Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Hoàng Thị Ánh Tuyết - Khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Sữa non có thể coi là loại thực phẩm đầu tiên mà trẻ tiếp xúc trong giai đoạn đầu đời, có tác dụng vô cùng hiệu quả tới sự phát triển cũng như sức khỏe của trẻ. Vì vậy, hiện nay có rất nhiều bà mẹ muốn tích trữ nhiều sữa non hơn cho con, nên đã tiến hành vắt sữa non ngay từ thời điểm đang mang thai rồi trữ đông.
1. Lợi ích đặc biệt mà sữa non đem lại cho trẻ sơ sinh
Sữa non có thể xem là một loại vắc xin tự nhiên với độ an toàn tuyệt đối. Các bà mẹ thường được khuyến khích cho trẻ bú sữa non vào những ngày đầu đời. Trong sữa non có chứa một số kháng thể của mẹ, vì vậy việc bú sữa non sẽ có tác dụng nâng cao chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa, đồng thời giúp trẻ nhuận tràng và dễ dàng tống phân su ra ngoài.
Ngoài ra, trẻ bú sữa non sẽ giúp cơ thể tăng khả năng đề kháng một số bệnh nhiễm khuẩn do virus gây ra, cũng như bệnh lý liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản.
Trong sữa non cũng bao hàm rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho trẻ như kẽm, canxi, vitamin A, B6, B12, K để trẻ sinh trưởng và phát triển toàn diện hơn. Thành phần cholesterol có trong sữa non cũng là một chất dinh dưỡng quan trọng trong việc phát triển hệ thần kinh ở trẻ trong giai đoạn đầu đời.
2. Có nên tự vắt sữa non trước khi sinh hay không?
Theo một số ý kiến từ các chuyên gia, vắt sữa non trước khi sinh là hoàn toàn không cần thiết, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới người mẹ. Thực tế, cơ thể người mẹ đã bắt đầu tiết sữa non trong giai đoạn cuối của thai kỳ. Mặc dù vậy, lượng sữa non trong giai đoạn này vô cùng ít và nếu vắt ra sẽ rất đau và mất sức. Sau khi sinh, cơ thể người mẹ có xu hướng tiết prolactin kích thích tạo sữa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của con, kết hợp với việc bú mút của trẻ giúp sữa mẹ tiết ra đều đặn và nhanh chóng.
Thêm vào đó, việc vắt sữa non trước khi sinh có thể gây kích thích đầu vú, hàm lượng chất oxytocin nội sinh tăng, kích thích cơn co tử cung dẫn đến nguy cơ sinh non. Đối với những trường hợp đã từng đẻ mổ hay bị nhau tiền đạo, cần phải hết sức lưu ý nếu cơn gò tử cung xuất hiện có thể dẫn tới xuất huyết âm đạo đặc biệt nguy hiểm.
Ngoài ra, nếu không biết cách tích trữ sữa non đảm bảo các yếu tố như vô trùng, bảo quản ở nhiệt độ phù hợp thì sữa non dễ dàng bị nhiễm khuẩn và biến chất. Chính vì vậy, trong trường hợp trẻ không may uống loại sữa bảo quản không đúng cách có thể gây nguy hiểm đến hệ tiêu hóa còn yếu ớt ở trẻ, gây ra các bệnh tiêu chảy hay viêm ruột hoại tử.
3. Khi nào nên vắt sữa non?
Việc vắt sữa non trước khi sinh là hành động hoàn toàn không được bác sĩ khuyến khích. Tuy nhiên, có một số trường hợp cá biệt mà người mẹ bắt buộc phải thực hiện việc này.
Trong những năm gần đây, việc vắt sữa non trước khi sinh bằng tay được đề xuất thực hiện đối với trường hợp người mẹ mắc bệnh đái tháo đường type 1 hay đái tháo đường thai kỳ. Nguyên nhân là do trẻ sinh ra bởi những bà mẹ mắc một trong những chứng bệnh trên có nguy cơ cao bị hạ đường huyết lúc mới chào đời hoặc trong lúc được tiếp xúc với sữa công thức. Tuy vậy, vẫn còn nhiều tranh cãi trong việc sử dụng phương pháp này về độ an toàn, hiệu quả và chất dinh dưỡng của sữa non được vắt trước khi sinh so với sữa sản xuất sau khi sinh.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp bà bầu không có đầy đủ mô vú, mắc bệnh buồng trứng đa nang, bệnh đa xơ cứng bì, hay có tiền sử phẫu thuật vú; hoặc đối với trẻ được chẩn đoán mắc các bệnh như dị tật sứt môi chẻ vòm, dị tật tim mạch hoặc thần kinh trước khi sinh có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng bú sữa; người mẹ có thể cân nhắc thực hiện vắt sữa non trước khi sinh và tích trữ cho trẻ bú. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về phương pháp vắt sữa non trước khi sinh có cơ mẫu thấp hay chưa hoàn thiện, do vậy độ an toàn và hiệu quả của phương pháp này vẫn chưa xác định cụ thể rõ ràng.
Nếu quyết định vắt sữa non trước khi sinh, thai phụ cần ý thức rõ về khả năng sinh non, nhất là những trường hợp có tiền sử sinh non, người mẹ đang trong quá trình điều trị dọa sinh non, khâu eo tử cung, nhau tiền đạo, có sẵn vết mổ cũ, đa thai.
Bác sĩ cũng khuyến khích các bà mẹ trong giai đoạn thai kỳ nên tích cực chăm sóc, vệ sinh đầu ti nhẹ nhàng nhằm mục đích hỗ trợ việc tiết sữa hiệu quả ngay sau khi sinh, thay vì cố gắng vắt sữa non trước khi sinh, việc làm vừa không cần thiết vừa gây nguy hiểm cho người mẹ, chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.