Hiện nay, phẫu thuật thay thế van tim để điều trị cho các trường hợp bị tổn thương van tim đang ngày càng trở nên phổ biến. Một vấn đề được nhiều người quan tâm là thay van tim được bao lâu, van tim nhân tạo có bền không? Bài viết sẽ phân tích kỹ hơn về vấn đề này.
1. Có những loại van tim nhân tạo nào?
Van tim là những lá mỏng và mềm dẻo ở tim. Nó quyết định hướng dòng máy đi vào - chảy ra khỏi tim. Có 4 loại van tim chính, nằm ở trung tâm là: Van 2 lá, van động mạch phổi, van 3 lá và van động mạch chủ. Các bệnh van tim thường gặp là hở van tim, hẹp van tim hoặc vừa hẹp vừa hở trên 1 hoặc nhiều van tim.
Phẫu thuật thay thế van tim đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. 2 van tim thường được thay thế là van 2 lá và van động mạch chủ. Có nhiều vật liệu được sử dụng để thay thế các van tim này, trong đó phổ biến là van tim cơ học và van tim sinh học. Bên cạnh đó, còn có các mảnh ghép đồng loài được lấy từ mô của người chết. Việc lựa chọn loại van phù hợp để thay thế là không dễ dàng bởi hiện tại chưa có van nhân tạo nào được xem là tốt nhất cho mọi bệnh nhân trong mọi hoàn cảnh. Vì vậy, bác sĩ sẽ phải cân nhắc ưu, nhược điểm của từng loại van tim trong mỗi trường hợp cụ thể để lựa chọn loại van thay thế phù hợp nhất.
2. Thay van tim được bao lâu?
2.1 Van cơ học
Van cơ học thường được sử dụng hiện nay có cấu trúc 2 lá van, được làm từ carbon (pyrolytic carbon) hoặc titanium phủ pyrolytic carbon. Vì được làm từ vật liệu nhân tạo nên ưu điểm lớn nhất của loại van cơ học chính là độ bền. Về lý thuyết, van cơ học có thể tồn tại tới hơn 30 năm hoặc đến suốt tuổi thọ của bệnh nhân mà không bị ảnh hưởng tới cấu trúc và chức năng.
Tuy nhiên, vì được làm từ vật liệu nhân tạo nên van cơ học đòi hỏi người bệnh phải sử dụng thuốc kháng đông cho tới suốt đời. Điều này cũng đi kèm với nhiều nguy cơ như: Dùng quá liều (gây xuất huyết dưới da, đường tiêu hóa, đường tiết niệu và xuất huyết não), dùng không đủ liều (tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trên van, có thể gây kẹt van hoặc thậm chí tử vong).
2.2 Van sinh học
Van sinh học được làm từ vật liệu tự nhiên, thường là từ màng tim bò hoặc heo đã được xử lý. Vì vậy, ưu điểm lớn nhất của van sinh học là không cần sử dụng thuốc kháng đông suốt đời, có thể ngưng dùng thuốc kháng đông sau phẫu thuật 3 tháng.
Nhược điểm lớn nhất của van sinh học là mô van tự nhiên dị loài theo thời gian sẽ bị thoái hóa, ảnh hưởng tới hoạt động của van, gây tình trạng tái hẹp hoặc hở van nhân tạo. Bởi vậy, tuổi thọ của van tim sinh học chỉ kéo dài từ 8 - 15 năm. Do đó, sau một thời gian thay van tim nhân tạo, người bệnh sẽ phải phẫu thuật lại để thay van mới.
Mức độ thoái hóa của van sinh học phụ thuộc vào độ tuổi người bệnh và áp lực tác động lên van. Bệnh nhân càng trẻ tuổi thì van thoái hóa càng nhanh.
Còn van tim đồng loài (của người hiến) thì có độ kháng khuẩn cao, tuổi thọ tốt hơn van sinh học nhưng kém van cơ học, không cần dùng thuốc chống đông. Tuy nhiên, số lượng van tim đồng loài rất ít, kích thước không đa dạng, kỹ thuật cấy ghép phức tạp.
Như vậy, với câu hỏi thay van tim được bao lâu, xét trên vấn đề độ bền thì van cơ học có độ bền dài hơn. Tuy nhiên, người bệnh được thay van cơ học lại phải dùng thuốc kháng đông cả đời, đi kèm nhiều nguy cơ rủi ro. Vì vậy, việc lựa chọn loại van cần phải dựa trên nhiều yếu tố để quyết định.
Bệnh lý tim mạch nhìn chung là một chuyên khoa phức tạp, trong đó, các can thiệp ngoại khoa trên van tim đều là các kỹ thuật cao cấp, tinh vi. Vì vậy, những hiểu biết về lợi ích và rủi ro khi can thiệp tim mạch, cũng như lựa chọn nơi thực hiện đảm bảo uy tín, có bác sĩ giỏi và thiết bị tốt là vô cùng cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.