8 điều cần ghi nhớ với bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông

Việc sử dụng thuốc chống đông Warfarin (Coumadin®, Zofarin®) hoặc Acenocoumaron (Sintrom®, Mini-sintrom®) hàng ngày rất cần thiết đối với bệnh của bạn. Khi sử dụng thuốc, cần lưu ý 8 điều sau:

1. Tuân thủ đúng chỉ định của bác sỹ

  • Uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng vào thời điểm cố định trong ngày
  • Không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột vì bất cứ lý do gì nếu chưa có ý kiến của bác sỹ
  • Nếu quên uống thuốc và nhớ ra trong ngày, uống ngay liều thuốc đã quên. Nếu quên uống thuốc và nhớ ra vào ngày hôm sau, chỉ uống thuốc tiếp tục như bình thường, không uống gấp đôi liều để bù cho liều thuốc đã quên
  • Đi khám và xét nghiệm máu thường xuyên theo đúng hẹn của bác sỹ.

Tuân thủ đúng chỉ định của bác sỹ
Tuân thủ đúng chỉ định của bác sỹ

2. Tự kiểm tra INR

Nếu có điều kiện, nên mua máy để tự kiểm tra INR (chỉ số giúp theo dõi tác dụng của thuốc chống đông) bằng que thử tại nhà. Bác sỹ sẽ tư vấn khoảng INR cho phép đối với ông/bà. Liên hệ với bác sỹ ngay nếu chỉ số INR nằm ngoài khoảng cho phép.

3. Chăm sóc răng miệng

Luôn thông báo cho bác sỹ, nha sỹ, dược sỹ là ông/bà đang dùng thuốc chống đông khi khám bệnh, nhổ răng, phẫu thuật hoặc làm bất cứ thủ thuật nhỏ nào. Chăm sóc răng miệng cẩn thận, nên dùng bàn chải mềm và dao cạo râu điện. Nên đi khám nha khoa định kỳ.

8 điều cần ghi nhớ với bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông

4. Không tự động uống thuốc

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc chống đông. Không tự động uống hoặc ngừng bất cứ loại thuốc nào khác khi chưa có ý kiến của bác sỹ, dược sỹ.
Một số thuốc có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống đông, tăng nguy cơ chảy máu bao gồm:

  • Thuốc kê đơn: Amiodarone (Cordarone®), các loại kháng sinh, Clopidogrel (Plavix®)...
  • Thuốc không kê đơn: Paracetamol (Panadol®, Efferalgan®); Ibuprofen, Aspirin và các thuốc giảm đau, chống viêm không steroid khác, Ranitidine (Zantac®)...
    Một số thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống đông (tăng nguy cơ hình thành cục máu đông) bao gồm:
    - Thuốc bổ vitamin có thành phần vitamin K
    - Thực phẩm chức năng, thảo dược có chứa vitamin K, dầu cá, Ginkgo, Co-Enzyme Q10, dầu lanh, nhân sâm...

5. Tránh các hoạt động có nguy cơ chảy máu

Tránh các hoạt động có nguy cơ chảy máu chấn thương, ngã, tai nạn, đặc biệt là tai nạn ở vùng đầu. Lập tức đi khám ngay khi bị chấn thương, đặc biệt là tai nạn vùng đầu, và thông báo với nhân viên y tế ông/bà có dùng thuốc chống đông.

6. Đi khám ngay nếu có các dấu hiệu nguy hiểm

Đi khám ngay nếu có các dấu hiệu nguy hiểm sau:

  • Chảy máu kéo dài hơn 10 phút mới cầm;
  • Chảy máu chân răng;
  • Bầm tím dưới da thường xuyên;
  • Chu kỳ kinh nguyệt kéo dài và nhiều hơn bình thường;
  • Chảy máu mũi;
  • Đi đại tiện phân đen sệt hoặc lẫn máu;
  • Nôn ra máu;
  • Nước tiểu có máu, màu đỏ, nâu hoặc hồng;
  • Chóng mặt;
  • Rất mệt mỏi;
  • Yếu người;
  • Đau đầu nghiêm trọng.
8 điều cần ghi nhớ với bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông

7. Bệnh nhân nữ nên dùng biện pháp tránh thai khi đang sử dụng thuốc.

Không nên có thai hoặc cho con bú khi đang dùng thuốc chống đông . Nếu muốn có thai, cần phải trao đổi kỹ lưỡng với bác sỹ.

8. Tránh thực phẩm giàu vitamin K như trái bơ, sữa đậu nành, nhân sâm,...

Chế độ ăn uống:

  • Không uống nhiều rượu bia (tối đa 2 cốc/ngày). Báo với bác sỹ nếu ông/bà hút thuốc lá hoặc đã bỏ thuốc lá.
  • Nên ăn ở mức độ vừa phải thực phẩm chứa nhiều vitamin K bởi Vitamin K có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống đông. Cần duy trì ổn định lượng vitamin K ăn vào mỗi ngày để đảm bảo ổn định tác dụng của thuốc.

Thực phẩm giàu vitamin K gồm:

  • Trái bơ, sữa đậu nành, nhân sâm
  • Các loại rau xanh, củ quả có nhiều màu xanh: Rau dền, cải lá xoăn, rau bó xôi, rau xà lách xanh, ngò tay, rau diếp, rau muống, rau lang, măng tây, cải thảo, súp lơ xanh, đậu bắp, đậu Hà Lan, hành
  • Gia vị, rau thơm: Kinh giới, bạc hà, húng tây, húng quế, cần tây, rau mùi.
Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe