Đông máu là sự thay đổi tình trạng vật lý của máu, là quá trình sinh lý quan trọng diễn ra trong cơ thể người. Nếu không có quá trình đông máu, cơ thể người sẽ tử vong sớm do mất máu. Xét nghiệm đông máu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị các rối loạn đông máu cho bệnh nhân.
1. Quá trình đông máu là gì?
Đông máu là sự thay đổi trạng thái vật lý của máu, chuyển từ dạng lỏng sang dạng gel rắn, sợi huyết để bảo vệ vùng tổn thương thành mạch, hạn chế máu chảy ra ngoài mạch và đồng thời duy trì trạng thái lỏng của máu lưu thông. Quá trình đông máu là sự tác động và kết hợp của 3 yếu tố gồm tế bào máu, protein huyết tương và thành mạch, được chỉ đạo và điều hòa bởi các yếu tố thần kinh và thể dịch.
Trong cơ thể luôn tồn tại sự cân bằng giữa hệ thống làm đông máu và chống đông máu. Đông máu giúp bảo vệ cơ thể tránh chảy máu, chống đông máu giúp lưu thông lòng mạch, đảm bảo duy trì sự sống. Nếu cơ thể thiếu hụt yếu tố đông máu, khiến máu không đông như bình thường là biểu hiện của bệnh rối loạn đông máu, có thể gây tử vong do mất máu quá nhiều. Ngược lại, nếu cơ thể thiếu hụt chất ức chế đông máu thì sẽ gây hiện tượng tắc mạch do hình thành cục máu đông không tan, cản trở lưu thông máu.
Bất cứ sự mất cân bằng nào trong cơ chế đông máu, chống đông máu đều có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do đó, cần phát hiện sớm các vấn đề về đông máu thông qua các xét nghiệm đông máu.
2. Các xét nghiệm đông máu
Quá trình đông máu được phát động bằng 2 con đường nội sinh và ngoại sinh. Kết quả khởi động của 2 con đường đều tạo ra phức hệ prothrombinase là nhiệm vụ chuyển prothrombin thành thrombin. Dưới tác động của thrombin, fibrinogen sẽ tạo ra lưới fibrin giam giữ tiểu cầu và các thành phần khác của máu, tạo nên cục máu đông có đủ khả năng cầm máu.
Các xét nghiệm đông máu thường được chỉ định gồm:
- Xét nghiệm đánh giá con đường đông máu ngoại sinh (Prothrombin Time- PT);
- Xét nghiệm đánh giá con đường đông máu nội sinh (Activated Partial Thromboplastin Time- APTT);
- Xét nghiệm đánh giá con đường chung (Thrombin Time- TT);
- Xét nghiệm định lượng Fibrinogen.
Chỉ định xét nghiệm đông máu nhằm:
- Sàng lọc, phát hiện nguy cơ chảy máu;
- Thực hiện khi bệnh nhân có triệu chứng trên lâm sàng hoặc tiền sử gợi ý có rối loạn đông máu;
- Thực hiện khi bệnh nhân điều trị thuốc chống đông máu;
- Thực hiện cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
3. Vai trò của các xét nghiệm đông máu
3.1 Xét nghiệm đo thời gian Prothrombin (PT)
Nguyên lý: Khi máu ra khỏi lòng mạch sẽ bị đông theo con đường ngoại sinh. Khi cho thừa thromboplastin và calci vào máu chống đông bằng citrat thì con đường đông máu ngoại sinh sẽ được thực hiện ồ ạt. Bác sĩ đo thời gian từ khi bổ sung calci và thromboplastin tới lúc huyết tương đông lại để phản ánh hoạt tính các yếu tố đông máu tạo nên Prothrombin là yếu tố II, V, VII và X (yếu tố đông máu theo con đường ngoại sinh).
Với bệnh nhân thực hiện xét nghiệm thời gian Prothrombin khi đang sử dụng thuốc chống đông máu Warfarin, cần sử dụng INR để tính toán điều chỉnh thuốc thử Prothrombin Time cho kết quả xét nghiệm chính xác.
Ý nghĩa: Thông thường ở người khỏe mạnh, thời gian Prothrombin là khoảng 11 - 13 giây. Nếu thời gian Prothrombin kéo dài hơn 3 giây (nghĩa là cần thời gian lâu hơn bình thường để hình thành cục máu đông) chứng tỏ bệnh nhân bị thiếu hụt yếu tố đông máu hoạt động theo con đường ngoại sinh. Trong 4 yếu tố đó thì 3 yếu tố II, VII và X được sản xuất tại gan, phụ thuộc vào vitamin K nên khi gan bị suy hoặc dùng thuốc kháng vitamin K thì thời gian Prothrombin sẽ kéo dài. Mức độ kéo dài phụ thuộc vào mức độ giảm yếu tố đông máu ngoại sinh và liều vitamin K đã sử dụng. Bởi vậy, xét nghiệm này có thể được sử dụng để theo dõi kháng vitamin K.
3.2 Xét nghiệm APTT
Nguyên lý: Xét nghiệm APTT đo thời gian đông huyết tương từ khi phục hồi calci khi cho huyết tương ủ với Kaolin và Cephalin.
Ý nghĩa: APTT cho kết quả bình thường là 25 - 33 giây, chỉ số APTT bệnh/APTT chứng bình thường là 0,85 - 1,25; nếu chỉ số này trên 1,25 chứng tỏ APTT kéo dài. APTT kéo dài thể hiện tình trạng rối loạn đông máu nội sinh (giảm đông máu) do thiếu hụt yếu tố bẩm sinh (mắc Hemophilia), do yếu tố đông máu đã bị tiêu thụ (mắc hội chứng DIC), do suy gan nặng không tổng hợp được yếu tố đông máu, do trong máu có chất ức chế đông máu nội sinh hoặc do ảnh hưởng của việc điều trị bằng Heparin.
3.3 Xét nghiệm thời gian Thrombin (TT)
Nguyên lý: Là đo thời gian đông máu khi cho thrombin vào huyết tương.
Ý nghĩa: Thời gian thrombin bình thường là 12 - 15 giây, chỉ số TT bệnh/TT chứng bình thường ở mức 0,8 - 1,25; nếu chỉ số này trên 1,25 chứng tỏ thời gian thrombin kéo dài. Thời gian thrombin kéo dài là do thiếu fibrinogen, phân tử fibrinogen bất thường hoặc do sự có mặt của heparin hay một số chất trung gian như PDF.
3.4 Xét nghiệm định lượng Fibrinogen
Nguyên lý: Huyết tương của bệnh nhân được pha loãng, xét nghiệm thời gian đông với thrombin rồi đối chiếu để biết nồng độ fibrinogen (fibrinogen được pha ở các nồng độ khác nhau rồi cho thrombin).
Ý nghĩa: Nồng độ fibrinogen bình thường là ở mức 2 - 4 g/l. Fibrinogen tăng khi người bệnh bị viêm nhiễm. Fibrinogen giảm có thể do tiêu thụ (mắc hội chứng DIC), tiêu fibrin hoặc mắc bệnh không có fibrinogen.
Với các bác sĩ, các xét nghiệm đông máu đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán các bất thường về đông máu, đảm bảo lựa chọn hướng điều trị phù hợp, mang lại hiệu quả trị bệnh tốt cho bệnh nhân. Khi thực hiện các xét nghiệm đông máu, bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để thu được kết quả nhanh chóng, chính xác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.