Vấn đề chăm sóc và khả năng hồi phục sau điều trị nhồi máu não

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Tôn Thất Trí Dũng - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nhồi máu não là bao gồm các bệnh lý làm giảm lưu lượng tuần hoàn của một vùng não. Nhồi máu não chiếm 80% nguyên nhân đột quỵ não, nếu không được điều trị và chăm sóc tốt, người bệnh có thể bị tử vong hoặc tàn phế suốt đời, do đó chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não có vai trò quan trọng trong quá trình hồi phục sau điều trị nhồi máu não.

1. Bệnh nhồi máu não là gì?

Nhồi máu não bao gồm các quá trình bệnh lý làm giảm lưu lượng tuần hoàn của não do tắc, hẹp mạch máu não hoặc hạ huyết áp. Vùng não bị thiếu máu não kéo dài sẽ bị hoại tử do thiếu oxy và glucose. Nhồi máu não chiếm khoảng 80% nguyên nhân đột quỵ não, 20% còn lại của đột quỵ não là chảy máu não. Có thể nhận biết nhồi máu não qua bốn từ FAST:

  • Face (mặt): Một bên mặt không cử động khi cười hoặc nhe răng.
  • Arm (tay): Một bên cánh tay yếu hơn bên kia khi giơ hai tay lên.
  • Speech (lời nói): nói đớ líu lưỡi, câm lặng hoặc dùng từ không đúng.
  • Time (thời gian): Cần gọi cấp cứu 115 ngay và ghi nhớ thời gian các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.

Đột quỵ não do nhồi máu não nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể đe dọa tính mạng người bệnh, hoặc gây ra những hậu quả nặng nề như: nói ngọng, méo miệng, khó khăn trong vận động, mất ý thức, liệt người... Để giúp người bệnh đột quỵ não có cơ hội cấp cứu thành công cần ghi nhớ “thời gian vàng”, tính từ lúc các triệu chứng xuất hiện. Khoảng thời gian vàng để điều trị đột quỵ não là từ 3 - 5h, Từ ngoài 5 - 9h là khoảng thời gian “tranh tối tranh sáng”. Sau khoảng thời gian trên, các phương pháp điều trị sẽ không tối ưu và khả năng phục hồi sau đột quỵ não do nhồi máu não là rất khó.


Hình ảnh nhồi máu não
Hình ảnh nhồi máu não

2. Khả năng phục hồi sau điều trị nhồi máu não

Tùy thuộc vào mức độ bệnh, thời gian cấp cứu sẽ có khả năng phục hồi khác nhau. Những trường hợp bệnh nhẹ, liệt một nửa cơ thể và bệnh nhân ở độ tuổi trẻ sẽ có khả năng phục hồi cao hơn người bệnh đã liệt toàn thân. Nếu tình trạng người bệnh bị vỡ mạch máu não, người cao tuổi...thì khả năng phục hồi rất thấp.

Tỷ lệ tử vong do nhồi máu não vào khoảng 15 - 20%. Để tăng cơ hội sống sót, người bệnh cần được cấp cứu sớm trong khoảng “thời gian vàng” với các phương pháp điều trị như tiêu sợi huyết, can thiệp nội mạch... Tùy vào nguyên nhân gây bệnh sẽ có cách điều trị thích hợp. Ví dụ trường hợp tăng huyết áp sẽ được kiểm soát áp huyết kết hợp hồi sức tích cực, trường hợp đột quỵ do mất thường mạch máu sẽ được can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật.

30% bệnh nhân xuất huyết não có thể đi lại, phục hồi sức khỏe, 30% bệnh nhân bị tàn phế suốt đời. Khả năng phục hồi 100% tai biến mạch máu não là rất khó, tuy nhiên nếu chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não đúng cách, kết hợp vật lý trị liệu và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể phục hồi 90 - 95%.


Khả năng hồi phục của người bệnh phụ thuộc vào mức độ bệnh và thời gian cấp cứu
Khả năng hồi phục của người bệnh phụ thuộc vào mức độ bệnh và thời gian cấp cứu

3. Các di chứng thường gặp của nhồi máu não

Nhồi máu não khiến não bị tổn thương, để lại nhiều di chứng nguy hiểm đến sức khỏe như:

Liệt vận động: Liệt vận động bao gồm liệt nửa người, liệt cả người hoặc liệt chân, tay... Di chứng sau đột quỵ não do nhồi máu não khiến người bệnh bị liệt vận động, mọi sinh hoạt, ăn uống trở nên khó khăn và phải phụ thuộc vào người thân trong gia đình. Do đó, việc chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não có vai trò rất quan trọng. Việc nằm lâu một chỗ do liệt vận động có thể khiến người bệnh bị viêm loét da, viêm đường hô hấp, tiết niệu...

