Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Khí nitric oxide (NO) đã được biết đến như là một loại khí có trong môi trường bị ô nhiễm bởi khí thải từ xe cộ và khói thuốc lá. Tuy nhiên gần đây khí NO trong hơi thở được biết đến nhiều hơn nhờ gắn với xét nghiệm đo FeNO- một xét nghiệm có độ tin cậy cao, giúp phản ánh nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau của bộ máy hô hấp, đặc biệt là bệnh hen phế quản.
1. Vai trò của khí NO là gì?
Khí NO được tạo ra từ phản ứng chuyển L-arginine thành L-citrulline với sự xúc tác của men NOS (nitric oxide synthase). Có 3 loại men NOS: eNOS (endothelial NOS), iNOS (inducible NOS) và nNOS (neuronal NOS).
Ở bệnh nhân hen phế quản có cơ địa dị ứng, có sự tăng tổng hợp iNOS trong tế bào biểu mô phế quản, từ đó làm tăng nồng độ NO trong thành phế quản. NO từ thành phế quản khuếch tán vào lòng phế quản do sự chênh lệch nồng độ. Do đó, NO trong khí thở ra (FeNO: fraction of exhaled nitric oxide) được xem như là một dấu ấn sinh học trực tiếp cho đáp ứng viêm loại TH2 (hoặc viêm tăng bạch cầu ái toan) ở bệnh nhân hen phế quản.
2. Xét nghiệm đo FeNO là gì?
Xét nghiệm đo FeNO là một xét nghiệm đơn giản, nhanh, không xâm lấn và có độ tin cậy cao. FeNO có tác dụng phản ánh một số cơ chế viêm nhất định (trong số nhiều cơ chế) của hen mà chức năng hô hấp không thể phản ánh. Do đó, đo FeNO phục vụ nhu cầu cá thể hóa điều trị hen phế quản:
- Phát hiện nhóm bệnh nhân có cơ chế viêm có khả năng đáp ứng với corticoid hít (ICS: inhaled corticosteroid) hoặc các loại kháng viêm đặc hiệu khác;
- Tránh dùng ICS ở bệnh nhân hen phế quản không có khả năng đáp ứng.
Đo FeNO là đo nồng độ NO từ đường hô hấp dưới. Vùng mũi có nồng độ NO tương đối cao hơn đường hô hấp dưới. Do đó, các kỹ thuật đo FeNO đường hô hấp dưới nên tránh lấy mẫu khí có chứa NO từ vùng mũi. Bình thường, FeNO dao động rộng giữa những người khác nhau nhưng ổn định cho từng người.
Các yếu tố sau có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm đo FeNO:
- Tuổi: Ở trẻ em, FeNO tăng khi tuổi tăng;
- Giới tính: Nam cao hơn nữ;
- Chiều cao: Tăng khi chiều cao tăng;
- Tình trạng hút thuốc lá: Giảm khi hút thuốc lá;
- Các loại thuốc đang dùng: Đặc biệt là ICS, montelukast, L-arginin;
- Lưu lượng thở ra: Giảm khi lưu lượng tăng.
FeNO tăng cao ở bệnh nhân hen phế quản so với người bình thường. Việc đo FeNO nhiều lần trong giai đoạn ổn định ở bệnh nhân hen có thể xác định được giá trị FeNO bình thường của từng bệnh nhân. FeNO cũng tăng cao ở người có cơ địa dị ứng, dù có hen hay không. Ngoài ra, FeNO có thể tăng trong các bệnh lý sau: giãn phế quản, nhiễm trùng hô hấp do virus, lupus đỏ hệ thống, xơ gan, bệnh lý thải ghép tạng. FeNO giảm trong các bệnh lý sau: nhiễm HIV, tăng áp phổi, bệnh xơ nang phổi.
3. Vai trò của xét nghiệm FeNO với bệnh hen phế quản
3.1. Trong chẩn đoán bệnh
Xét nghiệm đo FeNO được khuyến cáo dùng như một dấu ấn sinh học để chẩn đoán hen phế quản, theo dõi đáp ứng với ICS, điều chỉnh liều ICS, kiểm chứng việc tuân thủ điều trị và dự báo độ nhạy cũng như độ đặc hiệu trong chẩn đoán hen có thể lên tới 94% và 93%.
FeNO thấp là một dấu hiệu đáng tin cậy rằng đáp ứng viêm loại TH2 không hiện diện. Loại trừ sự hiện diện của tình trạng viêm đường dẫn khí rất hữu ích trong việc giải thích triệu chứng của bệnh nhân. Chẳng hạn ở bệnh nhân hen phế quản chưa kiểm soát, FeNO thấp giúp bác sĩ tập trung đi tìm các chẩn đoán khác (như béo phì, GERD hoặc rối loạn lo âu) thay vì tăng liều ICS không cần thiết. FeNO đáp ứng nhanh và tương ứng với liều ICS dùng mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là FeNO cho chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra khi bắt đầu dùng hoặc tăng liều ICS.
Hơn nữa, so với những xét nghiệm khác đánh giá hiện tượng viêm (định lượng bạch cầu ái toan trong đàm, trong dịch rửa phế quản hay trong mẫu sinh thiết), kỹ thuật đo FeNO cho thấy có nhiều ưu điểm vì dễ dàng thực hiện, không xâm lấn và chính xác. Ngoài ra, do dễ thực hiện nên đo FeNO trong hơi thở ra là một công cụ hữu ích trong việc tầm soát phát hiện bệnh nhân hen phế quản trong cộng đồng. Sự xuất hiện của các máy đo thế hệ mới nhỏ gọn còn cho phép thực hiện phép đo này tại các phòng khám, khoa cấp cứu hay tại nhà bệnh nhân.
3.2. Trong điều trị bệnh
Mặt khác xét nghiệm đo FeNO đóng vai trò quan trọng trong đánh giá tuân thủ điều trị bệnh hen phế quản.
Việc tuân thủ kém của bệnh nhân với điều trị nền là một trong những nguyên nhân chính của kiểm soát hen kém. Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng, không có phương pháp nào đủ tin cậy để đánh giá tuân thủ điều trị. Với bằng chứng đo FeNO trong khí thở ra thay đổi theo mức độ viêm phế quản và theo mức độ kiểm soát hen khi điều trị nền cho phép gợi ý lợi ích của phép đo này trong đánh giá mức độ tuân thủ điều trị của bệnh nhân hen phế quản.
Corticosteroids vẫn là điều trị kháng viêm chuẩn trong hen phế quản. Sử dụng corticosteroids hít được khuyến cáo như là điều trị nền của hen dai dẳng, trong khi corticosteroids uống thì thường cần thiết trong đa số trường hợp hen nặng. Tuy nhiên, đáp ứng với corticosteroid có sự thay đổi rất lớn giữa các cá thể và ngay cả trong một cá thể, sự đáp ứng cũng thay đổi theo thời gian tùy theo quá trình diễn biến bệnh hen và độ nặng của viêm.
Trong bối cảnh này, khả năng thực hiện test cá thể tiên đoán độ nhạy với corticoid rất đáng được quan tâm. Rất nhiều bài báo cho thấy nồng độ NO trong khí thở ra, trong sự tương quan với viêm tăng bạch cầu ái toan, thể nhạy cảm với corticoid. Đây là một công cụ có giá trị tiên đoán tốt hơn so với những tests phổi khác, như đo FEV1, đáp ứng giãn phế quản và sự biến thiên PEFR.
Lợi ích của xét nghiệm đo FeNO trong hướng dẫn điều trị hen vẫn chưa thống nhất giữa các nghiên cứu do khác nhau về thiết kế, cỡ mẫu, phương pháp nghiên cứu, ngưỡng FeNO được dùng và định nghĩa của đợt cấp. Lợi ích của FeNO có thể sẽ rõ rệt ở những nhóm bệnh nhân hen phế quản nhất định (như béo phì, eosinophil máu tăng, cơ địa dị ứng, ...); khi dựa vào các ngưỡng FeNO có ý nghĩa lâm sàng của từng bệnh nhân để điều chỉnh điều trị kháng viêm.
Xét nghiệm đo FeNO là một trong những nội dung có trong Gói khám và theo dõi hen phế quản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bên cạnh các xét nghiệm đánh giá, theo dõi hiện đại khác như Khám chuyên khoa Dị ứng, Đo chức năng hô hấp và Thăm dò chức năng hô hấp.
Bệnh hen phế quản cũng như các bệnh về đường hô hấp được khám và điều trị bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm tại bệnh viện Vinmec. Trong đó có Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ,..trước khi là bác sĩ Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Quý khách có thể trực tiếp đến hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.