Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn - Trưởng đơn nguyên Chẩn đoán hình ảnh can thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chụp X quang răng giúp cung cấp cho nha sĩ hình ảnh rõ ràng về vị trí và tình trạng của những chiếc răng bị sâu, bệnh nha chu, áp xe, u, nang hoặc nhiều vấn đề khác về răng miệng mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
1. Lợi ích của chụp X quang răng
Chụp X quang răng là một kỹ thuật hỗ trợ quan trong trong chẩn đoán và điều trị các bệnh nha khoa. Phim chụp X quang sẽ cho hình ảnh rõ ràng về vị trí và tình trạng của những chiếc răng bị sâu, bệnh nha chu (nướu răng), áp xe, u, nang hoặc các bất thường khác. Nhờ đó, cung cấp cho nha sĩ những thông tin mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Điều này giúp rất nhiều cho việc chẩn đoán cũng như có phác đồ điều trị bệnh răng miệng được tốt hơn, phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.
Chụp X-quang răng thường được dùng để:
● Tìm ra các vấn đề răng miệng như: Sâu răng, tổn thương xương hỗ trợ răng, chấn thương răng (chân răng bị gãy,...). Trong trường hợp này, chụp X quang răng được dùng để phát hiện ra những vấn đề sớm trước khi có triệu chứng lâm sàng.
● Tìm ra những răng không ở đúng vị trí hay những răng nằm sâu trong nướu. Những chiếc răng mọc sát nhau mà xuyên qua nướu răng gọi là răng cấm.
● Phát hiện u nang, phát triển bất thường (khối u), hay ổ áp xe
● Kiểm ra vị trí của những chiếc răng vĩnh viễn phát triển trong hàm ở những trẻ còn răng sữa
● Tìm phương pháp điều trị lỗ sâu răng lớn hay nguy hiểm, phẫu thuật tủy răng, cấy ghép nha khoa, hay nhổ những chiếc răng khó
● Tìm phương pháp điều trị trường hợp răng không thẳng hàng (phương pháp chỉnh nha).
● Theo dõi sau điều trị nha khoa.
Cũng cần lưu ý thêm, là nếu chỉ làm thẩm mỹ thông thường như lấy cao răng, tẩy trắng răng,...thì đa phần không cần chụp X quang.
2. Các loại chụp X quang nha khoa
2.1. Chụp biên cắn
Chụp biên cắn là loại chụp phổ biến nhất trong X quang răng.
Chụp biên cắn cho thấy phần thân răng phía trên nướu và chiều cao của xương giữa các răng. Chụp biên cắn giúp chẩn đoán bệnh nha chu (nướu răng) và sâu răng giữa các răng.
2.2. Chụp răng toàn bộ
Chụp X quang răng toàn bộ cho thấy tất cả những chiếc răng và các xương xung quanh.
Chụp X quang răng toàn bộ giúp chẩn đoán sâu răng, u nang hay khối u, áp xe, răng bị ảnh hưởng và bệnh nướu răng.
2.3. X quang vòng quanh răng
Với phương pháp chụp X quang vòng quanh răng thì không cần phải đề phim X quang vào trong miệng của người chụp. Thay vào đó, người được chụp chỉ cần ngồi yên, đầu máy X-quang quay chung quanh và chụp, khi đó ta thu được một hình ảnh rộng lớn về hàm và răng.
Loại X quang răng này là loại đặc biệt hữu ích vì có thể cho thấy hàm trên và dưới cùng một lần. Nhờ đó, có thể dễ dàng phát hiện ra các răng bị ảnh hưởng hoặc những cấu trúc ẩn hình bất thường mà bình thường rất khó nhìn ra trên các bộ phim nhỏ.
2.4. X quang quanh đỉnh (PA)
X-quang quanh đỉnh được thực hiện để định chính xác vùng cần quan tâm. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong các trường hợp đau răng.
2.5. Chụp CT hình nón hay X-quang 3 chiều
Chụp CT hình nón (Cone Beam CT) là một tiến bộ công nghệ có thể giúp nha sĩ xem được các cấu trúc mà không thể nhìn thấy được bằng mắt thường.
Cone Beam CT sử dụng thiết bị X quang quay, kết hợp với một máy vi tính kỹ thuật số, để nắm bắt rõ ràng hình ảnh 3 chiều của mô mềm, xương, cơ và mạch máu.
3. Chụp X quang răng có hại không?
X quang sẽ sử dụng một lượng nhỏ tia X, có khả năng gây nhiễm xạ. Tuy nhiên, trong y tế nói chung và trong nha khoa nói riêng, lượng tia X dùng để chụp X-quang rất nhỏ và hoàn toàn được kiểm soát. Hơn nữa, nha sĩ thường chỉ yêu cầu chụp X quang khi cần thiết. Vì thế, chụp X quang trong y tế là an toàn và không nguy hiểm.
Khi chụp X quang răng, bạn luôn được bảo vệ kỹ càng bởi ba yếu tố: cường độ tia thấp, phim tốc độ cao giúp hạn chế tối đa sự nhiễm xạ, thời gian chụp phim ngắn. Ngoài ra đầu đèn của máy chỉ nhắm vào vùng cần chụp (với nha khoa thì đó là răng).
Phòng chụp phim cũng được bảo vệ với vách chì, kính chì giúp hấp thu tối đa các tia tán xạ, người bệnh được mặc áo chì, tạp dề chì, đeo cổ chì giảm tối đa vùng tiếp xúc với tia X.
Các kỹ thuật viên, nha sĩ trong phòng chụp cũng đều được đào tạo bài bản về kỹ thuật, an toàn bức xạ.
Để hạn chế tối đa ảnh hưởng của tia X, bạn nên chọn chụp X quang bằng máy X quang răng kỹ thuật số và không nên chụp X-quang quá thường xuyên.
4. Những đối tượng nào không nên chụp X quang răng?
\Như đã nói ở trên, thực tế chụp X quang răng không gây nguy hại gì đáng kể cho sức khỏe nếu không chụp thường xuyên.
Tuy nhiên, trong trường hợp phụ nữ đang mai thai, hay trẻ nhỏ thì chụp X quang vẫn có thể được tiến hành, nhưng chỉ áp dụng nếu thật sự cần thiết.
Nếu là phụ nữ đang mang thai, bạn cần thông báo cho nhân viên y tế khi chụp để có thể giúp bạn với những thiết bị bảo vệ bào thai như áo chì, yếm chì, cổ chì...
Trẻ em đôi khi cũng được chỉ định chụp X-quang răng để kiểm tra quá trình mọc răng của trẻ, tránh các lệch lạc như răng mọc xiên, lệch, phát hiện sớm các lỗ sâu răng... Trẻ cũng cần được đeo các dụng cụ bảo vệ bằng chì khi chụp X-quang răng để đảm bảo an toàn.
X quang răng là công cụ chẩn đoán bệnh quan trọng cho nha sĩ. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời là cách tốt để bảo đảm răng miệng khỏe mạnh trong suốt cuộc đời.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, mọi dịch vụ nha khoa đều được thực hiện theo các tiêu chuẩn kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ, đảm bảo an toàn và vệ sinh tối đa cho khách hàng. Chụp X quang và chẩn đoán được tiến hành với các máy X-quang kỹ thuật số hoàn toàn (Digital Radiography). Điều này giúp giảm tới 50% liều tia so với các máy X quang “truyền thống” trước đây. Nhờ đó đảm bảo tối đa tính an toàn cùng hiệu quả trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phấn là bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và điện quang can thiệp, có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán và làm can thiệp mạch máu như can thiệp nút túi phình mạch não, đặt stent mạch não, nút dị dạng mạch não mạch não; nút mạch điều trị ho máu; điều trị các khối U gan, xơ tử cung, u phì đại lành tính tuyến tiền liệt, ghép tế bào gốc điều trị Xơ gan, teo mật bẩm sinh, tiểu đường Typ II... Can thiệp không mạch máu như đốt sóng cao tần (RFA) điều trị U gan, U lành tính tuyến giáp; chọc hút và dẫn lưu các ổ áp xe, dẫn lưu và đặt stent đường mật, thận tiết niệu; chọc hút tế bào và sinh thiết tuyến vú, tuyến giáp, hạch, phần mềm, sinh thiết các khối u gan, u phổi, u xương ...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: California Dental Association