Rối loạn ngôn ngữ: Tai biến mạch máu não có thể khiến người bệnh bị rối loạn ngôn ngữ, nói ngọng, nói không đúng từ, thậm chí là không nói được do vùng não có chức năng ngôn ngữ bị thương tổn.

Suy giảm nhận thức: Di chứng nguy hiểm của nhồi máu não là mất trí nhớ, suy giảm khả năng nhận thức về các vấn đề xung quanh. Suy giảm nhận thức có thể khiến người bệnh không thể làm những công việc yêu cầu trí tuệ như trước đây.

Mắt mờ: Sau tai biến mạch máu não, nhiều bệnh nhân bị mờ một bên mắt hoặc cả hai mắt, nếu không được điều trị, mờ mắt có thể là dấu hiệu rối loạn thị giác sau tai biến.

Rối loạn tiểu tiện: Sau đột quỵ não, nhiều người bệnh gặp phải tình trạng tiểu tiện không tự chủ. Người nhà cần chú ý chăm sóc để đề phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, giữ cơ thể người bệnh luôn sạch sẽ.

3. Chăm sóc sau điều trị nhồi máu não


Chăm sóc bệnh nhân sau nhồi máu não chần phối hợp cả về tâm lý, vệ sinh và dinh dưỡng
Chăm sóc bệnh nhân sau nhồi máu não chần phối hợp cả về tâm lý, vệ sinh và dinh dưỡng

Việc chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não cần chú ý đến các vấn đề như: Chăm sóc tâm lý, Chăm sóc vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng để quá trình hồi phục sau điều trị nhồi máu não đạt kết quả tốt nhất.

3.1 Chăm sóc tâm lý

Sau đột quỵ não, nhiều người bệnh phải đối mặt với tình trạng liệt vận động, rối loạn ngôn ngữ... khiến bệnh nhân bị lo âu, mệt mỏi, buồn chán. Các sinh hoạt hàng ngày phải phụ thuộc vào người khác nên thường có tâm lý mặc cảm, cảm thấy mình vô dụng.

Để giúp người bệnh lạc quan, vui vẻ hơn, người thân trong gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não cần động viên, hỗ trợ người bệnh tự chăm sóc, có thể sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ người bệnh tự ăn uống, vệ sinh. Điều này sẽ giúp người bệnh cảm thấy bớt cảm giác phụ thuộc và có ích hơn khi có thể đáp ứng nhu cầu của bản thân.

3.2 Chăm sóc dinh dưỡng

Bên cạnh chăm sóc hàng ngày, chế độ dinh dưỡng của người bệnh nhồi máu não rất quan trọng để giúp người bệnh nhanh lành và ngăn ngừa tái phát. Nếu có điều kiện, gia đình, người thân có thể mời chuyên gia dinh dưỡng đến khám và tính nhu cầu dinh dưỡng mỗi ngày của người bệnh. Từ đó xây dựng khẩu phần ăn phù hợp, đảm bảo đủ năng lượng cho người bệnh và dễ tiêu, không ảnh hưởng đến bệnh.

Trường hợp không thể mời chuyên gia dinh dưỡng, người chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não có thể cho người bệnh ăn theo chế độ dinh dưỡng hợp lý, bao gồm ba bữa chính và thức ăn nhẹ. Lượng calo từ 1000 - 1500 mỗi ngày. Trong thành phần mỗi bữa ăn cần được đáp ứng đủ chất dinh dưỡng và vitamin. Lưu ý để người bệnh ăn vừa đủ non, không ép người bệnh ăn quá nhiều và nên thay đổi món ăn mỗi ngày.

3.3 Chăm sóc vệ sinh

Do người bệnh phải nằm một chỗ quá lâu, ngoài ra phải đối mặt với các di chứng khác như: Liệt vận động, rối loạn tiểu tiện... vì vậy việc chăm sóc giữ vệ sinh cho người bệnh nhồi máu não có vai trò đặc biệt quan trọng.

Cần giữ da người bệnh luôn sạch sẽ, khô thoáng để tránh lở loét, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Người chăm sóc bệnh nhân nhồi máu não có thể xoa bóp và di chuyển người bệnh để máu được lưu thông.

Có thể dùng miếng tã dán có màng đáy thoáng khí trong trường hợp người bệnh nằm liệt giường không thể tự chủ tiểu tiện. Khi sử dụng tã giấy có thể sử dụng thêm tấm đệm lót để chống trào tối đa.

Khi tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho người bệnh nên thực hiện ở phòng kín gió, nhiệt độ ấm, sàn nhà ít trơn trượt, nước ấm từ 37 - 45 độ. Thời gian tắm từ 5 - 7p và không tắm buổi tối.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số 02363711111 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe