Vẹo cổ ở trẻ nhỏ

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thanh Bình - Bác sĩ Phục hồi chức năng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Vẹo cổ bẩm sinh hay do xơ hóa cơ ức đòn chũm gây dị tật nặng nề về vận động cũng như thẩm mỹ của trẻ đặc biệt là vận động cổ. Bệnh có thể điều trị bảo tồn nếu được phát hiện sớm.

1. Xơ hóa cơ ức đòn chũm là gì?

Xơ hóa cơ ức đòn chũm là tình trạng xơ hóa một phần cơ ức đòn chũm do tư thế bào thai hoặc tai biến khi sinh dẫn đến hạn chế tầm vận động cột sống cổ. Nguyên nhân chưa được biết rõ nên chưa có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của chứng này có thể do tư thế xấu của thai nhi trong tử cung; người mẹ khi mang thai thiếu vận động dẫn đến nuôi dưỡng cơ ức đòn chũm bị hạn chế; hoặc trong khi sinh nở cơ ức đòn chũm bị chấn thương, mạch máu trong cơ bị xuất huyết, từ cục máu đông bị xơ hoá kích thích nhóm cơ này co rút.

Những dấu hiệu lâm sàng chính là có thể có khối u vùng cơ ức đòn chũm và hạn chế tầm vận động cột sống cổ. Cần được điều trị sớm ngay sau khi phát hiện để làm mềm khối xơ, duy trì tầm vận động cột sống cổ, phòng ngừa biến dạng thứ phát ở sọ mặt và cột sống cổ.


Xơ hóa cơ ức đòn chũm trong trường hợp vẹo cổ ở trẻ nhỏ
Xơ hóa cơ ức đòn chũm trong trường hợp vẹo cổ ở trẻ nhỏ

2. Dấu hiệu sớm

Dấu hiệu sớm là trẻ thường nghiêng đầu về một bên đồng thời mặt nhìn về bên đối diện.

Ta có thể quan sát thấy trẻ nghiêng đầu về một bên và có thể sờ thấy trên cơ ức đòn chũm có một khối u cơ rắn chắc (khác với phản ứng hạch trong các chứng viêm nhiễm) hay không có khối xơ, cơ ức đòn chũm bị ngắn do co rút trong bào thai do tư thế

3. Chẩn đoán

Bệnh thường do bác sĩ sản khoa phát hiện, nếu trẻ sơ sinh có bướu ở cơ dễ nhận thấy sau 10-15 ngày. Bướu lớn dần trong vòng 2-4 tuần sau đó nhỏ dần và mất sau 5-6 tuần.

Trên cơ ức đòn chũm của trẻ thấy có một khối u rắn chắc (khối u có thể tự biến mất sau độ 3-4 tháng), cơ co rút nổi lên như một sợi dây cứng kéo lệch đầu về một bên và mặt nghiêng về phía đối diện, lâu dài có thể bị vẹo, hạn chế vận động cột sống, biến dạng xương sọ mặt nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách.

Biến dạng thường thấy là đầu méo, mắt xệ, một nửa mặt bẹt, xương chũm lồi, xương đòn và vai phía có tật cao hơn phía bình thường.

Tuy nhiên có nhiều trường hợp không thấy khối u cơ Ức Đòn Chũm, trẻ bị co ngắn cơ do tư thế trong bào thai

4. Điều trị


Bệnh có thể được điều trị bảo tồn bằng vật lý trị liệu nếu được phát hiện sớm. Nếu phát hiện muộn cần phải tiến hành phẫu thuật.

Mục đích điều trị là:

  • Ngăn ngừa ngắn cơ do co rút cơ ức đòn chũm.
  • Lấy lại tầm vận động bình thường của cột sống cổ.
  • Sửa tư thế tốt, ngăn ngừa các biến dạng thứ cấp xảy ra ở sọ mặt và cột sống cổ.

Nếu được phát hiện và điều trị sớm bệnh có thể khỏi hoàn toàn, càng để muộn sẽ dễ dàng gây nhiều biến chứng và khó khăn cho việc điều trị, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và sức khỏe.


Vẹo cổ ở trẻ nhỏ cần được phát hiện và điều trị sớm
Vẹo cổ ở trẻ nhỏ cần được phát hiện và điều trị sớm

4.1 Điều trị bảo tồn (không phẫu thuật)

Thích hợp với trẻ dưới một tuổi, sau sinh được 2 tuần tuổi nên tiến hành trị liệu.

