Bài viết được viết bởi Bác sĩ Khoa Khám bệnh & nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Mang thai làm căng thẳng tim và hệ tuần hoàn của sản phụ. Trong thời kỳ mang thai, lượng máu của bạn tăng từ 30-50 % để nuôi dưỡng thai nhi đang phát triển, tim bơm nhiều máu hơn mỗi phút và nhịp tim cũng tăng lên. Nếu bạn bị bệnh tim, bạn sẽ cần được chăm sóc đặc biệt trong thai kỳ. Dưới đây là những điều bạn cần biết về vấn đề tim mạch và thai kỳ.
1. Mang thai ảnh hưởng đến tim mạch như thế nào?
Quá trình chuyển dạ và sinh đẻ cũng làm tăng khối lượng công việc của tim. Trong khi chuyển dạ - đặc biệt là khi bạn rặn đẻ - bạn sẽ có những thay đổi đột ngột về lưu lượng máu và áp lực. Phải mất vài tuần sau khi sinh, những căng thẳng trên tim mới trở lại mức như trước khi bạn không mang thai.
>>> Bị bệnh tim mạch, cần lưu ý gì khi mang thai?
2. Những rủi ro khi mang thai là gì?
Các rủi ro phụ thuộc vào từng loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ví dụ:
- Các vấn đề về nhịp tim. Những bất thường nhỏ về nhịp tim thường gặp trong thai kỳ. Chúng thường không gây vấn đề gì. Nếu bạn có chỉ định điều trị chứng rối loạn nhịp tim, bạn có thể sẽ được dùng thuốc, giống như khi bạn không mang thai.
- Các vấn đề về van tim. Có van tim nhân tạo hoặc sẹo hoặc dị dạng của tim hoặc các van có thể làm tăng nguy cơ biến chứng khi mang thai. Nếu các van tim của bạn không hoạt động bình thường, bạn có thể gặp khó khăn do lưu lượng máu tăng trong thai kỳ.
Ngoài ra, van nhân tạo hoặc van bất thường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng niêm mạc tim (viêm nội tâm mạc) và van tim đe dọa tính mạng. Van tim nhân tạo cơ học cũng gây ra những rủi ro nghiêm trọng trong thai kỳ do phải điều chỉnh việc sử dụng thuốc làm loãng máu (kháng đông), khả năng máu tạo huyết khối sẽ đe dọa tính mạng. Dùng thuốc kháng đông cũng có thể gây nguy cơ cho thai nhi.
- Suy tim sung huyết: Khi lượng máu tăng lên, trái tim phải làm việc nhiều hơn, tình trạng suy tim sung huyết có thể trở nên trầm trọng hơn.
- Dị tật tim bẩm sinh: Nếu bạn bị bệnh tim bẩm sinh, con bạn cũng có nhiều nguy cơ mắc một số dạng dị tật tim hơn. Các vấn đề về tim có thể xảy ra và sinh non.
3. Một số bệnh tim có gây ra nhiều biến chứng hơn những bệnh khác không?
Một số bệnh về tim, đặc biệt là hẹp van hai lá hoặc van động mạch chủ, có thể gây nguy cơ đe dọa tính mạng cho mẹ và con. Một số bệnh tim cần phải ưu tiên điều trị chẳng hạn như phẫu thuật tim trước khi bạn thụ thai.
Mang thai không được khuyến khích cho những phụ nữ có bệnh tim bẩm sinh bị hội chứng Eisenmenger hoặc huyết áp cao ảnh hưởng đến động mạch phổi và tim phải (tăng áp động mạch phổi).
4. Còn thuốc thì sao?
Thuốc bạn dùng trong khi mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Tuy nhiên, phải dùng thuốc nếu lợi ích lớn hơn rủi ro. Nếu bạn cần thuốc để kiểm soát bệnh tim, Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc an toàn nhất với liều lượng thích hợp nhất cho bạn.
Uống thuốc đúng theo toa. Không ngưng thuốc hoặc tự điều chỉnh liều lượng.
5. Trước khi mang thai, bạn cần làm gì?
Trước khi bạn muốn mang thai, hãy lên lịch hẹn với bác sĩ tim mạch. Bạn có thể sẽ được giới thiệu đến một bác sĩ khoa Sản chuyên về những trường hợp mang thai có nguy cơ rất cao.
Đội ngũ y tế sẽ đánh giá tình trạng tim của bạn và xem xét các thay đổi điều trị mà bạn có thể cần trước khi mang thai.
Một số thuốc điều trị bệnh tim không được sử dụng trong thời kỳ mang thai. Tùy thuộc từng trường hợp, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng hoặc thay thế và giải thích các rủi ro liên quan.
6. Tôi sẽ được kiểm tra gì trước khi sinh?
Bạn sẽ gặp bác sĩ Sản thường xuyên khi mang thai. Cân nặng và huyết áp của bạn sẽ được kiểm tra mỗi lần khám, bạn có thể cần xét nghiệm máu và nước tiểu thường xuyên.
Tần suất bạn gặp bác sĩ tim mạch khi mang thai sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh tim. Bác sĩ có thể đề nghị làm cận lâm sàng để đánh giá chức năng tim của bạn, bao gồm:
- Siêu âm tim: Đây là một loại siêu âm sử dụng sóng âm thanh để xem cấu trúc và đánh giá chức năng tim.
- Điện tâm đồ: Test này ghi lại hoạt động điện của tim bạn.
7. Làm thế nào tôi có thể đảm bảo rằng con tôi vẫn ổn?
Nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ theo dõi sự phát triển của em bé trong suốt thai kỳ. Khám và siêu âm định kỳ sẽ giúp theo dõi sự phát triển của em bé và siêu âm chuyên sâu có thể được sử dụng để phát hiện các bất thường về tim thai. Em bé của bạn cũng có thể cần theo dõi hoặc điều trị sau khi sinh.
8. Làm thế nào tôi có thể ngăn ngừa các biến chứng?
Chăm sóc sản phụ tốt là cách tốt nhất là chăm sóc thai nhi. Ví dụ:
- Khám thai định kỳ trước khi sinh.
- Uống thuốc theo toa.
- Nghỉ ngơi nhiều. Ngủ trưa hàng ngày.
- Theo dõi sự tăng cân của bạn. Tăng cân đúng mức sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của bé. Tăng cân quá nhiều sẽ gây thêm căng thẳng cho tim của bạn.
- Kiểm soát cảm xúc. Đặt câu hỏi về diễn tiến thai kỳ. Đưa ra những mong muốn bản thân trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Biết những gì đang và sẽ xảy ra lúc sinh có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.
- Những điều cần tránh: hút thuốc, rượu, caffeine và ma túy.
9. Triệu chứng nào liên quan đến bệnh tim mạch?
Liên hệ bác sĩ của bạn nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây:
- Khó thở
- Khó thở khi gắng sức hoặc khi nghỉ ngơi
- Tim đập nhanh, nhịp tim nhanh hoặc mạch không đều
- Đau ngực
- Ho ra máu hoặc ho về đêm
10. Còn về chuyển dạ và sinh nở?
Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên sinh con tại cơ sở y tế chuyên về các trường hợp mang thai có nguy cơ cao. Nếu có lo lắng về tim mạch hoặc bạn sẽ được một số bác sĩ chuyên khoa có mặt trong quá trình chuyển dạ.
Thiết bị chuyên dụng có thể được sử dụng để theo dõi bạn trong quá trình chuyển dạ. Tần số tim và nhịp tim của bạn có thể cần được theo dõi trong suốt quá trình chuyển dạ và sinh nở.
Các cơn gò tử cung của bạn và nhịp tim của bé sẽ được theo dõi liên tục. Thay vì nằm ngửa, bạn có thể được yêu cầu nằm nghiêng và thu một đầu gối về phía ngực.
Để giảm căng thẳng do đau, bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng thuốc qua ống thông đến cột sống (ngoài màng cứng) hoặc tiêm vào cột sống để kiểm soát cơn đau. Nếu bạn sinh qua đường âm đạo, Bác sĩ có thể hạn chế việc bạn rặn đẻ bằng cách sử dụng kẹp hoặc máy hút chân không để giúp sinh con.
Nếu bạn có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc, bạn có thể được điều trị kháng sinh ngay trước và sau khi sinh.
Cần mổ lấy thai khi tình trạng bệnh tim nặng. Nếu chẳng may phải sinh mổ, các biện pháp phòng ngừa đặc biệt sẽ được thực hiện để theo dõi chức năng tim. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên lên lịch sinh để tiến hành chuyển dạ trong điều kiện có kiểm soát nếu bạn mắc một số dạng bệnh tim nặng trong thai kỳ.
11. Tôi có thể cho con bú sữa mẹ không?
Cho con bú được khuyến khích đối với hầu hết phụ nữ có bệnh tim, ngay cả khi người mẹ đang dùng thuốc.
Phụ nữ mắc bệnh tim đang cho con bú đòi hỏi phải xem xét hàm lượng thuốc trong sữa mẹ có thể gây tác dụng phụ cho trẻ bú mẹ cũng như tác dụng tiềm tàng của thuốc đối với tiết sữa.
Việc phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ sản khoa, bác sĩ tim mạch điều trị trong giai đoạn trước sinh và giai đoạn chuyển dạ là rất cần thiết để bảo đảm an toàn cho mẹ và con. Với sự kết hợp chặt chẽ giữa các khoa tại Bệnh viện ĐKQT Vinmec, khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác và an toàn của các xét nghiệm và thăm khám trong suốt quá trình mang thai và sinh con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.