chiều, xem xét được mọi ngóc ngách trong vi trường phẫu thuật..
- Hiệu quả, kinh tế, tiết kiệm thời gian, giảm tối đa nguy cơ biến chứng hậu phẫu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.