Bài tập 1: Xoa bóp cơ:

Thực hiện xoa bóp nhẹ nhàng trên cơ ức đòn chũm và cơ thang bên phía cổ bị nghiêng.

Tư thế bệnh nhân:

Đặt trẻ nằm trên đùi người mẹ, vai trẻ trùng với mép đùi, đầu trẻ được nâng đỡ bởi tay người mẹ, cổ duỗi và nghiêng bên lành, mặt quay về bên cổ bị nghiêng .

Kỹ thuật:

  • Một tay mẹ nâng đỡ đầu trẻ
  • Tay kia dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ và ngón giữa day nhẹ nhàng dọc cơ Ức đòn chũm hoặc trên khối u xơ, lưu ý không day mạnh trên da để tránh làm phồng đỏ gây đau rát cho trẻ.

Bài tập 2: Kéo dãn cơ ức đòn chũm:

Thực hiện 3 lần mỗi ngày, sau khi xoa bóp, người mẹ kéo giãn bằng tay nhẹ nhàng, từ từ, bằng cách đẩy nghiêng và xoay đầu đưa trẻ nhẹ nhàng về phía đối diện, thực hiện khi trẻ ngủ hay chơi, thư giãn hoàn toàn và dừng lại ngay khi trẻ kháng cự.

Tư thế bệnh nhân:

Đặt bệnh nhân ở tư thế như tư thế để xoa bóp cơ.

Kỹ thuật:

  • Người mẹ 2 tay nâng đỡ đầu trẻ ở tư thế thoải mái giúp trẻ không quấy khóc hoặc giãy dụa,
  • Thực hiện kéo giãn bằng cách đưa đầu trẻ đến vị trí ngửa -> xoay dần mặt trẻ về bên đối diện
  • Thực hiện động tác kéo giãn chậm, người mẹ cảm nhận độ căng vừa phải của cơ được kéo giãn thì lập tức ngừng lại 5 giây rồi đưa đầu trẻ về vị trí trung tính.
  • Kéo giãn kết hợp xoa bóp xen kẽ trong quá trình điều trị.

Bài tập 3: Kéo giãn bằng tư thế.

  • Cho trẻ bú ở vú ngược bên với bên bệnh nhằm kích thích trẻ xoay đầu về bên bệnh giúp kéo giãn cơ làm tăng tầm vận động cổ ( ví dụ trẻ bị cơ bên phải thì cho bú vú bên trái của mẹ)
  • Bế trẻ nằm nghiêng và đầu nghiêng bên lành (bên bệnh ở phía dưới).
  • Đặt đầu trẻ ở tư thế trung tính khi ngủ, chêm 2 khăn 2 bên đầu. Khi trẻ nằm nghiêng về một bên, kê gối nhỏ ở đầu cả hai bên.

Bài tập 4: Kéo giãn chủ động:

Dùng đồ chơi có nhiều màu sắc để kích thích trẻ xoay đầu chủ động trong tư thế nằm sấp, nằm ngửa để đạt đến tư thế đối xứng.

Những điểm cần lưu ý

  • Không đặt đầu xoay khi trẻ ngủ về một trong hai phía bên lành hay bên bệnh như 1 số tài liệu viết bởi sẽ gây thêm ngoẹo cổ (nếu đầu mặt xoay bên bệnh) hoặc trẻ bị chèn ép đường thở (nếu đặt đầu mặt xoay bên lành).
  • Ba bài tập trên được thực hiện cho đến khi trẻ đạt được tầm vận động cổ hai bên như nhau
  • Khối u sẽ tự mất sau đó khi trẻ được 6-8 tháng tuổi.
  • Kéo dãn nhẹ nhàng, không kéo dãn tối đa ngay tức khắc mà kéo dãn từ từ.
  • Không tập khi trẻ khóc, chống đối
  • Tập trước khi cho ăn

4.2 Điều trị bằng phẫu thuật

Thường áp dụng đối với trẻ trên một tuổi, sau khi đã được điều trị bảo tồn tích cực, đúng phương pháp trên 6 tháng mà không có kết quả. Thường phẫu thuật cắt cả 2 đầu dưới của cơ ức đòn chũm, sau đó cố định thạch cao 3-4 tuần và lại tiếp tục phục hồi chức năng bằng vật lý trị liệu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe